Sunday, July 24, 2022

Việt Nam Tuần Qua

Việt Nam Tuần Qua

Kính thưa quí thính giả, sau đây phóng viên Bảo Trân và Hướng Dương sẽ điểm lại những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuần qua

Bảo Trân: Cám ơn chị Mỹ Linh. BT xin gửi lời chào tới toàn thể quý vị khán thính giả của đài DLSN.

Bảo Trân: Mở đầu buổi hội luận ngày hôm nay BT muốn hỏi là anh có ghi nhận như thế nào trước việc Mỹ liệt VN vào danh sách đen về tệ nạn buôn người?

Hướng Dương: Thưa chị cùng quý thính giả đài DLSN!

Vào hôm thứ Ba 19/7, chính phủ Hoa Kỳ đã đưa các nước VN, Campuchia, Brunei và Ma Cao vào danh sách đen về tệ nạn buôn người.

Trong báo cáo thường niên, ngoài những nước kể trên, Hoa Kỳ cũng đã thêm Belarus và Bulgaria vào danh sách theo dõi. Các quốc gia nói trên phải gánh chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ, mặc dù Washington thường xuyên từ bỏ việc trừng phạt đối với các quốc gia thân thiện.

VN là quốc gia có mối quan hệ nồng ấm với Hoa Kỳ vì cùng quan ngại Trung Cộng, đã bị hạ cấp xuống nhóm 3 vì bộ ngoại giao Mỹ tuyên bố bạo quyền Hà Nội đã giảm các vụ truy tố về tệ nạn buôn người vào năm ngoái. Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh đến việc Hà Nội không có hành động nào đối với nhà ngoại giao và nhân viên tòa đại sứ VN tại Saudi Arabia bị cáo buộc đồng lõa trong vụ đánh đập đến chết một thiếu nữ 15 tuổi người Việt ở đất nước này.

Tại Campuchia, báo cáo cho biết là quốc nạn tham nhũng đã cản trở nỗ lực giúp đỡ hàng ngàn trẻ em bị bán cho các cơ sở giải trí, lò gạch và các hoạt động lừa đảo trực tuyến. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định tệ nạn tham nhũng là “công cụ hàng đầu” của những kẻ buôn người.

Bảo Trân: Cũng trong tuần qua, hai tổ chức nhân quyền đã cáo buộc bạo quyền VN trốn tránh cam kết quốc tế. Anh có suy nghĩ gì về việc này?

Hướng Dương: Theo như tôi được biết vào ngày 18/7 vừa qua, hai tổ chức nhân quyền là Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người VN đã gửi bản điều trần lên Ủy ban Nhân quyền LHQ, nội dung khẳng định là bạo quyền VN không chỉ thất bại trong việc thực hiện các cam kết bảo vệ nhân quyền mà đã tăng cường chiến dịch đàn áp người dân.

Bản điều trần được gửi lên trong bối cảnh Ủy ban Nhân quyền LHQ sắp sửa chuẩn bị một phiên họp vào tháng 10 tới đây, nhằm xem xét báo cáo của bạo quyền Hà Nội về việc thực hiện nhân quyền.

VN là một quốc gia thành viên của Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị, do đó nước này phải trải qua các đợt trao đổi định kỳ với Ủy ban Nhân quyền. Trong đợt trao đổi vào tháng 3 năm 2019, Ủy ban này đưa ra 3 khuyến nghị với VN nhưng đến nay không thực hiện bất cứ khuyến nghị nào.

Ngoài ra, bạo quyền VN cũng bị hai tổ chức nhân quyền nói trên tố cáo là đã lừa dối Ủy ban Nhân quyền khi cho rằng các số liệu về án tử hình được công khai, nhưng trên thực tế thì vấn đề này vẫn được liệt vào dạng bí mật quốc gia và không thể nào tiếp cận được.

Bảo Trân: Thưa anh TA, việc Hai người dân vừa được trả tự do đã lên tiếng tố cáo vụ công an huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, đã đánh đập và ép cung sau khi bị bắt giam về việc phản đối đường dân sinh là sao?

Hướng Dương: Đúng như chị vừa nói.

Hai người này nằm trong số 10 người dân bị tạm giữ khi tham gia việc phản đối hàng ngàn công an phá bỏ con đường dân sinh của xã Nghi Thuận vào ngày 13/7 vừa qua. Vào sáng hôm đó, bạo quyền tỉnh Nghệ An đã huy động hàng ngàn công an dựng hàng rào kẽm gai ở đầu đường dân sinh dẫn vào giáo xứ Bình Thuận nhằm dở bỏ con đường này và giao nó cho khu công nghiệp.

Hậu quả là theo báo chí lề đảng có 5 công an bị thương và 10 người dân bị bắt. Đến trưa ngày 15/7, hai người dân được trả tự do về nhà, đó là chị Trần Thị Miên và Nguyễn Thị Hiền bị tạm giam tại đồn Nghi Lộc. Một người khác là bà Bạch Thị Hòa 72 tuổi bị đưa vào bệnh viện huyện để chữa trị.

Bảo Trân: Theo tôi được biết Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) vừa vinh danh nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang bằng việc trao giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế năm 2022. Anh vui lòng nói rõ hơn việc này để quý thính giả của đài được hiểu hơn?

Hướng Dương: Trong thông báo về việc trao giải thưởng cho bà Trang hôm 14/7, tổ chức nói trên cho biết bà Trang là một trong số 23 nhà báo đang bị giam giữ tại VN vì dũng cảm đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ tại VN. Đây là lần thứ nhì mà bà Trang được vinh danh bởi một giải thưởng lớn về Tự do Báo chí. Vào năm 2019, bà cũng được tổ chức Phóng viên Không biên giới trao giải thưởng Tự do Báo chí.

Là một cựu phóng viên báo chí lề đảng, bà bị đuổi việc sau khi tuồn ra một đoạn ghi âm cuộc thẩm vấn của công an trong lúc giam giữ bà. Bà Trang và ông Willy Nguyễn, từng bị bắt giữ ở VN, cùng soạn thảo bản “Báo cáo Đồng Tâm”, nội dung đề cập đến vụ tấn công gây chết chóc của hàng ngàn công an vào xã Đồng Tâm năm 2020.

Như chúng ta đã biết, Bà Phạm Đoan Trang đã bị bạo quyền VN kết án 9 năm tù vào cuối năm ngoái với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Bà Trang bị bắt giam ngay sau khi cuộc đối thoại nhân quyền thường niên giữa Mỹ và VN kết thúc vào năm 2020 và bị giam giữ mà không được gặp mặt thân nhân hơn một năm trước khi bị mang ra xét xử vào tháng 12 năm ngoái.

No comments:

Post a Comment