Sunday, May 8, 2022

Ba Hệ Quả của Tâm Lý Bỏ Nước Ra Đi

Nói Với Người Cộng Sản

Tiếp theo đây, mời quí thính giả theo dõi chuyên mục ”Nói Với Người Cộng Sản”. Đây là diễn đàn để trình bày với các đảng viên đảng csVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. ”Nói Với Người Cộng Sản” do Tiến Văn/b> biên soạn qua sự trình bày của Hoàng Ân.

Tiến Văn

Thưa quí vị đảng viên lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,

Trong chuyên mục tuần trước chúng ta nói đến một hiện tượng đáng buồn của dân tộc đã diễn ra liên tục từ 47 năm qua là người Việt Nam ngày càng có tư tưởng bỏ nước ra đi hoặc muốn cho con cháu của mình ra đi sống ở một xứ sở khác.

Mong muốn ra đi này đã trở thành tâm lí thường trực và hiển nhiên trong xã hội Việt Nam tới mức mà đảng Hồ-Tàu đã phải ra những chỉ thị cấm các đảng viên của nó có quốc tịch nước ngoài.

Nhưng việc cấm đoán này của đảng Hồ-Tàu cũng chắc chắn bất khả thi giống như chúng đã hô hào cấm đoán, đấu tranh chống tham nhũng từ hàng chục năm qua.

Các cụ ta đã dạy: “Giữ người ở chứ không giữ người đi”. Câu châm ngôn này đã đúc kết một qui luật không thể chống lại được: một khi người ta đã chán chường, không muốn ở lại thì việc cố giữ, cố cấm cản chỉ thêm rắc rối, thêm có hại.

Nhìn lại lịch sử của dân tộc Việt Nam từ hơn bốn ngànnăm qua, dân tộc ta đã trải cho nhiều triều đại, nhiều chế độ chính trị khác nhau, nhưng chưa thấy một triều đại, một chính thể nào khiến người Việt, cả dân lẫn quan, đều chán chường đất nước và muốn rời bỏ đất nước như trong chế độ cộng sản hiện nay. Cũng chưa có chế độ nào, triều đại nào mà ông vua hay thủ lĩnh của nó phải công khai ra lệnh cấm các quan chức của nó lén lút mua quyền công dân ở nước khác.

Nhưng điều quan trọng đối với chúng ta trước hiện tượng hi hữu này của lịch sử dân tộc là cần phải nhìn thấy những hậu quả quan trọng từ tâm lí, phong trào bỏ nước đang diễn ra.

Ở đây, chúng tôi xin chia sẻ với anh chị em và quí vị ba hệ quả dưới góc độ kinh tế, xã hội và chính trị.

Dưới góc độ kinh tế, tâm lí bỏ nước phổ biến hiện nay sẽ gây hậu quả xấu cho việc phát triển kinh tế về lâu dài. Nền kinh tế Việt Nam sẽ bị hao hụt nhân lực về cả số lượng lẫn chất lượng. Về mặt số lượng, việc ra đi của người Việt có thể không ảnh hưởng quá lớn ngay tức khắc cho nền kinh tế vì dân số Việt Nam hiện nay đạt xấp xỉ 100 triệu người và tỉ lệ người trẻ trong độ tuổi lao động còn cao so với thế giới. Tuy nhiên, ở phương diện chất lượng, nền kinh tế Việt Nam sẽ bị thiệt hại lớn do mất các chất xám, kĩ năng, kinh nghiệm khi tâm lí bỏ nước ra đi trở thành phổ biến.

Dưới góc độ xã hội, việc bỏ nước ra đi âm thầm và trên diện rộng, ở mọi tầng lớp sẽ gây ra tâm lí phổ thông sống tạm bợ ngay tại đất nước Việt Nam khiến cho toàn xã hội trở thành một cộng đồng người thiếu gắn bó, thiếu trách nhiệm với cộng đồng; xu hướng sống chụp giật, vị thân, vị lợi sẽ ngày càng bao trùm trong toàn xã hội và càng làm cho con người chán nản, sợ hãi ngay chính mảnh đất đã sinh ra mình. Nhưng dù muốn rời bỏ đất nước để ra đi đang trở thành tâm lí chung của xã hội, số người thoát đi được vẫn là số nhỏ so với tổng dân số. Sự chênh lệch này sẽ dẫn đến một hệ quả không thể tránh được là số người ở lại Việt Nam sẽ trở nên những con người rất dễ bức xúc, nóng nảy.

Dưới góc độ chính trị, tâm lí bỏ nước phổ biến không thể ngăn cản này không chỉ nói lên sự thất bại toàn diện của đảng Hồ-Tàu trong việc trị nước mà còn đang đặt mọi tổ chức của đảng Hồ-Tàu và toàn hệ thống chính trị trước sự tan rã, tan hàng ngày càng không thể đảo ngược trong chính nội bộ của nó.

Ngay đối với một xí nghiệp, một cơ sở kinh doanh, ông chủ của nó sẽ biết chắc sớm muộn cũng đi tới phá sản khi biết rằng các nhân viên của ông ta chỉ làm việc có tính chất lợi dụng, cầm chừng, tạm bợ và luôn chực chờ tìm cơ hội để chuyển việc sang một xí nghiệp, một cơ sở kinh doanh khác.

Phối hợp cả ba hệ quả rút gọn này chúng ta sẽ thấy viễn cảnh của chế độ Hà Nội rất nguy hiểm.

Chế độ Hồ-Tàu sẽ chỉ qui tụ được toàn những con người làm việc theo tinh thần cơ hội, chụp giựt và luôn chực chờ đào thoát. Một hệ thống chính trị tạm bợ như thế không thể có khả năng để đối mặt, xử lí các đòi hỏi, yêu sách, biến cố khó lường của một xã hội phức tạp bao hàm những con người dễ bức xúc, mất kiềm chế vì không thể ra đi như những người khác. Trong khi đó nền kinh tế lại thiếu hụt sức mạnh cần thiết để mang lại những sản phẩm vật chất có thể xoa dịu, bù đắp được phần nào những ẩn ức, đòi hỏi ngày càng cao của dân chúng bất mãn.

Ngắn gọn, có thể nói, chế độ Hồ-Tàu đang ở trên một thùng thuốc súng với một đốm lửa nhỏ đang ngày càng tới gần.

Hoàng Ân cùng Tiến Văn tạm biệt và xin hẹn quí vị, quí bạn trong chương trình tuần sau.

08/05/2022

 

 

 

 

 

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment