Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân & Bá Cơ trình bày sau đây.
1/ GIỚI CHỨC VN HỌP KHẨN ĐỂ ĐỐI PHÓ VỚI MỨC THUẾ 46% CỦA MỸ
Vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo mức thuế 46% đối với hàng hóa nhập cảng từ Việt Nam, nhà cầm quyền Hà Nội đã có cuộc họp khẩn vào sáng 3/4 nhưng vẫn khẳng định mục tiêu tăng trưởng là 8%.
Theo báo chí lề đảng, cuộc họp do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì với sự hiện diện của nhiều quan chức cao cấp khác như Bộ trưởng công thương Nguyễn Hồng Diên, Thống đốc Ngân hàng VN Nguyễn Thị Hồng và Bộ trưởng tài chính Nguyễn Văn Thắng.
Trong cuộc họp này, thủ tướng Việt Nam ra lệnh thành lập ngay một tổ phản ứng nhanh chóng do Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu. Ông Chính đề nghị các bộ ngành thu thập ý kiến từ các công ty, đặc biệt là các tập đoàn xuất cảng lớn, nhằm tìm kiếm các đối sách.
Kết thúc cuộc họp, giới chức Việt Nam kêu gọi Hoa Kỳ có những chính sách phù hợp với vị thếquốc gia đang phát triển của Việt Nam và với những nỗ lực gần đây của nước này. Nhưng các quan chức Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng sản lượng nội địa từ 8% trở lên cho năm 2025 là không thay đổi.
Bất chấp các nỗ lực từ nhiều tuần qua của Hà Nội nhằm xoa dịu tổng thống Mỹ, ông Donald Trump vẫn tuyên bố áp mức thuế 46% đối với hàng hóa nhập cảng từ Việt Nam.
Ngay sau thông báo của Mỹ, chỉ số chứng khoán chuẩn của Việt Nam đã giảm mạnh đến 6%. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại, Phó thủ tướng Việt Nam Hồ Đức Phớc và các giám đốc điều hành của các công ty, bao gồm hai hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet, sẽ đến thăm Hoa Kỳ vào cuối tuần này.
2/ HOA KỲ ÁP THUẾ TOÀN CẦU, CẢ THẾ GIỚI LAO ĐAO
Vào hôm qua 3/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế toàn cầu, với Việt Nam bị 46% thuế nhập cảng vào Mỹ.
Các nền kinh tế châu Á nằm trong số các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ mức thuế quan mới của ông Donald Trump là 46% đối với Việt Nam, 34% đối với Trung Cộng và 49% đối với Campuchia.
Tổng thống Trump đã công bố kế hoạch áp thuế nhập cảng mới đối với tất cả hàng hóa vào Mỹ, đánh dấu sự thay đổi lớn nhất trong trật tự thương mại quốc tế kể từ sau thế chiến thứ hai. Nhiều đồng minh của Mỹ sẽ phải đối mặt với thuế quan mới, trong đó nước Anh chịu 10%, Liên minh Âu châu chịu 20%.
Trong khi đó thuế đối với hàng hóa từ Trung Cộng sẽ tăng thêm 34%, bổ sung vào mức 20% hiện có.Trong khi mức thuế sẽ tăng lên 24% đối với hàng hóa từ Nhật Bản.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c1jxr9593zno
3/ TẬP CẬN BÌNH SẼ SANG THĂM VN VÀO THÁNG NÀY
Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình dự trù sẽ thực hiện chuyến công du các nước Việt Nam, Campuchia và Mã Lai vào khoảng giữa tháng 4 này.
Họ Tập có thể gặp các quan chức Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 14/4, theo tiết lộ của các quan chức. Không chỉ riêng họ Tập mà các nhà lãnh đạo Âu châu cũng sẽ tới thăm Việt Nam, sau khi ông Trump công bố một loạt thuế thương mại "có qua, có lại" với nhiều nước.
