Friday, November 4, 2022

Tin Tức, Thứ Sáu 04.11.2022

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh & Bá Cơ trình bày sau đây.

1/ TNLT TRỊNH BÁ TƯ BỊ CẤM GẶP GỠ GIA ĐÌNH SAU 2 THÁNG TUYỆT THỰC

Đám cai tù trại giam số 6 huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, tiếp tục cấm tù nhân lương tâm Trịnh Bá Tư được gặp gỡ gia đình sau khi ông mở cuộc tuyệt thực trong tù.

Tin trên do ông Trịnh Bá Khiêm, cha của ông Tư, đưa vào ngày 3/11 khi đến trại tù để gặp con nhưng bị từ chối. Ông cho biết là một cai tù nói rằng ông Tư vẫn đang bị kỷ luật và phải đến ngày 21/11 mới được gặp. Cai tù có tên là Lộc, mang cấp bậc đại úy thuộc đội cai tù mà ông Tư đang bị giam giữ.

Tù nhân lương tâm Trịnh Bá Tư, trong cuộc gặp cuối cùng vào tháng 9, đã thông báo với gia đình là bắt đầu tuyệt thực từ ngày 6/9, và đến nay đã gần hai tháng nhưng gia đình hoàn toàn bị mất liên lạc với ông. Việc liên lạc bằng điện thoại mỗi tháng cũng bị cắt đứt và gia đình không được gửi đồ tiếp tế.

Trại giam số 6 nằm ở khu vực có khí hậu khắc nghiệt nhất ở miền trung. Nhiều cựu tù nhân đã từng cho biết là đám cai tù ở đây đối xử với tù nhân vô cùng hà khắc. Vào năm 2019, tù nhân lương tâm Đào Quang Thực đã chết ở đây khi đang thọ án tù 13 năm. Vào đầu tháng 8 vừa qua, nhà báo Đỗ Công Đương cũng qua đời trong trại tù này.

Ông Khiêm, người có ba tù nhân lương tâm đang bị giam giữ, cho biết là đang vô cùng lo lắng cho sức khoẻ và tính mạng của con trai mình. Nhà đấu tranh cho dân oan Trịnh Bá Tư  33 tuổi, cùng mẹ là bà Cấn Thị Thêu 60 tuổi và anh trai là Trịnh Bá Phương 37 tuổi bị bắt vào giữa năm 2020 với cáo buộc “tuyên truyền chống chế độ” vì lên tiếng trên mạng xã hội về vụ án Đồng Tâm.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/prisoner-of-concern-trinh-ba-tu-still-not-allowed-to-meet-relatives-11032022083428.html

2/ CÔNG AN BẮC GIANG CẢNH BÁO VỀ NHÓM ‘TRẠI CHÁU BÁC HỒ”

Công an tỉnh Bắc Giang vào hôm thứ Ba 2/11 vừa tung lên bài báo, viết về nhóm “Trại Cháu Bác Hồ” với 18 ngàn thành viên đang lôi kéo học sinh tham gia chống lại chế độ.

Theo cáo buộc của công an, nhóm này được thành lập bởi các thành viên bị cáo buộc là “phản động" trong nước. Nhóm này lợi dụng khẩu hiệu “Bác Hồ là nhất” để dụ dỗ các thanh niên trí thức tham gia vào lực lượng “chống đảng, chống chế độ”. Để thực hiện điều này, nhóm này thường xuyên đăng tải những hình ảnh và bài viết có nội dung xuyên tạc, bôi nhọ họ Hồ; nhất là các biến cố “chiến tranh biên giới phía bắc”, “hải chiến Gạc Ma” và “hải chiến Hoàng Sa”.

Theo tìm hiểu thì nhóm này được thành lập vào tháng 5/2021 và đến ngày 3/11/2022, quản trị viên đổi tên nhóm từ "Trại Cháu Bác Hồ" thành "Kis". Đồng thời nhóm này có hơn 18 ngàn thành viên, đang bị quản trị viên tạm dừng hoạt động trong 28 ngày, đến ngày 1 tháng 12 sẽ tiếp tục.

Các bài viết trong nhóm có nhiều nội dung trái chiều đối với những lời tuyên truyền của đảng cộng sản Việt Nam. Bài viết cuối của nhóm đăng ảnh ông HCM đang ngồi đánh máy với chú thích "Trần Dân Tiên cặm cụi viết sách ca ngợi Bác".

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/bac-giang-police-warn-uncle-ho-camp-of-enticing-others-to-stand-against-the-party-11032022100358.html

3/ NGA BÁO HIỆU CUỘC RÚT QUÂN LỚN Ở MIỀN NAM UKRAINE

Một quan chức Nga vào hôm qua cho biết là quân Nga có khả năng rút quân khỏi bờ tây sông Dnipro của Ukraine, báo hiệu một cuộc rút lui lớn và sẽ là một bước ngoạt lớn trong cuộc chiến xâm lược.

