Friday, May 30, 2025

Tin Tức: Thứ Sáu 30.05.2025

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân & Bá Cơ trình bày sau đây.

1. MỘT NGƯỜI TỊ NẠN BỊ CẢNH SÁT THÁI BẮT GIỮ
Ông Nguyễn Văn Ân, một nhà hoạt động tôn giáo hiện lánh nạn tại Thái Lan hôm 26/5 đã bị cảnh sát nước này bắt giữ khi đang ở một khu chợ. Theo luật pháp Thái Lan, ông Ân sẽ được ra tòa trước khi bị đưa đến nhà tù di trú (IDC) và chờ những phán quyết tiếp theo.


Năm 2017, CSVN đem quân đàn áp Giáo xứ Kẻ Gai để chiếm đất, ông Ân cùng với các linh mục, giáo dân khác đã dũng cảm chống lại hành vi vi phạm nhân quyền, vi phạm pháp luật của nhà cầm quyền địa phương. Công an Nghệ An sau đó đã phát lệnh truy nã đối với ông. Nguyễn Văn Ân đã phải rời Việt Nam để sang Thái lánh nạn.


Vài năm trở lại đây, Thái Lan không còn là nơi an toàn cho các nhà hoạt động người Việt lánh nạn, đặc biệt khi CSVN gia tăng đàn áp xuyên biên giới. Thái Lan không ký kết Công ước Quốc tế công nhận quyền tị nạn. Do vậy, ông Nguyễn Văn Ân đang đứng trước nguy cơ bị dẫn độ về Việt Nam, nơi ông sẽ đối mặt với nhiều năm tù, tương tự trường hợp của nhà hoạt động Y Quynh Bdap.

2. CSVN ĐEM VÒI RỒNG, SÚNG VÀ CHÓ NGHIỆP VỤ ĐI CƯỚP ĐẤT CỦA DÂN
Ngày 24/5/2025, nhà cầm quyền CSVN tại Cà Mau đã huy động một lực lượng đông đảo gồm công an, cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động và “quần chúng tự phát” đến phá nhà, cướp đất của dân tại xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.


Lực lượng này được trang bị súng, dùi cui, chó nghiệp vụ, vòi rồng, hơi cay, xe ủi và nhiều phương tiện chiến đấu khác để tấn công người dân. Những chủ nhân của các căn nhà này đều có sổ đỏ (tức giấy tờ hợp pháp) nhưng bị nhà cầm quyền lấy đất mà không bồi thường. Được biết, khi nhà cầm quyền đem quân đến cưỡng chế, nhiều người còn đang ở Hà Nội để nộp đơn kêu cứu.


Hình ảnh cuộc cướp đất được luật sư Trịnh Vĩnh Phúc công bố trên trang fb cá nhân cho thấy, công an đã xả vòi rồng vào người dân, trong đó có người già và trẻ em. Người ta nghe rõ tiếng súng, tiếng loa phóng thanh của lực lượng cướp đất và tiếng kêu gào thảm thiết của nạn nhân trong những đoạn video được người dân ghi lại


Công an mặc sắc phục chĩa súng vào dân và một số người sau đó đã bị bắt trói, đưa đi. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, vụ việc kinh hoàng trên ít được công luận biết tới do nhà cầm đã kiểm soát được các nền tảng công nghệ, bên cạnh việc sử dụng luật pháp như một công cụ trấn áp mọi nỗ lực đưa sự thật ra ánh sáng của dân chúng.

 

3. CANADA ĐỐI MẶT VỚI CHÁY RỪNG NGHIÊM TRỌNG, HÀNG NGHÌN NGƯỜI SƠ TÁN

Manitoba đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi cháy rừng lan rộng, buộc 17.000 người, bao gồm cư dân Flin Flon, phải sơ tán vào các trung tâm ở Winnipeg và các thành phố khác. Lực lượng vũ trang liên bang hỗ trợ di tản nhằm bảo đảm an toàn cho người dân.

Tại Alberta, cháy rừng đã ảnh hưởng đến hoạt động dầu khí, với một số cơ sở phải tạm ngừng sản xuất. Công ty Cenovus Energy cắt giảm nhân sự tại Foster Creek như một biện pháp phòng ngừa trước đám cháy 2.900 ha gần Hồ Chipewyan. Người dân khu vực này được yêu cầu sẵn sàng sơ tán nếu gió đổi hướng.

