Wednesday, November 30, 2022

Tin Tức, Thứ Tư 30.11.2022

Tin Tức

Mở đầu chương trình mời quý vị theo dõi phần Tin Tức với Phụng Hoàng & Trường An.

1/ BẠO QUYỀN VN LO SỢ TRƯỚC LÀN SÓNG BIỂU TÌNH Ở HOA LỤC

Một số nhà bình luận thời sự ở Hà Nội cho rằng bạo quyền VN đang hạn chế đưa tin về làn sóng biểu tình quy mô ở Hoa Lục vì lo ngại hiệu ứng domino.

Từ giữa tuần trước, nhiều cuộc biểu tình lớn đã nổ ra ở các thành phố lớn ở Trung Quốc sau khi dân chúng bất mãn vói các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch Vũ Hán. Các cuộc biểu tình đã bộc phát mạnh sau cái chết của 10 người dân ở khu tự trị Tân Cương trong một vụ hỏa hoạn. Người biểu tình kêu gọi chấm dứt chế độ độc đảng và yêu cầu Chủ tịch Tập Cận Bình phải từ chức.

Hàng ngàn người đã tham gia biểu tình ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Vũ Hán, Thành Đô và nhiều thành phố khác, đa số là sinh viên và trí thức. Người biểu tình giơ cao những tấm giấy trắng để thể hiện sự phản đối. Đáp lại thì bạo quyền Trung Cộng đã bắt giữ hàng chục người.

Giới báo chí lề đảng, bị kiểm soát chặt chẽ bởi ban Tuyên giáo Trung ương của đảng CSVN, đã im lặng hoặc đưa tin một cách hạn chế. Bạo quyền VN còn kiểm duyệt tin tức từ các thông tấn xã quốc tế. Tin biểu tình trên đài CNN bị cắt bỏ với hàng chữ “tín hiệu quá yếu, xin khách hành thông cảm”.

Đại tá quân đội đã về hưu, Tiến sỹ Nguyễn Phú Hải, cho rằng hành xử của truyền thông lề đảng là thiếu tính chuyên nghiệp. Theo ông, người dân Trung Quốc phải xuống đường là vì không thể ngồi yên để chịu cảnh đói khát. Trong khi đó nhiều nhà bình luận khác cho rằng phía VN không loan tin có tính bất lợi cho Trung Quốc vì sợ hiệu ứng domino.

2/ HƠN 41 NGÀN CÔNG NHÂN BỊ SA THẢI, GẦN 7 NGÀN NGƯỜI BỊ NỢ LƯƠNG

Theo công bố của Tổng liên đoàn Lao động VN, có hơn 41 ngàn công nhân bị sa thải và hơn 400 ngàn người khác bị giảm giờ làm hay ngừng việc từ 6 tháng qua.

Trong hội nghị trực tuyến vào hôm thứ Hai 28/11, cơ quan nói trên cho biết là con số thống kê tại 44 tỉnh thành từ giữa năm 2022 đến nay, cho thấy có hơn một ngàn công ty gặp khó khăn đã ảnh hưởng đến gần nửa triệu công nhân, trong đó có 41 ngàn công nhân bị sa thải và hàng trăm ngàn người khác bị giảm giờ làm việc.

Trong số đó, có hơn 30 ngàn nữ công nhân từ 35 tuổi trở lên, và gần 10 ngàn người khác đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi bị ảnh hưởng.

Cũng theo liên đoàn nhà nước này, tính tới điểm hiện nay, có 30 công ty nợ lương của 7 ngàn công nhân, với tổng số tiền là hơn 110 tỷ đồng và có 121 công ty nợ bảo hiểm xã hội của hơn 32 ngàn người, với tổng số tiền là 238  tỷ đồng.

Đây cũng là một trong những nguyên do khiến hàng loạt cuộc đình công đã xảy ra. Theo con số thống kê, tính đến cuối tháng 11, đã có 144 cuộc đình công trên toàn quốc, tăng thêm 53 cuộc so với năm 2021. Nguyên nhân phần lớn vẫn liên quan đến lương, phúc lợi bị cắt giảm hoặc chưa được điều chỉnh.

3/ VN KÊU GỌI BÀ THANH NHÀN VỀ ĐẦU THÚ TRƯỚC PHIÊN TÒA SƠ THẨM

Trong một hành động bất khả kháng, vào hôm qua viện kiểm sát tối cao đã cất tiếng yêu cầu bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cùng 7 người khác đang bỏ trốn, hãy ra đầu thú trước khi diễn ra phiên tòa sơ thẩm vào ngày 21/12 tới đây.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu chủ tịch công ty Tiến bộ Quốc tế (AIC), và 35 bị cáo khác sẽ bị đưa ra xét xử trong vụ án đấu thầu tại bệnh viện đa khoa Đồng Nai, với số tiền lem nhem lên đến 150 tỷ đồng, tức khoảng 6 triệu Mỹ kim.

