Wednesday, November 23, 2022

CHÍNH SÁCH “MỘT TRUNG QUỐC” ĐÃ LỖI THỜI

Bình Luận

Chính sách Một Trung Quốc phát xuất từ bạo lực của kẻ mạnh, đã không còn phù hợp với quan điểm dân chủ căn cứ trên sự đồng thuận của nhân dân trong kỷ nguyện mới.  Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Trần Trung Đạo với tựa đề: “CHÍNH SÁCH “MỘT TRUNG QUỐC” ĐÃ LỖI THỜI” sẽ được Vân Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.

Trần Trung Đạo

Chính Sách “Một Trung Quốc” (One China Policy) bắt nguồn từ chiến lược hòa hoãn với Trung Quốc của TT Richard Nixon và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Henry Kissinger. 

Theo nội dung của Thông Cáo Chung Thượng Hải, Trung Cộng khẳng định: (1) Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc; (2) Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc; (3) việc giải phóng Đài Loan là việc nội bộ của Trung Quốc mà không nước nào có quyền can thiệp; và (4) tất cả các lực lượng và cơ sở quân sự của Hoa Kỳ phải được rút khỏi Đài Loan.” 

Phía Hoa Kỳ: (1) thừa nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc, (2) khẳng định mối quan tâm của Hoa Kỳ đối với việc giải quyết vấn đề Đài Loan một cách hòa bình bởi chính người Trung Quốc, (3) đồng ý mục tiêu cuối cùng là việc rút tất cả các lực lượng và cơ sở quân sự của Hoa Kỳ khỏi Đài Loan.

Đòi hỏi của Trung Cộng rất rõ ràng nhưng đáp ứng của Hoa Kỳ lại khá mơ hồ. Thời gian đó, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) vẫn còn tòa đại sứ tại Washington D.C.. 

Trong văn kiện tái lập quan hệ ngoại giao 1979, Hoa Kỳ thừa nhận quan điểm của Trung Cộng khi Trung Cộng cho rằng chỉ có một Trung Quốc và Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chính phủ Hoa Kỳ công nhận Trung Cộng có chủ quyền trên Đài Loan. 

“Thừa nhận” (acknowledge) khác với “công nhận” (recognize). Chính phủ Hoa Kỳ “thừa nhận” quan điểm của Trung Quốc cho rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc nhưng không hàm ý “công nhận” Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Chính phủ Hoa Kỳ mong muốn tranh chấp giữa Trung Cộng và Đài Loan được giải quyết bằng phương pháp hòa bình. 

Phái đoàn Trung Cộng muốn sửa lại nội dung văn kiện để thay từ “thừa nhận” thành “công nhận” nhưng phái đoàn Hoa Kỳ không đồng ý. Vì muốn thỏa hiệp được ký kết nhanh, phái đoàn Trung Cộng không tiếp tục giằng co với trò chơi chữ của Mỹ.

Trong thời điểm đó, Dân biểu Clement John Zablocki, Chủ Tịch Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện Hoa Kỳ là người có quan điểm chống CS cứng rắn thuộc đảng Dân Chủ, quận 4 tiểu bang Wisconsin. Ông rất nhạy bén khi hình dung viễn ảnh không sáng sủa của Đài Loan nên đã bảo trợ một dự luật nhằm bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ và quyền lợi kinh tế Đài Loan sau này. Dự luật là một hợp tác lưỡng đảng và được hoàn thành trong một thời gian rất ngắn. Dân biểu Zablocki giới thiệu dự luật ngày 28 tháng 2, 1979. 

Đạo luật có tên là Đạo Luật Quan Hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act) ra đời. Mặc dù Mỹ đã đóng tòa đại sứ tại Đài Loan nhưng đạo luật này cho phép thiết lập Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan, một hình thức khác của tòa đại sứ. Đạo luật này yêu cầu tổng thống phải tức khắc thông báo với quốc hội mọi biến cố có ảnh hưởng đến an ninh của Đài Loan. Quan trọng nhất, đạo luật nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ cung cấp Đài Loan với võ khí có đặc tính phòng thủ và sẽ duy trì khả năng của Hoa Kỳ chống lại bất cứ biện pháp nào dùng vũ lực hay hình thức cưỡng bách nào khác có thể gây nguy hiểm cho an ninh hay hệ thống xã hội hoặc kinh tế của nhân dân Đài Loan”.

