Monday, August 29, 2022

Khi cái gốc không sửa.

Chuyện Nước Non Mình

Thưa quý thính giả, kết quả của việc CSVN muốn làm chủ đất trên toàn lãnh thổ đất nước đã dẫn đến việc người dân không thể sở hữu nhà cửa để an cư lạc nghiệp hoặc phát triển kinh tế quốc gia. Qua chuyên mục Chuyện Nước Non Mình, mời quý thính giả theo dõi bài viết của Đỗ Ngà với tựa đề: “Khi cái gốc không sửa” sẽ được Vân Hà trình bày, để tiếp nối chương trình

Đỗ Ngà.

Khi “đất là sở hữu toàn dân” thì về căn bản người dân không có quyền giữ đất nếu nhà nước có nhu cầu trưng thu. Vì quyền tư hữu đất đai của người dân bị tước bỏ nên doanh nghiệp ,chủ yếu là trong nhóm lợi ích, nhờ quyền lực nhà nước tước đoạt đất từ tay người dân khá dễ dàng.

Nếu người dân có quyền giữ đất thì doanh nghiệp không dễ đẩy giá đất một cách tự tiện bởi khách hàng sẽ cân nhắc là mua của người dân sẽ rẻ hơn mua của doanh nghiệp. Và điều đó vô tình buộc doanh nghiệp phải giữ giá bán thấp tương đương để họ bán được hàng.

Nếu dân không có quyền giữ đất, thì khi đó, doanh nghiệp nhờ tay chính quyền tước đoạt đất rồi trao tay doanh nghiệp. Khi dân không còn đất trong tay thì họ không thể định đoạt giá đất nên doanh nghiệp dễ đẩy giá lên thật cao để kiếm lời.

Như vậy, chính cái gọi là “sở hữu toàn dân” đã làm mất cân bằng trong vấn đề định giá đất đai. Và việc định giá đất phụ thuộc nhiều hơn vào ý chí của giới buôn đất thay vì theo quy luật cung cầu của thị trường. Chính cái gọi là “sở hữu toàn dân” đã dung dưỡng cho những chiêu trò thổi giá, lũng đoạn thị trường bất động sản.

Có thể ví như thế này, thị trường bất động sản như là một cái cân. Một bên là những nhà kinh doanh bất động sản và bên còn lại là những gia đình sở hữu đất. Chính cái gọi là “sở hữu toàn dân” đã mang nặng phần từ phía gia đình bỏ vào phía doanh nghiệp và thế là cán cân thị trường bất động sản mất cân bằng. Giá nhà đất từ đó mà phóng lên mây làm cho người dân ngày một bất lực với ước mơ an cư lạc nghiệp.

Đó là hậu quả giáng lên đầu người dân, còn hậu quả đối với xã hội là gì? Vì giá bất động sản cao nên nguồn vốn xã hội bị “đổ vào đất” hay “đổ vào bê tông” quá nhiều làm cho ngành sản xuất bị đói vốn. Trong khi đó, ngành sản xuất và thương mại mới là trụ cột của một nền kinh tế phát triển bền vững.

Như vậy, then chốt của vấn đề mất cân bằng nguồn vốn xã hội hiện nay nó có phần không nhỏ từ cái gọi là “sở hữu toàn dân”. Nếu sửa luật đất đai mà xem “sở hữu toàn dân” là thánh địa bất khả xâm phạm thì tất cả chỉ là làm phần ngọn nên sẽ không đi đến đâu. Việc sửa luật đất đai không phải hôm nay chính quyền Cộng sản mới đề cập mà họ đã đề cập từ nhiều thập niên qua. Nhưng kết quả thì sao, chắc không cần phải giải thích nữa.

 

No comments:

Post a Comment