Wednesday, January 27, 2021

Hồi Ký: Vũ Cao Quận (bài 01)

Hồi Ký

Thưa quý thính giả,

Ông Vũ Cao Quận sinh ngày 16/4/1033 tại Hải Phòng, đã tham dự vào cuộc chiến Quốc Cộng  từ 1945 đến 1975 trong hàng ngũ những người cs. Ông được giải ngũ năm 1975 với cấp bậc Trung Úy. Tuy vậy, sau năm 1975, có được cơ hội nhìn ra bên ngoài, vượt khỏi vòng kìềm tỏa của cs, Ông đã có cái nhìn tích cực hơn về Tự Do Dân Chủ và nhận rõ cs là gì. Ông tham gia vào phong trào đối kháng VN và trở nên một trong những tên tuổi nổi bật trong hàng ngũ những người cs phản kháng chế độ. Ông qua đời ngày 19 tháng 1 năm 2021.

Để tưởng niệm “Người Lính Già Vũ Cao Quận”, Đài ĐLSN trân trọng giới thiệu tập hồi ký “Chín ngày trong một đời người”.  Hồi ký do Bá Cơ diễn đọc và sẽ được phát thanh vào mỗi tối thứ Tư hàng tuần. Sau đây là bài thứ nhất.

Chín ngày trong một đời người ( Bài 1).

“Bao triều vua phế đi rồi
Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ”

Nguyễn Duy

Cách !…

Tiếng bập khóa khô khốc vang lên sau tiếng “rầm” của cánh cửa sắt xà lim sập mạnh… Thế là tôi đã được ở trong nhà tù, một cái nhà tù đích thực theo nghĩa đen mà cách đây ít phút tôi chưa hình dung được nó một cách cụ thể. Thậm chí tôi cũng chưa nghĩ tới nó cách đây đã hơn hai năm khi tôi làm bài thơ “GỬI ANH CÔNG AN AN NINH CHÍNH TRỊ”! Khi dám dấn thân đi vào con đường thế sự đầy gai góc thì có cái ngày này là điều tất yếu.

Lúc đó là khoảng 17 giờ ngày 25-04-2001, cái ngày định mệnh ở cái tuổi xấp xỉ cổ lai hy của tôi. Vừa bất hạnh và cũng vừa “vinh dự” được ở trong cái nhà tù nổi danh của thành phố Hải Phòng được xây dựng từ thời mồ ma “đế quốc Pháp”, và được bàn giao lại cho chế độ xã hội chủ nghĩa tiếp tục quản lý sử dụng, nằm trên con đường mang tên ông Tổng bí thư đầu tiên của ĐCSĐD kèm theo câu xú ngôn nổi tiếng từng làm ghê rợn của một thời: “TRÍ – PHÚ – ĐỊA – HÀO, đào tận gốc, trốc tận rễ” mà cung bậc âm hưởng của nó lên cao hay xuống thấp đã tưởng rằng chỉ còn “vang bóng một thời” mà vẫn còn tác oai tác quái đến hôm nay.

Để chứng minh cho lời hù dọa có hiệu lực của ông, cái đập vào mắt đầu tiên của tôi là ở góc tối của buồng tù có một cái cùm chân bằng những thanh sắt đen xì cực to đang giương mắt nhìn tôi như đe dọa. Quả thật đã từng trải qua bọn “trâu điên, ó đỏ” và những làn đạn lửa tử thần khi xung phong mà khi thấy “con quái vật cùm đen xì” tự nhiên cảm thấy chờn chợn, ghê ghê vừa sợ hãi, vừa căm giận. Tự nhiên bên tai tôi văng vẳng câu nói của ai đó “La méchanceté boit elle même la plus grande parti de son poison”. (Sự tàn bạo tự nó uống một phần lớn thuốc độc của nó !).

* * *

Trên chiếc taxi vận tải nhỏ bon bon hướng Hà Nội – Hải Phòng có 2 người: tôi và thằng cháu, con cô em ruột tôi lái xe chở bột đá xuất đi Ý cho một doanh nghiệp ở Hải Phòng.

Tuýt… tuýt… tuýt…

Tiếng còi giật giọng chói tai trước mũi xe cắt ngang cơn lơ mơ của tôi và sau đó vang lên tiếng loa pin cầm tay oang oang: “Chú ý ! Được nhân dân phát hiện và báo trên ô tô có mang hàng cấm, phải dừng lại để kiểm tra”.