Dĩ nhiên Trung Cộng phản đối Đạo Luật Quan Hệ Đài Loan và xem đó là hành động đơn phương của Mỹ, vi phạm các nguyên tắc ngoại giao quốc tế và nhất là “vi phạm những cam kết của Hoa Kỳ với Trung Cộng”. 

Nếu không có Đạo Luật Quan Hệ Đài Loan, số phận Đài Loan ngày nay cũng chẳng khác gì Hong Kong. Đạo luật này mở ra nhiều cánh cửa cho quan hệ giữa Đài Loan và Hoa Kỳ đồng thời dự phòng nhiều trường hợp để các chính phủ Hoa Kỳ sau đó có thể giải thích và áp dụng tùy theo tình huống. 

Hôm 23 tháng 5, 2022 tại Tokyo, khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có dùng vũ lực để bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Đài Loan bị tấn công, TT Joe Biden trả lời ngay “Yes” và sau đó giải thích thêm cũng trong tinh thần của Đạo Luật Quan Hệ Đài Loan: “Chúng tôi đồng ý với chính sách ‘Một Trung Quốc’. Chúng tôi ký vào đó, và các bên đồng ý từ đó, nhưng ý tưởng thực hiện bằng vũ lực là không thích hợp.” 

Điều đó cho thấy quan điểm “Một Trung Quốc” của Hoa Kỳ khác với quan điểm “Một Trung Quốc” của các lãnh đạo Trung Cộng từ Đặng Tiểu Bình tới Tập Cận Bình. 

Quan điểm lưỡng đảng về Đài Loan đó từ 1979 đến nay không thay đổi.

Hôm 1 tháng 8, 2022, Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi thăm Đài Loan. Chuyến viếng thăm ngắn nhưng đã gây nhiều tiếng vang khắp thế giới và phản ứng quyết liệt kèm theo nhiều đe dọa từ phía Trung Cộng. Nhưng ngoài việc gởi một số chiến đấu cơ xâm phạm không phận Đài Loan, Trung Cộng không thể có một hành động trả đũa nào cụ thể. 

Trung Cộng làm gì với những chiến đấu cơ đó? Dám bắn không? Hình ảnh quân đội Nga đang khốn đốn ở Ukraine là một nhắc nhở hãi hùng dành cho quân đội Trung Cộng, một quân đội đang mắc “bệnh hòa bình” vì 43 năm chưa ra trận.

Nhưng tại sao Tập hung hăng? Hai lý do. Thứ nhất, Tập muốn tạo một không khí chiến tranh để áp đảo tinh thần các thành phần chống Tập còn mạnh trong nội bộ đảng CSTQ trước khi ông ta bước vào nhiệm kỳ 3 tại đại hội đảng lần thứ 20 vào tháng 11 này. Thứ hai, Tập tiếp tục đun sôi chảo dầu đại Hán để giữ “niềm tin vào đảng” và để đánh lạc hướng lòng công phẫn của người dân sang phía Mỹ thay vì tập trung vào ông ta. 

Việc làm ồn lên của Tập chỉ làm trò cười cho thiên hạ và góp phần quảng cáo cho chuyến viếng thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi. 

Thời đại ngày nay là thời đại tự do dân chủ và tự quyết. Người dân Ukraine đang chiến đấu vì quyền tự quyết của họ và người dân Đài Loan chắc chắn sẽ đứng lên chiến đấu cho quyền tự quyết của mình nếu bị tấn công. Các cuộc cách mạng tại Đông Âu và Bắc Phi cho thấy dân chủ là khúc khải hoàn ca đang được phần đông nhân loại cất lên và là xu hướng của thời đại. 

Chính sách “Một Trung Quốc” là sản phẩm của Chiến Tranh lạnh và với đà tiến văn minh ngày nay, chính sách đó đã lỗi thời.

No comments:

Post a Comment