Sunday, May 15, 2022

Tin Tức, Chủ Nhật 15.05.2022

Tin Tức

Sau đây mời quí thính giả theo dõi bản tin tóm lược với Khánh Ngọc & Nguyên Khải

1) NHÀ BÁO MAI PHAN LỢI RA TOÀ PHÚC THẨM NGÀY 17/5 

Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ tổ chức phiên toà phúc thẩm xét xử nhà báo tự do Mai Phan Lợi vào ngày 17/5, hơn 5 tháng sau khi ông bị kết tội “trốn thuế” với mức án tù 4 năm và phạt tiền 2 tỷ đồng. 

Trước khi bị bắt, ông Mai Phan Lợi là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc Trung tâm Truyền thông và Giáo dục Cộng đồng (MEC), quản trị viên tờ báo Góc nhìn Công dân và Diễn đàn Nhà báo Trẻ. Ông bị bắt giữ từ tháng 7 năm ngoái vì bị cho là trốn thuế trong các hoạt động tài chính của MEC. Việc bắt giữ và kết án ông nằm trong chiến dịch đàn áp xã hội dân sự ở Việt Nam của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong thời gian gần đây. 

Trong 2 năm qua, Hà Nội còn bắt giữ nhà hoạt động môi trường nổi tiếng thế giới Nguỵ Thị Khanh, người từng được giải thưởng quốc tế danh giá Goldman, và luật gia Đặng Đình Bách, cũng với cáo buộc trốn thuế. Ông Bách bị kết án 5 năm tù giam còn bà Khanh đang bị giam giữ trong giai đoạn điều tra. 

Vào ngày 22/4 vừa qua, Văn phòng Nhân quyền và Chương trình Môi trường của Liên Hiệp quốc ra thông cáo bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về tình trạng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt giữ, giam cầm và kết án 3 nhà hoạt động nói trên.

 

2) NGƯỜI VIỆT TỴ NẠN Ở THÁI LAN VÀ CAMPUCHIA ĐỐI MẶT NGUY CƠ BỊ TRỤC XUẤT 

Theo báo cáo của Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) công bố ngày 12/5, nhiều nhóm thiểu số tại Việt Nam phải trốn sang Thái Lan và Campuchia tìm qui chế tỵ nạn vì bị nhà cầm quyền trong nước bách hại. Có chừng 1.500 người tỵ nạn Việt Nam đang có mặt tại Thái Lan nhưng chỉ có khoảng một nửa đã được Cao ủy Liên Hiệp quốc về Người tỵ nạn (UNHCR) cấp qui chế tỵ nạn. 

Báo cáo dưới tên Tổng quan Toàn cầu về Người tỵ nạn phải trốn chạy do bị bách hại về tôn giáo nói rằng đa số họ là những người H’mong hay người dân tộc thiểu số Tây Nguyên theo Kito giáo. Tại quê nhà ở Việt Nam, họ bị buộc phải từ bỏ hội thánh của họ và theo các tổ chức tôn giáo do Nhà nước kiểm soát. 

Những nhóm tôn giáo khác bị bách hại được nêu ra gồm Hòa Hảo không theo phái Nhà nước, Cao Đài Chơn truyền, cũng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, và tín đồ Phật giáo Khmer Krom. 

Những người tỵ nạn này có nguy cơ bị chính quyền sở tại ở Thái Lan và Campuchia bắt giữ và trục xuất về Việt Nam, nơi họ có thể bị tống vào tù. Chính quyền Campuchia còn không cho phép người tỵ nạn Việt Nam đi định cư ở nước thứ ba. 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/uscirf-new-report-on-refugees-05132022085036.html

 

3) HOA KỲ VÀ ASEAN CAN KẾT TĂNG CƯỜNG QUAN HỆ TRONG HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH 

Vào thứ Sáu ngày 13/5, sau hai ngày họp thượng đỉnh tại Hoa Thịnh Đốn, lãnh đạo Hoa Kỳ và ASEAN đã ra một tuyên bố chung với cam kết nâng quan hệ song phương từ “đối tác chiến lược” lên “đối tác chiến lược toàn diện” vào tháng 11 tới. 

Trong cuộc họp, Tổng thống Joe Biden đã hứa là Hoa Kỳ sẽ sát cánh lâu dài với các nước Đông Nam Á trước đà bành trướng của Trung Cộng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông Biden xem quan hệ đối tác Hoa Kỳ-ASEAN là “rất quan trọng” và tuyên bố hai bên sẽ khởi động một thời kỳ mới trong quan hệ song phương. 