Đây sẽ là chuyến công du đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung Cộng trong năm nay, vào thời điểm Bắc Kinh đang thúc đẩy quan hệ mạnh mẽ hơn với các nước láng giềng, nhằm thể hiện mình là một đối tác khu vực đáng tin cậy và có trách nhiệm.
Các nguồn tin từ Việt Nam cho hay một trong những vấn đề được thảo luận sẽ là các tuyến đường sắt kết nối miền bắc Việt Nam với Trung Cộng, dự án mà hai nước đã đồng ý phát triển nhằm tăng cường kết nối và thương mại.
Một nguồn tin cho biết chuyến đi của ông Tập diễn ra trong bối cảnh các nước lớn có những điều chỉnh chiến lược, trong đó chính sách của ông Trump được xem là sự thay đổi chủ yếu.
Việt Nam cũng đang trong quá trình phê duyệt việc xử dụng máy bay COMAC của Trung Cộng. Một nguồn tin tại Việt Nam cho hay việc chính thức bật đèn xanh cho mẫu máy bay chở hành khách này có thể trùng với thời điểm chuyến thăm của họ Tập.
Điều này có thể mở đường cho các hãng hàng không Việt Nam thuê mướn và thậm chí là mua loại máy bay thương mại này.
Chuyến thăm Việt Nam vào cuối năm 2023 là lần gần nhất ông Tập Cận Bình công du trong khu vực.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cx2v0xyn15mo
4/ TẬP ĐOÀN QUÂN PHIỆT MIẾN ĐIỆN BAN HÀNH LỆNH NGƯNG BẮN
6 ngày sau trận động đất kinh hoàng tại Miến Điện, số nạn nhân thiệt mạng đã vượt qua mức 3100 người, với số người bị thương là hơn 4700 người, theo công bố của tập đoàn quân phiệt Miến Điện. Ngoài ra vẫn còn hơn 300 người mất tích.
Trong lúc số nạn nhân không ngừng gia tăng, công tác cứu trợ gặp nhiều khó khăn.Tập đoàn quân phiệt vào hôm 2/4 cuối cùng đã đáp ứng đề nghị của các phe đối lập vũ trang, quyết định ban hành lệnh ngừng bắn tạm thời để tạo thuận lợi cho công tác cứu trợ.
Phát ngôn nhân tập đoàn quân phiệtMiến Điện, Zaw Min Tun, vào hôm qua 3/4 cho biết là có 17 nước điều lực lượng cứu trợ và đưa viện trợ đến Miến Điện. Hơn một ngàn tấn thực phẩm và thiết bị đã được chuyển đến.
Công tác cứu trợ vẫn tiếp diễn nhưng có thể gặp nhiều khó khăn do sẽ có mưa to tại những vùng bị tác động mạnh nhất trong trận động đất tuần trước, chẳng hạn như ở các thành phố Mandalay, Sagaing và thủ đô Naypyidaw. Nhiều đoàn cứu trợ của nước ngoài, nhất là của phương Tây, đã gặp trở ngại khi xin giấy phép vào Miến Điện.
Tình hình hiện nay vượt quá khả năng của nhân viên cứu trợ Miến Điện. Tại thành phố Sagaing, gần một phần ba số tòa nhà bị sụp đổ. Các lực lượng xã hội dân sự, không có trang thiết bị, đã phải tự xoay xở để bắt đầu công việc tìm kiếm nạn nhân và dọn dẹp các đống đổ nát. Mùi xác chết phân hủy đã bắt đầu tràn ngập khắp các con đường tại thành phố này.
Cần biết là vào hôm thứ Tư 2/4, binh sĩ Miến Điện đã nổ súng vào một nhóm nhân viên của hội Hồng thập tự Trung Cộng,nhưng sau đó giải thích là họ không được thông báo về chuyến đi của đoàn xe này. Thực tế là tập đoàn quân phiệt lo ngại là lực lượng nổi dậy, núp dưới danh nghĩa của các đoàn cứu trợ, sẽ lợi dụng tình hình để mở rộng tầm kiểm soát.
No comments:
Post a Comment