Wednesday, September 22, 2021

KINH TẾ BI ĐÁT VÀ NHỮNG SAI LẦM NGHIÊM TRỌNG CỦA CS

Bình Luận

Chính sách chống dịch nhằm vào kiểm soát và đàn áp nhân quyền của CSVN đem lại những hậu quả vô cùng bi đát cho kinh tế và đời sống người dân

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Đỗ Ngà với tựa đề: KINH TẾ BI ĐÁT VÀ NHỮNG SAI LẦM NGHIÊM TRỌNG CỦA CS” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Hiện nay nguồn vốn vay ODA của Việt Nam đang cạn dần. Vào tháng 7/2017 thì Ngân hàng Thế giới -WB đã chấm dứt ODA ưu đãi với Việt Nam. Đến tháng 1/2019 thì Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB ngừng ODA cho Việt Nam. Và cứ thế những đối tác cho vay ODA hoặc chấm dứt cho vay hoặc thu hẹp khoản vay. Nhu cầu nguồn vốn vay để phát triển đất nước càng ngày càng lớn mà nguồn vay ODA thì cứ cạn dần, buộc nhà nước CS Việt Nam phải đi tìm nguồn vay khác thay thế, vay thương mại.

Để thu hút được nguồn vốn vay và nguồn đầu tư FDI đổ vào Việt Nam thì điều quan trọng nhất là phải nâng cao mức tín nhiệm tín dụng quốc gia. Nghĩa là phải có sách lược để S&P, Fitch và Moody’s nâng cao mức tín nhiệm cho Việt Nam.  Được biết từ năm 2000 đến nay là đã hơn 20 năm, nhưng mức tín nhiệm do S&P và Fitch đánh giá cho Việt Nam chỉ quanh quẩn 3 vị trí BB+, BB, BB-. Với tổ chức Moody’s thì cũng đánh giá Việt Nam quanh quẩn 3 mức Ba1, Ba2, Ba3.

Mức này được xếp vào hạng non – investment grade, nghĩa là họ khuyến cáo các nhà đầu tư không nên đâm đầu vào thị trường này. Việt Nam cần nâng cao mức tín nhiệm vượt qua mức này để nguồn vốn vay và vốn FDI đổ vào mạnh hơn. Bộ tài chính đang có đề án nâng mức tín nhiệm nhưng xem ra khó đạt. Vì sao?

Tình hình dịch bệnh ập đến, ban đầu ĐCS cũng hô hào “mục tiêu kép” một cách ngạo nghễ, tuy nhiên qua đợt dịch bùng phát mạnh từ tháng 7 đến giờ, xem như mục tiêu kép không thể đạt được. Ngày 29/8, ông Phạm Minh Chính phát biểu rằng “Đã hy sinh kinh tế, thực hiện giãn cách xã hội thì phải kiềm chế được dịch”, mục tiêu đã giảm nhưng chất kiêu ngạo vẫn còn. Thực tế là, phát triển kinh tế thì đã hy sinh rồi nhưng dịch vẫn không thể đẩy lùi được. Muốn đẩy lùi dịch thì phải đánh trúng dịch, tuy nhiên chính quyền CS cứ nhằm vào dân mà đánh thay vì nhắm vào dịch nên đánh mãi mà số ca nhiễm vẫn không giảm dù cho nhà nước CS đã làm mọi cách, kể cả đem cả quân đội ra chống. Chính vì thế, thay vì ĐCS đạt mục tiêu kép giờ dân đang phải gánh “thảm hoạn kép”- vừa bị đói tấn công vừa bị dịch tấn công.

Mới đây báo chí cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2021, trên cả nước có 85 ngàn doanh nghiệp phá sản. …hầu như doanh nghiệp nào phá sản thì cũng kéo theo một khoản nợ xấu. Với độ trễ khoảng từ 1 đến 2 năm, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ thấm đòn. Như vậy thì làm sao nâng bậc tín nhiệm cho Việt Nam đây? Rất khó, nếu không muốn nói là không thể.

Với cách chống dịch trật mục tiêu như vậy, càng cố đánh virus thì người dân và doanh nghiệp càng phải lãnh đạn (trong đó có FDI) mà bảo nâng cao mức tín nhiệm thì khó quá. Trước cách chống dịch như anh mù múa gậy như thế thì các FDI đã hết kiên nhẫn và ra tối hậu thư, nếu để đứt gãy chuỗi cung ứng thì họ sẽ rút. Chưa có quốc gia nào chống dịch mà lại ra chính sách nhằm vào ngành logistics đập cho gãy nát như CS Việt Nam. Mà một khi để FDI rút đi thì tình hình kinh tế Việt Nam sẽ vô cùng thê thảm vì chính họ đang chiếm đến trên 70% giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra họ còn giải quyết lượng lao động rất lớn cho Việt Nam và đóng những khoản thuế khổng lồ để làm giàu ngân sách nhà nước. Họ mà rút đi thì như quân cờ domino, sẽ có sự đổ ngã hàng loạt, các doanh nghiệp nội tham gia hệ sinh thái của FDI sẽ khó khăn và kéo theo đó ngân sách nhà nước bị thất thu rất lớn. Nếu để điều này xảy ra, liệu chính phủ Phạm Minh Chính có nâng cao mức tín nhiệm cho Việt Nam được không?

Thị trường chứng khoán là nơi phản ứng rất nhạy với tình hình kinh tế đất nước. Tính đến cuối tháng 8, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra trên 32.000 tỷ đồng để rút vốn đi. Về tình hình sức khỏe nền kinh tế Việt Nam, ĐCS có thể qua mặt dân Việt bằng bộ máy tuyên giáo chứ họ không thể qua mặt được các nhà đầu tư quốc tế sừng sỏ.

Nguồn vay ODA cạn, chống dịch sai cách kéo theo hệ lụy là doanh nghiệp nội thì chết la liệt, doanh nghiệp ngoại thì muốn rút đi, hệ thống ngân hàng sẽ phải khốn đốn vì nợ xấu phình to. Tất cả những yếu tố mà hội tụ đúng thời điểm thì thứ hạng tín nhiệm Việt Nam bị giảm sút là điều khó tránh khỏi, vậy thì lấy đâu ra sức hút để mà hút vốn đầu tư? Bài toán khó đang chờ ông Phạm Minh Chính giải. Không biết ông giải cách nào?! Hay là giải bằng “tuyên giáo”? Có thể lắm./.

No comments:

Post a Comment