Nhờ tiếng loa mà tôi tỉnh hẳn giấc lơ mơ và tự nhủ thầm: “Thôi thế là mình bị rồi”… Lúc đó là khoảng gần 13 giờ ngày 24-04-2001. Tôi bị bắt tại trạm giao thông Quán Toan cách Hải Phòng chừng 10 cây số.

Chẳng hiểu từ lúc nào, 2 xe U-oát [1] và nhiều xe máy cùng hơn một chục công an (công an) vừa mặc cảnh phục, vừa mặc thường phục đã vây quanh xe ô tô của tôi. Một công an nhảy lên buồng lái ép tôi ngồi sát vào trong và ra lệnh cho cháu tôi lái theo một cái U-oát dẫn đường, còn các xe khác bám theo sau. Cũng chẳng rõ vài ba trăm mét hay một cây số gì đó thì đoàn xe dừng lại trước một căn nhà mà tôi chắc là Trạm giao thông Quán Toan. Nói là dân Hải Phòng qua lại nhiều lần trên Đường 5, quả thật tôi chưa hề biết cụ thể trạm Quán Toan là “khắc tinh” của các “anh hùng xa lộ”.

Họ ra lệnh cho tôi mang hành lý vào Trạm. Tôi khoác cái ba lô du lịch nhỏ chỉ có một bộ quần áo dự phòng và khăn mặt cùng bàn chải đánh răng. Còn cái túi ni lông xách tay trong đó đựng một số sách và tài liệu của bạn bè Hà Nội gửi “đọc cho vui” và cho biết những cuộc đời ẩn sau những cuộc đời, trọng lượng khoảng trên dưới 1kg, tôi để lại xe không mang theo vì mấy ông công an an ninh đâu có phải “tay mơ” mà để lọt tang chứng. Vây xung quanh tôi, một ông già nhỏ thó tới mười mấy anh công an cao to, lực lưỡng.

Trạm là một căn phòng lớn như một căn phòng tiếp khách của một cơ quan, có một cái bàn to dài xung quanh đầy đủ ghế tựa. Không phải là qua cơn “hoạn nạn” thì tha hồ “bốc phét”, nhưng quả là lúc ấy lòng tôi bình thản chẳng phải vì tôi can đảm gì mà là tôi chủ quan suy nghĩ mình có tội gì mà bắt. Tôi toan ngồi xuống nghỉ cái đã rồi muốn ra sao thì ra. Nhưng không được… họ giục tôi đứng lên và tự mở ba lô các đồ linh tinh để họ khám. Tiếp theo họ ra lệnh tôi phải cởi thắt lưng và lột cái áo len ngắn tay để họ kiểm tra. Tôi phản ứng gay gắt: “Các anh có từng đấy người mà định làm nhục người già như tôi sao? Muốn khám cởi quần áo thì cũng phải có nơi khám riêng đàng hoàng chứ”.

“Bác cứ bình tĩnh, đây chỉ là thủ tục bắt đầu thôi”. Lời thốt ra từ một anh công an cao, to, đẹp trai với bộ mặt đằng đằng nghiêm nghị. Sau đó họ mang cái túi nilon tài liệu vào và hỏi: “Túi này có phải của bác không?”. Tôi gật đầu và họ ra hiệu cho tôi tự lấy các tài liệu ra để lên bàn. Khi lục lấy tài liệu ra tôi liếc mắt thì ngoài một người ghi biên bản còn có cả camera đang chĩa vào mặt tôi. Thì ra họ đã chuẩn bị chu đáo đón lõng tôi mà nào tôi có biết. Trong số công an đã thấy thì tôi thấy xuất hiện thêm một nhân vật mới, một người mặc bộ complet màu nâu nhạt đã hơi cũ. Ông ta trạc hơn 60 tuổi theo bộ mặt và mái tóc đã bạc. Trông ông có dáng một ông giáo già về hưu, hiền lành gây một cảm giác nhẹ nhõm trong tôi. Nhưng vì thấy ông chắp tay sau lưng, đi đi lại lại ngoài hành lang, trầm ngâm không nói một câu, tuy thỉnh thoảng có trao đổi một vài câu gì đó có vẻ chỉ đạo. Vậy là “cốp” rồi, tôi nghĩ vậy và bắt đầu cảnh giác với ông ta dù tôi biết mình cảnh giác cũng bằng thừa, vì tôi đã sa vào cái lưới của ông rồi. Đột nhiên, rất nhanh, tôi nghĩ đến chuyện ngụ ngôn của hai mẹ con nhà Chuột.

