Tuesday, March 2, 2021

Vai trò của Trung Quốc trong đảo chính ở Myanmar và tác động đến Việt Nam

Bình Luận

Kính thưa quý thính giả, mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Lâm Bảo tựa đề: “Vai trò của Trung Quốc trong đảo chính ở Myanmar và tác động đến Việt Nam” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.

Chính trường Myanmar đảo chiều và mối liên hệ với Trung Quốc

Sau chính biến ngày 1/2, quân đội Myanmar đã nắm hoàn toàn quyền kiểm soát đất nước. Đây là một sự kiện khá bất ngờ đối với tất cả thế giới.

Thực chất, những cáo buộc “gian lận bầu cử” dường như chỉ là cái cớ để quân đội Myanmar thực hiện cuộc chính biến. Tuy nhiên, điều quan trọng được dư luận thế giới quan tâm nhất hiện nay là động thái của Trung Quốc, đặc biệt là chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Myanmar trong tháng 1 vừa qua, có thể đã trở thành động lực quan trọng cho cuộc chính biến lần này.

Mặc cho phương Tây phản đối, Trung Quốc vẫn chặn một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ với lý do “không can thiệp vào công việc nội bộ” của nước khác. Báo chí Trung Quốc tuyên truyền rằng cuộc đảo chính chỉ là “một sự cải tổ nội các” quan trọng của Myanmar.

Về mặt công khai, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar đã cáo buộc rằng cuộc bầu cử ở Myanmar tháng 11/2020 là “có gian lận”. Nhưng quân đội Myanmar sẽ không thể tự tin thực hiện chính biến nếu không được đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ bảo vệ cho họ trước các lệnh trừng phạt và các nghị quyết lên án của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) vốn đang được phương Tây đề xuất. Họ hiểu rằng Trung Quốc – nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới – có thể bù đắp cho họ những thiệt hại mà các lệnh trừng phạt nói trên gây ra. Chắc hẳn đã có một cuộc thảo luận nào đó khiến giới quan chức quân sự Myanmar tin rằng Trung Quốc sẵn sàng đứng về phía Myanmar.

Bắc Kinh hiện đang lăng xê “hành lang kinh tế” đại quy mô trong khuôn khổ “Con đường tơ lụa”, gồm một đường ống dẫn khí và đường ống dẫn dầu nối Vân Nam với một cảng nước sâu ở Vịnh Bengal. Những công trình quan trọng này giúp đưa dầu khí đến Trung Quốc mà không cần đi que eo biển Malacca – vốn là một trọng điểm trong con đường vận chuyển dầu mỏ từ nhiều nơi trên thế giới đến Trung Quốc. Tuy nhiên, eo biển Malacca có thể bị Mỹ và phương Tây “khoá chốt”, vì thế, Trung Quốc luôn tìm cách thoát ra khỏi tình trạng lệ thuộc vào tuyến đường qua Malacca này.

Làn sóng chống Trung Quốc đã tồn tại lâu đời tại Myanmar, cả ở cấp độ quốc gia lẫn địa phương, do các cuộc xung đột giữa các cộng đồng dân tộc thiểu số Trung Quốc với các cộng đồng khác. Các dự án đầu tư Trung Quốc đã từng là những điểm sáng quan trọng, đặc biệt là dự án Đập Myitsone (dự án bị đình chỉ năm 2011 sau khi tiến trình dân chủ diễn ra). Tuy nhiên, người dân địa phương liên tục lên án việc cưỡng chế di dời và các tác động môi trường liên quan đến những dự án này. Ngược lại, Bắc Kinh luôn mong muốn được tái khởi động các dự án đầu tư đang bị đình trệ.

Tất cả những vấn đề này đều tác động đến Việt Nam không ít. Thời gian gần đây, chính quyền Việt Nam đã tăng cường việc tập trung bắt bớ, đàn áp những người bất đồng chính kiến, thậm chí cả những người nông dân. Với sự thụt lùi của phong trào dân chủ của Đông Nam Á, chính quyền Việt Nam dường như đang được cổ vũ cho sự cai trị mang màu sắc độc tài của mình. Đã có nhiều tiếng nói kêu gọi nếu chính quyền Việt Nam muốn thoát khỏi sự lệ thuộc từ Trung Quốc thì Việt Nam cần phải đi theo con đường dân chủ hoá. Dân chủ hoá để có thể hạn chế và chống lại nạn tham nhũng, đồng thời phát huy được sức mạnh từ nhân dân. Nhưng dường như chính quyền Việt Nam đã bỏ ngoài tai tất cả các lời kêu gọi như vậy.

Nhiều người dân tỏ ra bất mãn trước việc các lãnh đạo Việt Nam chỉ lo chia ghế, giành giật nhau các vị trí quan trọng để thủ lợi cá nhân, mà không lo tới vận mệnh hay an nguy của đất nước, của dân tộc. Đại hội Đảng 13 đã xong, nhưng dường như những người nắm giữ vị trí “Tứ trụ” ngoài chức Tổng bí thư ra vẫn còn là ẩn số. Điều này được giải thích là các phe phái vẫn chưa thoả hiệp được với nhau về các vị trí này.

Ngoài ra, các “đại gia” nắm giữ rất nhiều nguồn lực của đất nước, với sự chống lưng của các quan chức cao cấp. Dư luận Hà Nội râm ran cho biết tập đoàn FLC của Trịnh Văn Quyết có sự “chống lưng” từ Trung Quốc. Tập đoàn này kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có cả ngành hàng không dân dụng. Phía Nam, nhiều người không lạ khi hầu hết các “đất vàng” nằm trong khu vực trung tâm Sài Gòn đều bị công ty bất động sản Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan thâu tóm. Vấn đề là bà Trương Mỹ Lan lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để có thể mua hàng loạt bất động sản “khủng” như vậy? Chưa kể sự thâu tóm “đất vàng” của bà Trương Mỹ Lan có sự tiếp tay rất lớn của “Bố già” Lê Thanh Hải – Cựu Bí thư thành uỷ, Uỷ viên Bộ chính trị.

Những mối quan hệ ngầm đầy phức tạp giữa các “đại gia” với các “bố già” chính trị như vậy khiến cho chính trường Việt Nam dễ bị chi phối rất lớn bởi các “thế lực ngoại bang”. Và nếu giả sử có sự đối đầu với Trung Quốc thì chính các “đại gia” này lẫn các “bố già” sẽ là lực lượng muốn “quy hàng” Trung Quốc đầu tiên để giữ các lợi ích cá nhân của họ.

Và vì thế, sự bất ổn từ Myanmar cũng sẽ có thể là tương lai của Việt Nam nếu chính quyền Việt Nam không đưa nền chính trị đất nước theo xu hướng dân chủ hoá.

Lâm Bảo

No comments:

Post a Comment