Cả 8 bị can đang trốn lệnh truy nã đều bị truy tố tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngoài ra, bà Nhàn và ông Trần Mạnh Hà, phó giám đốc công ty AIC còn bị truy tố thêm tội “đưa hối lộ” cho bí thư và chủ tịch tỉnh Đồng Nai mỗi người khoảng 14 tỷ đồng.

Bà Nhàn cũng bị báo chí Pháp và Do Thái đưa tin là người trung gian trong các thương vụ mua bán vũ khí giữa Việt Nam và Do Thái, với trị giá khoảng 500 triệu Mỹ kim.

Tờ báo Haaretz của Do Thái, trích một nguồn tin giấu tên ở Việt Nam, cho rằng nguyên nhân thực sự đứng đằng sau vụ truy tố bà Nhàn là do các thỏa thuận mua bán vũ khí, với lý do chính yếu là cuộc cạnh tranh trong nội bộ đảng CSVN giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

4/ TRUNG CỘNG TUYÊN BỐ XUA ĐUỔI TÀU CHIẾN MỸ RA KHỎI TRƯỜNG SA

Trung Cộng vào hôm qua cho biết quân đội của họ đã xua đuổi một tuần dương hạm Hoa Kỳ ra khỏi vùng biển Trường Sa, tuy nhiên giới hải quân Hoa Kỳ đã bác bỏ thông tin này.

Bộ tư lệnh quân khu miền Nam của Trung Cộng cho biết là hành động của Mỹ tại vùng biển nói trên đã “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Cộng”.

Chiến hạm của hải quân Mỹ có tên là Chancellorville gần đây đã đi qua khu vực eo biển Đài Loan. Hải quân Hoa Kỳ gọi tuyên bố của Trung Cộng là “sai trái” và gọi đây là “hành động mới nhất “trong một loạt các hành động của Trung Cộng nhằm làm sai lệch về các hoạt động trên biển hợp pháp của Mỹ”.

Trung Cộng hiện đòi chủ quyền hơn 80% diện tích Biển Đông với đường đứt khúc chín đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển nhưng đã bị tòa Trọng tại Quốc tế bác bỏ trong một phán quyết vào năm 2016.

Hoa Kỳ cũng nhiều lần lên tiếng phản đối những đòi hỏi về chủ quyền quá đáng của Trung Cộng tại vùng biển này. Để thách thức các hành động của Trung Cộng, Hoa Kỳ thường xuyên cho tàu tuần tra đi vào Biển Đông, đi sát vào các đảo và bãi đá mà Trung Cộng đang chiếm đóng.

5/ NAM HÀN GIA TĂNG GẤP ĐÔI SỐ DOANH THU VŨ KHÍ

Nam Hàn đã đạt được gấp đôi doanh số từ ngành sản xuất vũ khí nhờ ký được nhiều hợp đồng lớn với thế giới, cho thấy mục tiêu trở thành một cường quốc vũ khí của nước này đang thành hiện thực.

Trong mấy năm qua, số doanh thu từ xuất cảng vũ khí của Nam Hàn vào khoảng 3 tỷ Mỹ kim mỗi năm. Tuy nhiên vào năm 2021, con số này đã tăng hơn 7 tỷ. Năm nay, theo một thống kê vào cuối tháng 10, Nam Hàn đã kiếm được 17 tỷ Mỹ kim trong khi năm 2022 còn chưa kết thúc.

Các mặt hàng xuất cảng chính của tập đoàn KAI là chiến đấu cơ hạng nhẹ FA-50, dựa trên công nghệ của tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ). KAI đã ký một thỏa thuận vào tháng 9 để bán 48 chiếc FA-50 cho Ba Lan với giá 3 tỷ Mỹ kim.

Ba Lan đang đặt mua lượng thiết bị quốc phòng trị giá hơn 12 tỷ Mỹ kim từ Nam Hàn, bao gồm 180 xe tăng cũng như ổ pháo và đạn dược. Ngoài Ba Lan, Philippines đã triển khai máy bay phản lực do KAI sản xuất, trong khi Ai Cập và Mã Lai đang đàm phán mua loại máy bay tương tự. Tiểu vương Ả Rập Thống nhất cũng ký một thỏa thuận trị giá hàng tỷ Mỹ kim để mua hệ thống phi đạn đất đối không.

Bên cạnh đó, một hợp đồng trị giá hơn 700 triệu Mỹ kim đã ký với quân đội Úc để cung cấp xe bọc thép và pháo tự hành.

No comments:

Post a Comment