Chuột con lần đầu tiên đi quanh sân quan sát những người sống quanh nó. Khi nó về khoe với mẹ: “Mẹ ơi, con sợ quá, con gặp một ông cao to ghê gớm, đầu ông đội một cái mũ đỏ chót, có bộ lông óng ánh và đôi chân có vẩy cùng với một cái cựa rất dài và nhọn. Khi ông quạt cánh gió thổi vù vù và hét lên “cúc cù cu” váng cả tai. Con sợ quá, chạy chối chết. Rồi sao nữa… mẹ chuột hỏi. Sau đó con thấy một ông già hiền lành có bộ lông vằn vàng mượt mắt lim dim đang nằm sưởi nắng. Chuột mẹ khuyên con ra sao tôi không dám dài lời kể tiếp. Nhưng mai ngày mà đối thoại hay bị hỏi cung trước ông già công an hiền lành này thì từ câu chuyện ngụ ngôn trên hẳn cũng răn dạy được tôi một điều gì. Nhưng sau này khi tiếp xúc nói chuyện với ông, tôi mới thấy tôi nhầm.

Tiếp tục việc kiểm tra “tang vật”. Gồm: quyển “Nền kinh tế tri thức” rất dày, một quyển viết về “Giáo sư Dương Quảng Hàm” của Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, một quyển “Hồi ức tháng Năm” của nhà cách mạng lão thành Phí Văn Bái do Nhà xuất bản Thanh Niên. Ba quyển trên là của anh Lê Hồng Hà tặng tôi. Ba lá thư gửi Bộ chính trị của đại tướng Võ Nguyên Giáp, của nguyên ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Đức Tâm và của ba ông tướng viết chung: Thượng tướng Phùng Thế Tài, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, trung tướng Lê Tự Đồng và một số các bài viết của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, của nguyên Viện trưởng Viện Marx – Lénine Hoàng Minh Chính và một vài bài viết khác tôi chưa kịp đọc. Đến thăm các bạn, các anh ấy cho thì cứ đút bừa vào túi để về Hải Phòng đọc sau. Riêng có quyển “Tổ Quốc ăn năn” của Nguyễn Gia Kiểng thì tôi chịu, không nhớ là của ai cho. Và cũng chỉ có quyển này mà công an truy hỏi tôi nhiều hơn cả. Họ bắt tôi tự ghi ngày tháng năm hôm bị bắt, ký tên và ghi rõ họ và tên dưới chữ ký từng tài liệu. Nếu là quyển thì phải ký tờ đầu tiên và tờ cuối cùng. Nếu là tài liệu chỉ có hai, ba trang thì cũng phải ghi vào trang đầu và ký vào trang cuối. Tôi viết và ký kiên tục đến mỏi tay. Tôi có thói quen ký tên rồi mới ghi ngày tháng năm, cho nên khi tôi vừa mới ghi tên thì đã có tiếng giục nói gay gắt của một công an đằng đằng sát khí: “Bác phải ghi rõ ngày tháng năm vào”. Tôi bực mình mỉa mai: “Ông yên tâm đi, cả một đống tài liệu này chưa làm tôi ngại thì trốn vài chữ ngày tháng năm để làm gì”. Một bầu không khí căng thẳng xung quanh tôi. Tôi nghĩ “không hiểu khi công an bắt được một tên trùm buôn ma túy thì cũng căng thẳng đến thế này là cùng chứ gì?… Mọi thủ tục đã hoàn tất bước đầu và chuẩn bị giải tôi về Hải Phòng. Trước khi đi tôi yêu cầu họ một điều: “Nếu những gì xảy ra ngày hôm nay mà các ông cho tôi là phạm tội thì tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn là do tôi. Còn thằng cháu tôi, cháu hoàn toàn không hề biết việc bác nó làm, nên tôi xin các ông trả tự do cho cho cháu để cháu đi giao hàng cho chủ”. Lời đề nghị của tôi được họ chấp nhận, sau khi khám xét lật từng ngóc ngách của xe, họ áp giải cháu tôi tới nơi giao hàng và 18 giờ họ trả tự do cho cháu tôi về Hà Nội. Họ áp giải tôi ra xe U-oát. Trước khi mở cửa xe cho tôi lên, chú lái xe công an nói vui với tôi một câu: “Chả mấy khi “bác” đi xe của công an, vậy cũng đi để cho biết”. Tôi cũng đáp đùa vui một câu: “Đúng vậy. Cũng cần biết đệm xe của công an có êm không?”. Có một điều thấy cũng cần nói ngay là tôi chuẩn bị sẵn sàng đón nhận cái còng số 8 bập vào nhưng điều đó đã không xảy ra.

Vũ Cao Quận

No comments:

Post a Comment