Mở đầu chương trình mời quý vị theo dõi phần Tin Tức với Phụng Hoàng & Trường An
1/ VN CỐ NGĂN CHẬN TỆ NẠN GIAN LẬN TRONG XUẤT CẢNG SANG HOA KỲ
Theo thông tấn xã Reuters, vào hôm qua 22/4 bộ công thương Việt Nam vừa ban hành chỉ thị ngăn chận tình trạng chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp sang Hoa Kỳ để tránh mức thuế quan của Hoa Kỳ.
Theo chỉ thị đề ngày 15/4, bộ công thương dự báo gian lận thương mại có khả năng gia tăng trong bối cảnh căng thẳng do chính sách thuế quan của Hoa Kỳ. Tình trạng này sẽ khiến việc tránh các lệnh trừng phạt mà các nước sẽ áp dụng đối với hàng hóa nhập cảng trở nên phức tạp hơn.
Hiện nay gần 40% hàng nhập cảng của Việt Nam là từ Trung Cộng. Điều này đã khiến Hoa Kỳ công khai cáo buộc Bắc Kinh xử dụng Việt Nam làm trung tâm chuyển tải để tránh thuế của Hoa Kỳ.
Vào hôm qua, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cũng chỉ thị cho các quan chức phải nỗ lực chống gian lận thương mại, hàng giả và giải quyết các vấn đề khác mà Hoa Kỳ quan tâm. Theo Reuters, việc chính quyền Trump áp mức thuế quan đối ứng lên đến 46% đối với VN có thể làm suy yếu nghiêm trọng mô hình tăng trưởng dựa trên xuất cảng sang Hoa Kỳ và các khoản đầu tư lớn của các nhà sản xuất nước ngoài.
2/ VN TĂNG CƯỜNG ĐÀN ÁP GIỚI BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN
Tổ chức Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch) trong thông cáo công bố vào hôm qua 22/4 đã tố cáoViệt Nam dưới thời Tô Lâm đang tăng cường đàn áp những người bày tỏ bất đồng chính kiến.
Trong báo cáo dài 26 trang, được mở đầu bằng trích dẫn của nhà thơ Việt Nam Hoàng Nhuận Cầm là “Tất cả chúng ta đều bị theo dõi. Tất cả chúng ta sắp bị bắt rồi”, Tổ chức Giám sát Nhân quyền nêu ra những trường hợp mà bạo quyền Việt Nam, xử dụng điều 331 của luật Hình sự, đã trấn áp những người xử dụng mạng xã hội để công khai chỉ trích các vi phạm quyền tự do tôn giáo, lạm dụng quyền xử dụng đất đai và tình trạng tham nhũng.
Theo ước tính của tổ chức nói trên, từ năm 2018 đến năm 2025, Việt Nam đã kết án tù nặng nề đối với 124 người vì có những hành vi ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước CSVN. Con số này cao hơn gấp 4 lần trong giai đoạn 2011 - 2017 là 28 trường hợp.
Theo Giám sát Nhân quyền, cách cai trị đất nước 100 triệu dân, kiểu không khoan dung đối với bất cứ chỉ trích nào, phản ánh sự thất bại của bạo quyền trong việc giải quyết các vấn đề xã hội.
3/ CAO TĂNG TÂY TẠNG ĐƯỢC HỎA TÁNG BÍ MẬT Ở VN
Các tín đồ muốn đưa di hài của cao tăng Tulku Hungkar Dorje về Tây Tạng nhưng bất thành vì nghi ngờ bị Trung Cộng ngăn cản.
Thi thể của nhà lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng, được cho là đã chết trong khi bị giam giữ tại Việt Nam, đã được bí mật hỏa táng tại thành phố Sài Gòn vào hôm 20/4, bất chấp lời kêu gọi của các nhà hoạt động cho phép đưa hài cốt của ông trở về Tây Tạng.
Các nhóm bảo vệ quyền lợi của người Tây Tạng đã lên án vụ hỏa táng này và kêu gọi quốc tế gây sức ép với Việt Nam và Trung Cộng để làm rõ hoàn cảnh cái chết của ông Dorje.
Những đệ tử của ông cho biết ông Dorje đã trốn sang Việt Nam từ tám tháng trước để thoát khỏi sự đàn áp của bạo quyền Trung Cộng. Họ nói rằng ông đã chết trong khi bị giam giữ tại VN.Họ cũng đã nhiều lần kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về cái chết của vị cao tăng này.
Khoảng hơn 30 quan chức Trung Cộng và hơn 40 công an VN được cho là đã giám sát việc vận chuyển thi thể của vị cao tăng đến lò hỏa táng. Nhóm này cũng tịch thu điện thoại của tất cả những người tham gia lễ hỏa táng, diễn ra tại nhà quàn Long Thọ ở phía bắc Sài Gòn.
Trong tháng này, cộng đồng người Tây Tạng trên toàn cầu và các nhóm nhân quyền đã tổ chức các cuộc biểu tình bên ngoài tòa đại sứ Trung Cộng tại Ấn Độ và nhiều nơi khác, đồng thời gửi đơn kháng cáo tới bạo quyền Việt Nam, kêu gọi một cuộc điều tra minh bạch và trao trả thi hài của Tulku Hungkar Dorje cho tu viện của ông.
https://www.rfa.org/vietnamese/trong-nuoc/2025/04/22/cao-tang-tay-tang-chet-o-viet-nam/
4/ TANG LỄ ĐỨC GIÁO HOÀNG SẼ ĐƯỢC TỔ CHỨC VÀO NGÀY 25/4
Sau cuộc họp của các Hồng Y, vào hôm qua 22/4, Tòa thánh Vatican thông báo tang lễ Đức Giáo hoàng Francis sẽ được tổ chức vào lúc 10 giờ sáng thứ Bảy ngày 25/4.
Cũng như đối với tang lễ của cố Giáo Hoàng John Paul II, nhiều nhà lãnh đạo thế giới sẽ đến dự tang lễ Giáo hoàng Francis, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Cái chết của Ngài đã gây xúc động toàn thế giới. Hôm qua, sau khi hay tin Giáo Hoàng qua đời, nhiều nhà lãnh đạo đã đồng loạt tôn vinh Ngài. Riêng Trung Cộng đã gởi lời chia buồn đến Vatican và tuyên bố sẵn sàng cùng với tòa thánh tiếp tục cải thiện quan hệ Trung Cộng và Vatican.
Trong di chúc của Ngài, được Vatican công bố vào sáng hôm qua,Giáo hoàng Francis cho biết muốn được mai táng trong Vương cung Thánh đường Đức Mẹ, trong một ngôi mộ đơn giản không có bất kỳ đồ trang trí đặc biệt nào, mà chỉ khắc tên của Ngài bằng tiếng La tinh “Franciscus”.
No comments:
Post a Comment