Saturday, November 5, 2022

Tin Tức, Thứ Bảy 05.11.2022

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Mỹ Linh & Đồng Tâm trình bày sau đây.

1) PHIÊN TÒA PHÚC THẨM VỤ ÁN TỊNH THẤT BỒNG LAI

Trong hai ngày 2 và 3/11/2022, tòa án tỉnh Long An đã mở phiên phúc thẩm xét xử 6 thành viên Tịnh Thất Bồng Lai (còn gọi là Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ) với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” điều 331 BLHS. Tòa phúc thẩm đã giữ nguyên bản án sơ thẩm đã tuyên. Người cao tuổi nhất và cũng chịu mức án nặng nhất là ông Lê Tùng Vân, 5 năm tù giam. Bà Cao Thị Cúc, 3 năm. Các thầy Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương đều bị tuyên 4 năm tù. Thầy Lê Thanh Nhị Nguyên chịu 3 năm 6 tháng tù giam.

Ông Lê Tùng Vân vắng mặt vì lý do sức khỏe. Bà Cao Thị Cúc chỉ có mặt trong các buổi sáng của phiên tòa vì quá yếu, không thể tham gia phiên tòa kéo dài cả ngày. Thích Nhật Từ, Thích Minh Thiện là những kẻ tố cáo, đâm đơn vu khống, đẩy các thành viên TTBL phải vào tù oan, cũng vắng mặt không lý do.

Điều đáng chú ý, các luật sư đưa ra 11 luận cứ, mà họ gọi là “những sự thật hiển nhiên tồn tại trong hồ sơ vụ án và Viện kiểm sát chỉ cần thừa nhận 01 trong 11 điều trên thì vụ án bị phá sản”. Chính vì thế, VKS đã từ chối tranh luận và hội đồng xét xử dựa vào yếu tố này để chấm dứt cuộc tranh luận tại tòa. Không những các luật sư bị tước quyền tranh luận, quyền bào chữa mà thân chủ của họ cũng bị tước quyền nói lời nói cuối cùng.

Luật sư Đặng Đình Mạnh viết trên trang fb cá nhân rằng : “Công lý, đôi khi đến từ công chúng”. Và “những tù nhân Thiền Am xứng đáng được tự do hơn nhiều người đang cười cợt họ”.

 

2) ĐỨC XÉT XỬ NGƯỜI THỨ HAI LIÊN QUAN VỤ BẮT CÓC TRỊNH XUÂN THANH

Bị cáo Lê Anh Tú, 32 tuổi, sinh sống tại thủ đô Prague ( CH Séc) vào thời điểm tham gia vụ bắt có Trịnh Xuân Thanh năm 2017, đã phải ra tòa thượng thẩm thẩm Berlin, hôm thứ tư, ngày 2/11. Sau khi xảy ra vụ án, Lê Anh Tú về Việt Nam lẩn trốn suốt 5 năm rồi quay trở lại Pragua vào tháng 6 năm nay trước khi bị bắt và bị dẫn độ sang Đức. Phiên tòa được mở ngày 2/11 và dự kiến kết thúc vào 30/10. Lê Anh Tú bị buộc tội đã hỗ trợ và tiếp tay cho việc tước đoạt quyền tự do và hoạt động như một mật vụ. Cáo trạng nêu, Lê Anh Tú ngồi trong chiếc xe gây án vào ngày 23/7/2017, hỗ trợ cưỡng ép ông Thanh và bạn gái vào chiếc xe bảy chỗ rồi chạy về Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin.

Người đầu tiên bị kết án là ông Nguyễn Hải Long vì đã tham gia hỗ trợ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và hoạt động gián điệp trên đất Đức. Ông này bị kết án 03 năm 10 tháng tù giam hồi tháng 7/2018.

Trịnh Xuân Thanh nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, bị khởi tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” vào năm 2016 nhưng đã kịp bỏ trốn sang Đức và xin được quy chế tị nạn.

