Wednesday, March 24, 2021

Chín ngày trong một đời người (Bài 8)

Hồi Ký Vũ Cao Quận

Để tưởng niệm “Người Lính Già Vũ Cao Quận”, Đài DLSN trân trọng giới thiệu tập hồi ký “Chín ngày trong một đời người”.Hôi ký  do Bá Cơ diễn đọc và sẽ được phát thanh vào mỗi tối thứ tư hàng tuần. Sau đây là bài 8

Khoảng 8 giờ sáng tiếng lách cách mở khóa các buồng tù vang lên rộn rã. Các tù “tự giác” được tự do đi lại mở khóa các buồng giam, gánh cơm nước uống phân chia cho các buồng. Cả ba chúng tôi đã thức dậy từ lúc 6 giờ, cả trại tưởng chừng như còn im lìm trong giấc ngủ. Nhưng không… các buồng giam như nhau đều đã dậy từ lúc 5, 6 giờ, không tiếp tục ngủ thì nằm tán gẫu cho đến giờ mở khóa. Tôi là lính mới ra xách nước từ bể nước chứa vào cái thùng nhựa màu xanh lá cây chừng 100 lít để đánh răng, rửa mặt và bể nhỏ chứa nước cho nhà vệ sinh. M.quét sân rải đầy những hoa bàng li ti, sau đó anh ta múc nước ùm ùm để tắm. Qua cơn mưa đêm trời se lạnh, tôi nhìn M.tắm mà rùng mình. Tr.T. đi đổ rác và lấy cơm nước. Ngoài cơm còn có một âu cháo sáng và một bát nhựa to đựng rau muống luộc. Không thấy có thức ăn. Có lẽ tù nhân sống dựa vào đồ ăn của người nhà tiếp tế là chính.

Tr.T. đã kiếm được cho tôi một cái bát nhựa và cái thìa cùng một cái bàn chải đánh răng tuy cũ nhưng còn khá tốt. Bàn chải đánh răng trong tù đều bị bẻ cụt cán. Nghĩ đánh răng bằng một cái bàn chải răng đã cũ, nhất là bàn chải của một người tù khác, tự nhiên thấy ghê ghê, nhưng để Tr.T. vui tôi dùng nó đánh răng luôn. Sau đó Tr.T. giục tôi ăn cháo đi kẻo đi “cung” không kịp ăn. Đúng vậy, tôi vừa mới húp được hai thìa cháo thì có tiếng gọi chõ vào: G1 đi cung. Ở đây tù nhân đã thành án cả rồi nên chỉ có tôi. Tr.T. nói vọng ra: “Chờ một chút để ông ấy ăn nốt bát cháo đã”.

“Mẹ kiếp, vào tù rồi mà còn đỉng đỉnh”. Một tù “tự giác” từ ngoài nói chõ vào. Đang ăn dở, tôi đổ bát cháo xuống cống rồi đi ra. Vẫn viên đại úy công an to như tây, mặt đỏ lạnh lùng hất hàm ra hiệu cho tôi đi theo. V.L. đã chờ tôi ở cái buồng lục lăng hôm trước và dẫn tôi tới một căn phòng làm việc có biển đề “Phòng hỏi cung người nước ngoài”. Phòng nhỏ chừng 12 m2 có kê một cái bàn gỗ nhỏ cùng vài cái ghế tựa bằng nhựa. Cạnh đó là một tủ đựng hồ sơ thường thấy và có một cái rèm vải che ngăn cách phòng với cái giường ngủ bên trong.

Vì còn phải chờ nhân viên camera nên V.L. pha trà mời tôi uống và chuyện vãn vài câu. Vẫn nụ cười mỉm khó hiểu, V.L. hỏi tôi: “Đêm qua bác có ngủ được không?”. Tôi đáp: “Xin cảm ơn ông, tôi ngủ cũng đường được”.

Nhưng rồi trung tá Th. tới ôm theo cái hộp các tông niêm phong tài liệu mà tôi chưa kịp ký hết. Thế là cả buổi sáng hôm đó tôi chỉ có việc ký xác nhận tài liệu đã thu giữ tại nhà tôi. Khoảng gần 12 giờ tôi mới ký hết, tôi nhớ mang máng là khoảng hơn “bốn trăm tài liệu”. Cũng cần phải nói rõ hơn “hơn bốn trăm tài liệu” này.

Nghĩ cũng hay, cả một bộ máy cầm quyền đồ sộ với hàng triệu lưỡi lê bảo vệ mà sợ đủ thứ, sợ cả cái không đáng sợ. Có đến gần 400 “đầu tài liệu” là những bài viết từ một đến hai trang nói toàn những điều vô hại như: Về dùng ngoại cảm tìm mộ của nguyên bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Thọ Chân, của nguyên phó thủ tướng giáo sư Trần Phương, của trung tướng nguyên Phó chủ tịch Quốc Hội, nguyên ủy viên Trung ương Đảng Trần Độ. Những bài tản văn khôi hài của Giả Bình Ao, bài nói về thiền và những bài vô thưởng vô phạt… kể cả bài diễn văn hay nhất thế kỷ của một luật sư Mỹ nói về một con chó cùng cuốn sổ tay thơ của tôi, vài bài thơ gửi cho “Cô gái Nga Anbina” bán bia hơi ở Cẩm Phả cùng tấm ảnh tôi chụp chung với vợ chồng cô cũng bị tịch thu, nghĩa là thu “tất tần tật, tuốt tuồn tuột” dù những trang giấy ấy, những tấm ảnh bạn bè ấy chẳng có tội tình gì hoặc là chứng cứ của vụ án. Còn những tài liệu bị coi như những tài liệu “xấu” thì toàn là những bài viết đầy trí tuệ của: Hoàng Hữu Nhân, Nguyễn Văn Đào, Trần Độ, Phan Đình Diệu, Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang, Phạm Ngọc Uyển, Dương Thu Hương, Trần Khuê và Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trần Bá, Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình, Trần Dũng Tiến… kể cả bài viết của đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên uỷ viên Bộ Chính trị Nguyễn Đức Tâm, của 3 ông tướng: thượng tướng Phùng Thế Tài, Hoàng Minh Thảo và trung tướng Lê Tự Đồng… Đúng như La Rochefoucauld đã nói: “Những kẻ trí tuệ tầm thường hay lên án những gì vượt quá tầm hiểu biết của họ”.

Thậm chí cái máy đánh chữ, một vật dùng tầm thường của thế giới văn minh thay cho một cái bút bi cũng bị tịch thu. Thế rồi từ đó loan truyền đi là thu giữ quả tang của Vũ Cao Quận hàng chục ký lô tài liệu, truyền đơn trên đường 5 và hàng mấy bao tải tài liệu tàng trữ tại gia đình. Những người tử tế thì bán tín bán nghi. Còn những “kẻ quáng gà, nghe hơi nồi chõ” thì tung tin vịt nghe mà phát khiếp.

No comments:

Post a Comment