Tuy nhiên giới chức Ukraine vẫn tỏ ra thận trọng trước những dấu hiệu cho thấy Nga đang từ bỏ khu vực này và các cấp cao trên ở Moscow đã im lặng trước thông báo về một trong những cuộc rút lui nhục nhã nhất của Nga kể từ khi xâm lược Ukraine.

Khu vực này bao gồm thành phố Kherson, thủ phủ của tỉnh này, và là thành phố lớn duy nhất mà Nga chiếm được nguyên vẹn kể từ khi xâm lược vào tháng 2 vừa qua. Nó cũng bao gồm một bên của một con đập lớn băng ngang sông Dnipro, nơi kiểm soát nguồn cung cấp nước để tưới cho Crimea, bán đảo mà Nga đã chiếm đóng từ năm 2014.

Trước đó, Nga kiên quyết phủ nhận là các lực lượng của họ đang có kế hoạch rút khỏi khu vực mà Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố đã sát nhập vào Nga vào cuối tháng 9. Nga đã chiến đấu trong nhiều tháng để bám lấy mảnh đất mà họ nắm giữ ở bờ tây cửa sông chia cắt Ukraine. Nga đã điều động hàng chục ngàn binh sĩ đến tiếp viện cho khu vực này.

Quân Ukraine đã nhắm mục tiêu vào các tuyến sông chính trong nhiều tháng, khiến Nga gặp khó khăn trong việc tiếp tế cho lực lượng khổng lồ của mình ở bờ tây. Quân đội Ukraine đã tiến dọc theo con sông kể từ khi xông qua chiến tuyến của Nga ở đó vào đầu tháng 10, mặc dù bước tiến của họ đã chậm lại trong những ngày gần đây.

Vào cuối tháng 9, Nga tuyên bố sát nhập các vùng Kherson, Donetsk, Luhansk và Zaporizhzia của Ukraine, sau khi tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý mà Ukraine  và phương Tây bác bỏ vì cho là nguỵ tạo và bất hợp pháp.

https://www.voatiengviet.com/a/6818672.html

4/ CỰU THỦ TƯỚNG PAKISTAN BỊ BẮN Ở THÀNH PHỐ LAHORE

Một tay súng đã tấn công đoàn xe hộ tống cựu thủ tướng Imran Khan ở thành phố Lahore, khiến ông này bị thương.

Theo báo chí địa phương, vụ nổ súng xảy ra ở gần chỗ đậu của đoàn xe, khi ông Khan đang dẫn đầu một cuộc tuần hành ở Islamabad để yêu cầu chính quyền Pakistan tiến hành bầu cử sớm.

Quan chức đảng Asad Umar cho biết cựu thủ tướng Khan bị thương ở chân, trong khi đó một trong những ủng hộ viên đã thiệt mạng và 9 người khác bị thương. Một cố vấn của ông Khan cho biết đây là một âm mưu ám sát nhà lãnh đạo này.

Tay súng đã bị bắt tại hiện trường nhưng giới chức chưa tiết lộ và cũng chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ nổ súng.

Kể từ khi bị lật đổ trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội vào tháng 4, cựu thủ tướng Khan đã kêu gọi các cuộc biểu tình trên khắp đất nước, với tuyên bố mình là "nạn nhân của một âm mưu của người kế nhiệm Thủ tướng Shahbaz Sharif và Hoa Kỳ”. Cả tân Thủ tướng Sharif và Washington đều bác bỏ những cáo buộc này.

Cuộc tấn công mới nhất nhằm vào cựu Thủ tướng Khan xảy ra vào thời điểm  Pakistan đang phải vật lộn với hậu quả từ những trận lũ lụt nghiêm trọng chưa từng có, khiến hơn 1 ngàn người thiệt mạng và 33 triệu người phải di tản. Vụ việc cũng làm dấy lên những lo ngại mới về bất ổn chính trị ngày càng gia tăng ở Pakistan, quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân với dân số lên đến 225 triệu người.

Pakistan từng có các vụ ám sát nhằm vào chính trị gia, nổi tiếng nhất là vụ tấn công bà Benazir Bhutto, người phụ nữ đã hai lần nắm quyền thủ tướng và là nữ lãnh đạo được bầu cử dân chủ đầu tiên của một quốc gia Hồi giáo. Bà thiệt mạng trong một vụ đánh bom liều chết vào năm 2007.

https://dantri.com.vn/the-gioi/cuu-thu-tuong-pakistan-bi-ban-20221103204035174.htm

No comments:

Post a Comment