Mở đầu chương trình, Hoàng Ân và Hải Vân mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức.
1. NGUYỄN BÁ HOAN, THỨ TRƯỞNG NỘI VỤ, BỊ KHAI TRỪ ĐẢNG
Có thêm một nạn
nhân của sự thanh toán nội bộ trong đảng csvn, đó là việc Nguyễn Bá Hoan, thứ
trưởng nội vụ vừa bị khai trừ khỏi đảng. Quyết định này được ban bí thư đảng
csvn đưa ra vào ngày 27/6 sau khi duyệt xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung
ương. Lý do khai trừ Nguyễn Bá Hoan được
đưa ra là đương sự đã vi phạm quý phạm pháp luật trong thời gian giữ chức Thứ
trưởng Lao động Thương binh và Xã hội.
Vào ngày 11/6
ông Hoan, 58 tuổi, cùng một số cán bộ thuộc Cục Quản lý lao động ngoài nước của
Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội gồm: Tống Hải Nam – cục trưởng, Nguyễn Gia
Liêm-phó cục trưởng, Phạm Viết Hương-phó cục trưởng đã bị khởi tố về tội Nhận hối
lộ. Trong khi giữ chức Thứ trưởng Cục Lao động, Thương bịnh và Xã hội, Nguyễn
Bá Hoan đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước ban hành quy định yêu cầu
doanh nghiệp phải có thêm “giấy phép con” khi ký hợp đồng đưa người đi làm việc
ở nước ngoài.
Theo Cục Cảnh
sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), nhiều doanh nghiệp
phải "bôi trơn" để được cấp phép, số tiền này được lấy từ chính người
lao động thông qua việc thu phí dịch vụ vượt mức quy định.
Trong quyết định
thanh trừng kỳ này, ông Hương bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; ba
người còn lại, trong đó có ông Hoan bị tạm giam.
2. THÊM MỘT NGƯỜI CÙNG QUÊ VỚI TÔ LÂM LÀM GIÁM ĐỐC
CÔNG AN
Thêm một người gốc
Hưng Yên, quê hương của ông Tô Lâm – bí thư đảng CSVN, được bổ nhiệm làm Giám đốc
công an. Ông Cao Minh Huyền, đại tá, vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc công an
tình Lào Cai, sau khi hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái được sáp nhập với tên tỉnh
Lào Cai.
Ông Cao Minh Huyền,
sinh năm 1974 tại thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, mang quân hàm đại tá. Ông
Huyền từng giữ chức Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai cũ, và các vị trí như Trưởng
phòng – Cục Cảnh sát Kinh tế, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An.
Sự bổ nhiệm này
của ông Huyền nối tiếp làn sóng bổ nhiệm những sĩ quan công an quê Hưng Yên,
vào các vị trí đứng đầu lực lượng công an các tỉnh, đảng ủy tỉnh, và các vị trí
quan trọng của Bộ Công an.
Hiện tượng này
được bắt đầu kể từ khi ông Tô Lâm, một người có quê ở Hưng Yên, được bầu làm Chủ
tịch Nước vào tháng 5 năm 2024, và sau đó là Tổng Bí thư vào tháng 8 cùng năm.
3. HỎA HOẠN THIÊU RỤI CÔNG TY VĨNH THỊNH TẠI BÌNH
DƯƠNG
Một cuộc hỏa hoạn
làm thiêu rụi toàn bộ tài sản của công ty sản xuất giấy Vĩnh Thịnh tại phường
Tân Hiệp, Bình Dương. Đám cháy bùng phát vào khoảng 8 giờ tối, Chủ Nhật ngày
29/6. Sau khi người dân phát hiện cuộc hỏa hoạn, ngọn lửa nhanh chóng lan rộng,
bao trùm toàn bộ khu vực xưởng rộng khoảng 1000 mét vuông. Người dân tại xung
quanh có thể nhìn thấy một cột khói cao hàng trăm mét.
Cuộc hỏa hoạn được
dập tất vào khoảng 11 giờ đêm cùng ngày và không có ghi nhận thương vong đáng
tiếc nào.
