Friday, March 19, 2021

BẦU CỬ QUỐC HỘI, trò “đánh tráo khái niệm

Quan Điểm

Các cơ quan tuyên truyền của Đảng CSVN đang ngày đêm ra rả tô vẽ cho cuộc bầu cử Quốc hội 23 tháng 5 sắp tới. Hơn 800 tờ báo và các đài truyền thanh, truyền hình nhà nước cùng rêu rao một luận điệu: “Đây là bước ngoặt quan trọng của đất nước để nhân dân bầu chọn nhân tài trong tinh thần dân chủ, công bằng, với sự hiệu quả và tiết kiệm”. Thế nhưng thực chất của cái gọi là “Quốc Hội” trong chế độ CS là gì? Để trả lời câu hỏi này, mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài quan điểm của LLCQ với tựa đề: ““BẦU CỬ QUỐC HỘI, trò “đánh tráo khái niệm”, sẽ được Hải Nguyên trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Lực Lượng Cứu Quốc

Thưa quý vị thính giả,

Đánh tráo khái niệm” là hành động thay thế khái niệm này bằng khái niệm khác, khiến người ta hiểu sai về hình tướng hoặc bản chất đích thực của sự việc, hiện tượng, nhằm đạt một mục đích nào đó. Đây là một thủ thuật thường được các thế lực chính trị bất chính sử dụng để lừa bịp, phỉnh gạt quần chúng.

Diễn biến lịch sử của đất nước cho thấy đảng CSVN là tập toàn chính trị chuyên vận dụng thủ thuật “đánh tráo khái niệm” để đạt mục tiêu. Trong giai đoạn tranh đấu chống thực dân Pháp, đảng CSVN đã dùng chiêu bài “giành độc lập” để vận động toàn dân tham gia, giúp cho tập đoàn này thu tóm quyền lực và chung cuộc là cướp được chính quyền. Trong công cuộc xâm chiếm miền Nam, chiêu bài “Chống Mỹ cứu nước” được tận dụng để huy động sự hy sinh của dân chúng giúp cho đảng CS nhuộm đỏ toàn bộ đất nước!

Sau khi toàn dân đã lọt vào rọ, đảng CSVN vẫn tiếp tục sử dụng chiêu trò “đánh tráo khái niệm” để củng cố, bảo vệ chiếc ghế lãnh đạo độc tôn!

Ví dụ điển hình dễ thấy nhất của chiêu trò này là cuộc bầu cử Quốc hội ngày 23 tháng 5 sắp tới mà bộ máy tuyên truyền của đảng đang ngày đêm ra rả vân động, hô hào. Nào là đây là cơ hội để người dân thể hiện quyền làm chủ đất nước! Nào là nhà nước sẽ cương quyết nỗ lực để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra suôn sẻ, thể hiện đúng tinh thần dân chủ và bình đẳng minh định trong Hiến Pháp 2013.

Theo Hiến Pháp này, các điều 69 và 70 quy định Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất nước, có thẩm quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm tất cả các chức vụ quan trọng lãnh đạo đất nước, gồm cả Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, vân vân. Còn các điều 6 và 7 quy định Quốc hội do dân chúng bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Ngoài ra, quyền tham gia bầu cử được ghi trong điều 27 theo đó công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội.

Nếu chỉ đọc qua những điều khoản trên của Hiến pháp 2013, thì rõ ràng là chức năng và vận hành của Quốc Hội do đảng CSVN nặn ra không khác gì Quốc Hội của các quốc gia Tây phương. 

Thế nhưng, thực tế lại hoàn toàn khác.

Mặc dù còn hơn 2 tháng nữa Quốc Hội mới được bầu lại, nhưng qua Đại Hội 13 của Đảng CSVN kết thúc ngày 1 tháng 2 năm 2021, dân chúng đã biết ai sẽ là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, cùng nhiều chức vụ quan trọng khác trong bộ máy nhà nước trong thời gian tới. Đồng thời cũng qua Đại hội này, dân chúng đã biết hầu như chắc chắn tên tuổi của ít nhất 200 trong số 500 đại biểu Quốc hội mới. Lý do là vì 200 người này là Ủy viên Ban chấp Hành trung ương Đảng CSVN được bầu ra trong số 2000 đảng viên đại diện cho hơn 4 triệu đảng viên Đảng tham dự Đại Hội 13 của Đảng CSVN.

Hơn thế nữa, một số điều khoản khác của Hiến Pháp còn quy định muốn ứng cử đại biểu Quốc Hội, ứng viên phải được Mặt trận Tổ Quốc, một cơ cấu của Đảng CSVN, giới thiệu. Sau đó các ứng viên còn phải qua những hội nghị “hiệp thương” để kiểm điểm tiêu chuẩn, mà thực chất là để đo lường mức độ trung thành với chế độ. Số ứng viên được Mặt Trân Tổ Quốc giới thiệu đại đa số là đảng viên đảng CSVN. Con số ngoài đảng vừa rất ít, vừa được sàng lọc kỹ lưỡng để bảo đảm dù không chính thức là đảng viên, thành phần cũng đã được Đảng hoàn toàn thuần hóa.

Tiến trình và cung cách bầu đại biểu Quốc hội kể trên đã cho thấy quy định “Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất nước” như ghi trong điều 69 Hiến Pháp chỉ chiếc bánh vẽ “dân chủ” mà Đảng CSVN đưa ra để phỉnh gạt dân chúng và dư luận thế giới. Trong thực tế, cơ quan quyền lực cao nhất nước chính là Ban Chấp Hành Trung ương Đảng CSVN, như Điều 4 Hiến pháp đã quy định “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”

Qua những sự kiện trên, rõ ràng là các khái niệm như “Dân chủ”, “Hiến pháp:, “Quốc hội” đã bị đảng CSVN “đánh tráo” để biến chúng thành phương tiện phục vụ cho mục tiêu củng cố ngôi vị lãnh đạo độc tôn của đảng.

Chừng nào tập đoàn CSVN còn thống trị đất nước thì nhân dân còn chứng kiến và gánh chịu hậu quả của các trò “đánh tráo khái niệm” trơ trẽn này./.

No comments:

Post a Comment