Ngoài ra, một vụ cháy khác rộng 1.600 ha gần Swan Hills đã buộc 1.200 cư dân phải sơ tán. Aspenleaf Energy tạm dừng sản xuất 4.000 thùng dầu/ngày để ứng phó. Giới chức theo dõi chặt chẽ tình hình khi thời tiết khô và gió mạnh làm lửa lan nhanh.

 

4. BẦU CỬ TỔNG THỐNG HÀN QUỐC 2025: THAY ĐỔI CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI

Cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc năm 2025 đang thu hút sự chú ý lớn, với ứng cử viên Lee Jae-myung của Đảng Dân chủ dẫn đầu các cuộc thăm dò. Ông cam kết theo đuổi chính sách thực dụng, hợp tác với Triều Tiên và duy trì quan hệ cân bằng với Trung cộng và Nga.

Cựu Tổng thống Yoon Suk Yeol, bị phế truất vào tháng 12 năm ngoái, có lập trường cứng rắn với Triều Tiên và thân thiện với Washington. Nếu Lee thắng cử, chính sách đối ngoại của Hàn Quốc có thể thay đổi đáng kể, gây lo ngại ở Mỹ về sự ổn định trong liên minh.

Lee đã chuyển hướng sang trung dung để thu hút cử tri ôn hòa, ca ngợi liên minh với Mỹ và cam kết hợp tác ba bên với Nhật Bản. Tuy nhiên, một số chuyên gia hoài nghi về sự nhất quán trong chính sách của ông, đặc biệt là quan hệ với Trung cộng và Triều Tiên.

 

5. NHẬT BẢN XÁC NHẬN CÔNG DÂN BỊ BẮT TẠI CAMPUCHIA TRONG CHIẾN DỊCH CHỐNG GIAN LẬN

Chính quyền Campuchia đã bắt giữ một số công dân Nhật Bản trong nỗ lực chung nhằm trấn áp các trung tâm lừa đảo tại nước này. Theo Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi, Tokyo đang điều tra số lượng và nơi ở của những người bị giam giữ.

Hãng thông tấn Kyodo đưa tin khoảng 30 người Nhật Bản bị tình nghi liên quan đến gian lận đã bị đưa đến Phnom Penh sau khi bị bắt tại thành phố Poipet. Các nhóm lừa đảo thường tiếp cận nạn nhân qua mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin để chiêu dụ họ đầu tư vào các kế hoạch gian lận.

Nhật Bản cam kết phối hợp với chính quyền Campuchia để iari quyếtsự việc và bảo vệ công dân của mình.

 

6. HY VỌNG VỀ LỆNH NGỪNG BẮN Ở GAZA: ISRAEL ĐỒNG Ý, HAMAS VẪN DO DỰ

Israel đã chấp thuận đề xuất ngừng bắn do Hoa Kỳ đưa ra, nhưng Hamas vẫn chưa đồng ý, cho rằng kế hoạch này không đáp ứng các yêu cầu của người dân Palestine.

Theo đề xuất, lệnh ngừng bắn sẽ kéo dài 60 ngày, có thể gia hạn, và bao gồm việc thả con tin cùng tù nhân Palestine. Tuy nhiên, Hamas cho rằng đề xuất này không bảo đảm chấm dứt hoàn toàn chiến sự và vẫn duy trì tình trạng phong tỏa Gaza.

Tình hình nhân đạo tại Gaza tiếp tục xấu đi, với nạn đói đe dọa một phần năm dân số. Trong khi đó, Israel vẫn tiến hành các cuộc tấn công quân sự nhằm vào Hamas, khiến hàng chục người thiệt mạng mỗi ngày.

Các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra, nhưng chưa có dấu hiệu đột phá. Hamas yêu cầu một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và chấm dứt phong tỏa, trong khi Israel tiếp tục các chiến dịch quân sự. Cộng đồng quốc tế đang theo dõi sát sao tình hình, hy vọng một thỏa thuận có thể đạt được để giảm bớt đau khổ cho người dân Gaza.

 

No comments:

Post a Comment