Friday, July 15, 2022

Tin Tức, Thứ Sáu 15.07.2022

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh & Bá Cơ trình bày sau đây.

1) HÀ NỘI CHỈ ĐỊNH TÂN CHỦ TỊCH

Người sẽ thay thế Chu Ngọc Anh giữ chức Chủ tịch thành phố Hà Nội là ông Trần Sỹ Thanh, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Quyết định trên của Bộ Chính trị được Thành ủy Hà Nội công bố vào chiều 15/7 trong một hội nghị được tổ chức cùng ngày.

Ông Trần Sỹ Thanh được chỉ định thay ông Chu Ngọc Anh, người mới đi tù vì liên quan đại án tham nhũng Việt Á. Như vậy, cả hai người tiền nhiệm của Trần Sỹ Thanh là Nguyễn Đức Chung và Chu Ngọc Anh đều đang ở trong tù.

Ông Thanh sinh năm 1971 tại Nghệ An và kết nạp đảng cộng sản năm 1995, khi mới 24 tuổi. Tuy còn khá trẻ so với nhiều nhân vật cộm cán khác nhưng ông Thanh đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy cầm quyền. Trần Sỹ Thanh giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước từ tháng 4/2021 và từ tháng 7/2016 tới nay, ông này đã là Đại biểu Quốc hội khóa 14 và 15.

 

2) TƯỚNG CÔNG AN KIÊM CỰU CHỦ TỊCH HÀ NỘI ĐƯỢC GIẢM 1 NĂM TÙ

 

Tòa án cấp cao tại Hà Nội hôm 13/7 đã giảm 01 năm tù giam cho cựu chủ tịch Hà Nội- Nguyễn Đức Chung, tức Chung “con”, liên quan đến vụ án tham nhũng tại công ty Nhật Cường. Ngoài Chung “con”, còn có hai đồng phạm khác cũng được giảm án tại phiên tòa này. Trước đó, tại phiên xử đầu tiên, ông Chung bị tuyên 03 năm tù giam. Phiên phúc thẩm đã giảm còn 02 năm và đây là phiên xử cuối cùng cho tội danh "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" của Nguyễn Đức Chung.

Cựu tướng công an Nguyễn Đức Chung được Bộ chính trị đặt lên ghế Chủ tịch Hà Nội vào tháng 12/2015, nhiệm kỳ 2011-2016. Tháng 6/2016, Nguyễn Đức Chung tái đắc cử Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

Nhưng ngày 28/8/2020, Chung “con” bị chính các đồng chí của mình đọc lệnh tống giam, khởi tố và sau đó phải đối mặt với 3 vụ án hình sự khác nhau.

Ngoài bản án 01 năm tù giam vụ Nhật Cường, Nguyễn Đức Chung đã bị tuyên phạt 05 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan vụ mua Redoxy 3C. Tháng 12/2020, ông Chung bị TAND Hà Nội tuyên 5 năm tù trong phiên xử kín với tội danh “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước”.

Tổng hình phạt tù dành cho Nguyễn Đức Chung sau phiên tòa này là 11 năm.

 

3) BỘ GIÁO DỤC VN XÁC NHẬN ĐỀ TOÁN THPT 2022 BỊ LỘ

Một bản tin từ VN cho biết, hôm 14/7/2022 Bộ Giáo Dục và Đào Tạo VN  đã thừa nhận đề thi toán đã bị rò rỉ. Sự kiện này đã xẩy ra ở Dà Nẵng, do một thí sinh đã dùng điện thoại, chụp ảnh đề thi đăng lên mạng nhờ giải hộ. Hôm 7/7, trên mạng xã hội đã lan truyền thông tin một thí sinh chụp đề thi Toán tốt nghiệp THPT, gửi lên một ứng dụng giải bài tập nhờ hỗ trợ vào lúc 15h28 phút. Theo quy chế, thí sinh chỉ được cầm đề thi ra khỏi phòng sau khi hết giờ làm bài, tức 16h chiều. Hình ảnh đề thi mà thí sinh này chụp lại đã được gấp để che khuất tên và số báo danh, đồng thời tài khoản người này sử dụng cũng ẩn danh.

Theo bộ GD và ĐT, việc này không ảnh hưởng tới kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Dù sao, việc này đã  ảnh hưởng xấu đến tất cả các kỳ thi trên toàn quốc. Được biết năm nay, hơn 989.800 thí sinh đã tham dự kỳ thi THPT, ít hơn khoảng 12,000 so với số ghi danh. Trong đó, hơn 860.000 thí sinh thi để được công nhận tốt nghiệp THPT, vừa để  tuyển vào đại học. Dự trù kết quả  thi tốt nghiệp THPT 2022 sẽ được công bố vào ngày 24/7.

