Sunday, January 3, 2021

Tin Tức: Chủ Nhật 03.01.2021

Tin Tức

Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Khánh Ngọc và Nguyên Khải

1) VIỆT NAM PHÁT HIỆN CHỦNG VIRUS VŨ HÁN MỚI XUẤT XỨ TỪ ANH QUỐC

Vào sáng thứ Bảy ngày 02.01, Bộ Y tế Việt Nam công bố thông tin đã phát hiện ca lây nhiễm chủng virus Vũ Hán biến thể vốn được phát hiện đầu tiên ở Anh Quốc trong thời gian gần đây. Bệnh nhân nhiễm chủng virus này mang mã số 1435.

Bệnh nhân này là 1 trong 305 hành khách đáp chuyến bay VN50 từ Anh đến phi trường Cần Thơ ngày 22.12. 5 người khách khác cũng bị nhiễm virus Vũ Hán nhưng chỉ là chủng chưa biến thể. 

2) ANH QUỐC ĐƯA HÀNG KHÔNG MẪU HẠM ĐẾN BIỂN ĐÔNG, TRUNG CỘNG PHẢN ỨNG DỮ DỘI

Vào thứ Sáu ngày 01.10, Bộ Quốc phòng Trung Cộng đã tỏ thái độ tức giận sau khi Anh Quốc thông báo lần đầu tiên sẽ điều hàng không mẫu hạm đến Thái Bình Dương, bao gồm trong vùng Biển Đông. Đồng thời khối NATO cũng đưa ra một báo cáo chỉ trích chế độ độc đoán Trung Cộng và những tham vọng của Bắc Kinh.

Phát ngôn nhân của Bộ Quốc phòng Trung Cộng tuyên bố Biển Đông không nên trở thành một vùng biển cho sự cạnh tranh giữa các cường quốc và khẳng định sẽ có những biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền của Trung Cộng.

Ngoài ra, Trung Cộng còn chỉ trích bản báo cáo của NATO kêu gọi 30 nước thành viên tập trung nhiều hơn vào những “thách thức an ninh” do Bắc Kinh tạo ra.

3)HOA KỲ LÊN ÁN TRUNG CỘNG XÂM LƯỢC ẤN ĐỘ

Trong luật ngân sách quốc phòng vừa được Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ thông qua vào ngày 01.01 có một điều khoản lên án Trung Cộng xâm lược quân sự Ấn Độ. 

Cụ thể, trong đạo này có một nghị quyết, do nghị sĩ gốc Ấn Độ Raja Krishnamoorthi đề nghị, yêu cầu Trung Cộng chấm dứt tấn công quân sự vào Ấn Độ dọc theo Đường kiểm soát thực tế LAC, là đường ranh giới ngăn cách lãnh thổ do hai bên kiểm soát.

Bày tỏ quan ngại rất lớn về hành động xâm lấn quân sự tiếp diễn của Trung Cộng dọc theo đường kiểm soát này, luật ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ yêu cầu Bắc Kinh cùng với New Delhi có những biện pháp thông qua các cơ chế ngoại giao hiện có mà không được dùng đến hành động cưỡng ép hay vũ lực.

Luật về ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ vừa được thông qua còn nhấn mạnh là những yêu sách chủ quyền “vô căn cứ” của Trung Cộng đối với các vùng như Biển Đông, Biển Hoa Đông là những yêu sách gây mất ổn định và trái với luật pháp quốc tế.

4) WHO PHÊ DUYỆT KHẨN CẤP VACCINE PFIZER/BIONTECH

Đúng vào ngày cuối của năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cấp chứng nhận khẩn cấp đầu tiên cho vacxin Pfizer- BioNTech, vốn đã được sử dụng tại Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu trong những tuần qua, mang lại hy vọng chặn đứng đại dịch do virus Vũ Hán gây ra.

Do nhiều quốc gia nghèo không có đủ phương tiện để tự xác nhận phẩm chất và hiệu quả của vaccxine, WHO mong muốn việc cấp phép này mở đường cho nhiều nước sử dụng nhanh chóng, do vac-xin đã được WHO bảo đảm về độ an toàn và về hiệu quả. Thủ tục khẩn cấp này cũng tạo điều kiện để UNICEF và Tổ chức Y tế toàn Châu Mỹ mua loại vaccine nói trên để chuyển đến các quốc gia nghèo. UNICEF là cơ quan phụ trách một phần quan trọng của mạng lưới phân phối vaccine phòng dịch coronavirus trên thế giới.

5) HOA KỲ TỐ CÁO NGA SỬA LUẬT ĐỂ TRẤN ÁP XÃ HỘI DÂN SỰ VÀ TRUYỀN THÔNG

Vào thứ Năm ngày 31.12, Hoa Kỳ lên tiếng cảnh báo việc Nga sửa luật để gia tăng trấn áp các tổ chức phi chính phủ (NGO) và truyền thông, tố cáo Moscow vi phạm tự do ngôn luận.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc tăng cường đàn áp xã hội dân sự tại Nga, đồng thời kêu gọi Moscow tôn trọng các quyền của công dân.

Vào giữa tháng 12, Quốc Hội Nga đã thông qua các điều khoản để siết chặt một đạo luật có từ năm 2012. Theo luật này, các tổ chức nào nhận tài trợ từ ngoại quốc phải tuân theo các biện pháp phức tạp về hành chính, đặc biệt là phải đăng ký là “cơ quan nước ngoài” và ghi danh xưng này trong tất cả các sản phẩm.

Luật trên sau đó đã mở rộng phạm vi đến các cá nhân như nhà báo hoặc blogger. Theo các sửa đổi mới nhất, một tổ chức hay cá nhân nhận vật tư hay tài trợ từ nước ngoài, hoặc từ các tổ chức đã bị coi là “cơ quan nước ngoài” đều bị xem là “nước ngoài” mà không cần phán quyết của tòa án.

No comments:

Post a Comment