Nhìn nhận tầm quan trọng chiến lược mang tính sống còn của vùng Đông Nam Á, Hoa Kỳ khẳng định sẽ hiện diện ở khu vực này “trong nhiều thế hệ nữa” đồng thời nhấn mạnh đến việc bảo đảm tự do hàng hải ở các vùng biển mà Hoa Kỳ đang bị Trung Cộng thách thức. 

Trong bản tuyên bố chung gồm 28 điểm, các lãnh đạo Hoa Kỳ và ASEAN còn bày tỏ sự ủng hộ bản “Đồng thuận 5 điểm” về Miến Điện, đạt được ở Jakarta vào tháng 04/2021, kêu gọi chấm dứt bạo lực và đối thoại xây dựng giữa các bên để chấm dứt khủng hoảng. 

 https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20220514-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-washington-m%E1%BB%B9-asean-cam-k%E1%BA%BFt-t%C4%83ng-c%C6%B0%E1%BB%9Dng-quan-h%E1%BB%87 

https://www.voatiengviet.com/a/my-ca-ngoi-ki-nguyen-moi-voi-asean-hoi-nghi-cam-ket-nang-cap-quan-he/6571425.html

 

4) LIÊN ÂU TỐ CÁO THOẢ ƯỚC TRUNG-NGA GÂY NGUY HIỂM CHO AN NINH TOÀN CẦU 

Trong chuyến công du Nhật Bản tuần qua, Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen tố cáo “một thỏa ước nguy hiểm” Trung – Nga đối với an ninh thế giới. Cảnh báo Trung Cộng, lãnh đạo Liên Âu đồng thời khuyên nhủ Bắc Kinh “tham gia bảo vệ hệ thống đa phương quốc tế, mà chính Trung Cộng đang được hưởng lợi, để phát triển đất nước.” 

Thoả ước Trung-Nga là một thỏa ước “về ý thức hệ và ngoại giao.” Cả thế giới thấy mọi tuyên truyền chính thức của Trung Cộng đều ủng hộ lập trường của Nga trong cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine. Bắc Kinh tuyên truyền cho việc coi NATO là nguồn gốc duy nhất của xung đột hiện nay, và đánh đồng các hoạt động quân sự của Nga với Ukraina, đánh đồng kẻ xâm lược với bên bị xâm lược. 

Theo một nghiên cứu của tổ chức Newsguard chống tin giả được công bố hôm 04/05 thì “tuyệt đại đa số các tin giả, tin bóp méo có lợi cho Nga về chiến tranh tại Ukraina không phải đến từ Nga…  mà lại đến từ Trung Cộng. 

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/20220514-lien-au-to-cao-thoa-uoc-trung-nga-bac-kinh-chong-che

 

5) UKRAINE PHÁT ĐỘNG PHẢN CÔNG QUÂN NGA Ở MIỀN ĐÔNG 

Các lực lượng Ukraine phát động một cuộc phản công gần thành phố Izium do Nga nắm giữ ở miền đông Ukraine, một thống đốc khu vực cho biết ngày thứ Bảy, trong một diễn biến có thể là một trở ngại nghiêm trọng cho kế hoạch của Moscow nhằm đánh chiếm toàn bộ vùng Donbas. 

Các lực lượng Nga đã tập trung phần lớn hỏa lực vào Donbas trong "giai đoạn thứ hai" của cuộc xâm lược được công bố vào ngày 19/4, sau khi họ không tiếp cận được thủ đô Kyiv từ hướng bắc trong những tuần đầu của cuộc chiến. 

Nhưng Ukraine đang chiếm lại lãnh thổ ở phía đông bắc của mình, đánh bật quân Nga khỏi thành phố Kharkiv lớn thứ hai của Ukraine. Tiếp tục gây áp lực lên Izium và các tuyến tiếp tế của Nga sẽ khiến Moscow khó bao vây quân Ukraine dày dạn kinh nghiệm chiến trường ở mặt trận phía đông ở Donbas. 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cũng nói các cuộc đàm phán phức tạp đang được tiến hành để tìm cách di tản một số lượng lớn binh lính bị thương khỏi nhà máy thép bị vây hãm ở cảng Mariupol để đổi lấy việc trả tự do cho các tù nhân chiến tranh người Nga. 

https://www.voatiengviet.com/a/ukraine-phat-dong-phan-cong-luc-luong-nga-o-mien-dong/6572641.html

No comments:

Post a Comment