4) PHÁP CÓ BẰNG CHỨNG KHẲNG ĐỊNH HOÀNG SA LÀ CỦA VIỆT NAM

Trên các trang mạng xã hội hiện đang xuất hiện một tài liệu, gồm  2 hình chụp  một tài liệu do Trung tâm Lưu trữ Phòng Thương mại và Công nghiệp Marseille (CCIMP) ở số 9 đường La Canebìere, 13001, thành phố Marseille, Cộng hòa Pháp. Trung tâm này chủ yếu lưu trữ những tài liệu liên quan tới thương mại giữa Pháp và các nước trên thế giới cũng như với thuộc địa của Pháp, trong đó có Việt Nam. Nguồn tài liệu ở đây được chính thức thu thập và lưu trữ từ thế kỷ XVII. Các hồ sơ lưu trữ ở đây phản ánh những thông tin liên quan tới chính sách thương mại, quan hệ thương mại, thuế quan từ thế kỉ XIII đến nay. Nguồn lưu trữ ở đây được chia thành 3 dang chủ yếu: Dạng cũ là những hồ sơ chứa đựng thông tin từ năm 1801 trở về trước, gồm các série từ A đến K. Dang hiện đại là những hồ sơ chứa đựng thông tin từ năm 1801 đến nay, gồm các série : MA, MB, MC, MD, MÉTROPOLE, MF, MG, MH, MJ, MK, ML, MM, MN, MP, MQ, MR, AC. Dang đính kèm là những hồ sơ liên quan tới các công ty thương mại, những nhân vật, quan chức thương mại của Pháp và các thuộc địa Pháp. Tài liệu liên quan tới Hoàng Sa nằm  trong Hồ sơ série MQ thuộc dạng hiện đại.

Theo tài liệu của Pháp này, quần đảo Hoàng Sa đã được sáp nhập vào Việt Nam bởi Vua An Nam (Vua Nguyễn) vào năm 1816, sau đó là bởi Courbet vào năm 1885. Vào năm ấy, TC đã thừa nhận rằng, Pháp thay thế quyền chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này”.

Tài liệu cho biết thêm: “Để đảm bảo an toàn hàng hải trên vùng biển này, chính quyền Đông Dương đã thiết lập trên quần đảo này hai ngọn hải đăng và một trạm khí tượng. Một vài biệt đội vùng với lực lượng đông đảo cảnh sát người Việt cũng đã được cử đến quần đảo này để bảo vệ những công trình đó. Trong năm 1937, một quan chức hành chính của chính quyền Đông Dương cùng 6 lính bảo an đã thực hiện cuộc kiểm tra trên quần đảo này nhằm duy trì hai ngọn hải đăng và đảm bảo cho trạm khí tượng đặt trên quần đảo này được hoạt động tốt”.

Tài liệu thứ hai trong Hồ sơ lưu trữ cho biết: “Theo quan điểm của Pháp, quần đảo Hoàng Sa đã được sáp nhập vào Việt Nam bởi Vua An Nam (Vua Nguyễn) vào năm 1816, sau đó là bởi Courbet vào năm 1885. Vào năm này, Trung Quốc đã thừa nhận rằng, Pháp thay thế quyền chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này”.

5) TỔNG THỐNG SRI LANKA GOTABAYA RAJAPAKSA BỎ TRỐN

Tổng thống Rajapaksa đã bỏ trốn đến Maldives trong bối cảnh xảy ra hàng loạt cuộc biểu tình phản đối chế độ do ông này cầm quyền. Tuy nhiên, ngày 14/7, một số hãng thông tấn đưa tin rằng ông Gotabaya Rajapaksa đã rời Maldives trên một chuyến bay của hãng hàng không Ả Rập Saudi đến Singapore. Hiện chưa rõ ông này sẽ ở lại hay rời Singapore trước khi chọn được một quốc gia tị nạn.

Các cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra từ tháng 4 năm nay trong tình trạng đất nước Sri Lanka ngày càng ngụp lặn trong khủng hoảng kinh tế. Người dân phải xếp hàng nhiều ngày liên tiếp để mua thức ăn, đồ thiết yếu và nhiên liệu với giá đắt đỏ. Một người trong đoàn biểu tình từng hét lên trong một cuộc phỏng vấn rằng “Tôi đi làm 1 ngày và phải dành 5 ngày xếp hàng để mua xăng”.

Tổng thống Rajapaksa đã cam kết sẽ từ chức vào thứ Tư, nhưng cho đến nay vẫn chưa nộp đơn từ chức chính thức dù đã trốn khỏi đất nước. Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe được bổ nhiệm làm quyền tổng thống, đã ban bố tình trạng khẩn cấp, yêu cầu quân đội "lập lại trật tự", khi những người biểu tình xông vào văn phòng của Thủ tướng. Và hiện ông Ranil Wickremesinghe cũng đang chịu sức ép phải từ chức.

Hiện đất nước này vẫn đang chìm trong hỗn loạn. Các chính trị gia và những nhà hoạt động nhân quyền đã đề cập đến việc thành lập một chính phủ đoàn kết mới, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ sắp đạt được thỏa thuận.

 

No comments:

Post a Comment