Tháng 7/2017, Thanh bị mật vụ Việt cộng bắt cóc tại Berlin. Tháng 2/2018, Trịnh Xuân Thanh bị tuyên hai án tù chung thân với các tội danh “tham ô tài sản” và “cố ý làm trái quy định nhà nước”.

 

3) LÃNH ĐẠO ĐỒNG THÁP, BÌNH THUẬN BỊ KỶ LUẬT

Các lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp gồm Chủ tịch và Phó bí thư Tỉnh uỷ vừa phải chịu hình thức kỷ luật liên quan đến những sai phạm trong phòng chống dịch COVID-19. Quyết định này được Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đưa ra tại cuộc họp diễn ra tại Hà Nội từ ngày 1 đến 2/11/2022. Các lãnh đạo tỉnh và một số quan chức “vi phạm quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh và một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong đấu thầu, mua sắm vật tư, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ công tác phòng, chống dịch; để xảy ra vụ án tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) của tỉnh”. Tuy nhiên, thay vì phải sử dụng luật hình sự thì các lãnh đạo, quan chức này chỉ bị áp dụng là hình thức “khiển trách”, “cảnh cáo” về mặt đảng.

Trong diễn biến khác, hôm 4/11, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Lê Tuấn Phong, đồng thời cho ông Phong thôi làm đại biểu HĐND tỉnh khóa XI nhiệm kỳ 2021-2026 theo nguyện vọng của ông này.

Hồi tháng 4, ông Phong đã bị UB Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật “cảnh cáo” vì những sai phạm liên quan đến các dự án đất đai, bất động sản. Các sai phạm này đang được Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra tại Bình Thuận.

 

4) VIỆT NAM- TRUNG QUỐC TIẾN HÀNH TUẦN TRA CHUNG TẠI VỊNH BẮC BỘ

 

Cuộc tuần tra chung ở Vịnh Bắc Bộ được thực hiện ngày 3/11, lần thứ hai trong năm nay. Cuộc tuần tra sẽ kéo dài đến ngày 6/11. Theo trang tin Hải Quân của Việt Nam, phía Việt Nam có hai tàu Cảnh sát biển 8004 và 8003 xuất phát từ cảng Hải Phòng tham gia cuộc tuần tra. Đây là lần thứ năm hoạt động tuần tra trên vùng biển lân cận đường phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Hải cảnh Trung Quốc được tổ chức sau khi Hiệp định hợp tác nghề cá giữa hai nước hết hiệu lực từ ngày 30/6/2020. Sự kiện này diễn ra chỉ 2 ngày sau khi ông Nguyễn Phú Trọng kết thúc chuyến thăm Trung Quốc theo lời mời của ông Tập Cận Bình.

 

5)THỦ TƯỚNG ĐỨC THĂM TRUNG QUỐC

Ngày 4/11, Thủ tướng Olaf Scholz dẫn đầu phái đoàn Đức đã tới Bắc Kinh chính thức chuyến thăm Trung Quốc. Ông là nhà lãnh đạo G7 đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau 3 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Đức với kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa 2 nước đạt 245 tỷ USD vào năm 2021.

Chuyến thăm của ông Scholz làm dấy lên những tranh cãi và lo ngại ở cả Đức lẫn châu Âu, sau khi Tập Cận Bình củng cố xong quyền lực của mình. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây đã cảnh báo ông Scholz rằng ông có nguy cơ bị cô lập, ám chỉ sự thân thiết quá mức mà Đức dành cho Bắc Kinh.

Tại cuộc găp giữa lãnh đạo hai quốc gia, ông Tập Cận Bình đã thúc giục hợp tác kinh tế sâu hơn với Đức. Trong khi đó thủ tướng Đức nói rằng ông đang tìm cách "phát triển hơn nữa" hợp tác kinh tế giữa hai nước.

 

No comments:

Post a Comment