Công ty sản xuất
giấy, bao bì Vĩnh Thịnh, chuyên sản xuất sản phẩm về giấy và bao bì thông dụng.
Vào năm 2022, công ty này từng bị đình chỉ hoạt động và bị xử phạt hành chánh
vì không chấp hành các quyết định phòng hỏa.
4. NHÓM ỦNG HỘ DÂN CHỦ CUỐI CÙNG TẠI HỒNG KÔNG TUYÊN
BỐ GIẢI THỂ
Ngày 29/6/2025, Liên
minh Dân chủ Xã hội (League of Social Democrats - LSD), đảng ủng hộ dân chủ cuối
cùng còn hoạt động tại Hồng Kông, đã chính thức tuyên bố giải thể do “áp lực
chính trị khổng lồ” và lo ngại về sự an toàn của các thành viên kể từ khi Tàu Cộng
áp dụng luật an ninh quốc gia từ 5 năm qua.
Thành lập từ năm
2006, LSD nổi tiếng với các cuộc biểu tình mạnh mẽ và các hành động phản kháng
mang tính biểu tượng. Dù đối mặt với nhiều rủi ro, nhóm vẫn tiếp tục tổ chức
các hoạt động nhỏ lẻ ngay cả sau khi Luật An ninh Quốc gia (2020) và Luật Điều
23 (2024) được ban hành, với các hình phạt nghiêm khắc như tù chung thân cho
các hành vi bị coi là lật đổ, kích động hoặc gián điệp.
Trong tuyên bố giải
thể, đảng LSD cho biết “con đường đã bị thu hẹp đến mức không thể đi tiếp”, khi
phần lớn lãnh đạo bị bắt giữ và không gian xã hội dân sự gần như bị xóa sổ. Chủ
tịch Trần Bảo Anh (Chan Po-ying) bày tỏ niềm tự hào về những đóng góp
của đảng, nhưng thừa nhận họ “không còn lựa chọn nào khác” ngoài việc giải thể.
Đây được xem là
dấu chấm hết mang tính biểu tượng cho phong trào dân chủ từng sôi động tại Hồng
Kông, khi không còn nhóm đối lập nào hoạt động công khai.
5. HÀNG NGÀN NGƯỜI THÁI BIỂU
TÌNH ĐÒI THỦ TƯỚNG TỪ CHỨC
Hàng ngàn người Thái
đã biểu tình tại Bangkok vào ngày 28/6/2025, yêu cầu Thủ tướng Paetongtarn
Shinawatra từ chức sau khi một cuộc điện thoại bị rò rỉ giữa bà và cựu Thủ
tướng Campuchia Hun Sen gây ra làn sóng phẫn nộ.
Cuộc điện đàm diễn
ra vào ngày 15/6, trong đó bà Paetongtarn được cho là đã yêu cầu ông Hun Sen –
hiện là Chủ tịch Thượng viện Campuchia – không nên nghe theo “phe đối lập” ở
Thái Lan, ám chỉ một vị tướng quân đội Thái đang chỉ huy khu vực biên giới nơi
xảy ra đụng độ khiến một binh sĩ Campuchia thiệt mạng vào cuối tháng 5. Người
biểu tình cho rằng cuộc trò chuyện này đã làm tổn hại đến hình ảnh quốc gia và
quân đội Thái Lan.
Cuộc biểu tình
diễn ra tại Tượng đài Chiến thắng (Victory Monument), với sự tham gia của
nhiều nhóm chính trị, trong đó có các thành viên thuộc phe “Áo vàng” – lực lượng
trung thành với hoàng gia và đối lập lâu năm với gia đình Shinawatra. Các diễn
giả trên sân khấu nhấn mạnh thông điệp bảo vệ chủ quyền quốc gia và yêu cầu bà
Paetongtarn từ chức ngay lập tức.
Các nhà phân
tích chính trị nhận định tình hình hiện tại có thể khiến bà Paetongtarn khó giữ
được vị trí thủ tướng, nhưng việc ai sẽ thay thế bà vẫn là một câu hỏi lớn.
No comments:
Post a Comment