Friday, May 30, 2025

Thằng nào trúng thầu, nhân dân cũng đều khổ

Chuyện Nước Non Mình

Liên tục chương trình, mời quý thính giả theo dõi bài viết của tác giả Đàm Ngọc Tuyên với tựa đề: “Thằng Nào Trúng Thầu, Nhân Dân Cũng Đều Khổ”, được đăng trên báo Sài Gòn Nhỏ, sẽ được Ngọc Sương trình bày sau đây.

Đàm Ngọc Tuyên – Sài Gòn Nhỏ 

Câu chuyện tập đoàn Sơn Hải, bị loại khỏi gói thầu cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đoạn qua Bình Phước, cho dù giá thầu thấp, đã gây xôn xao dư luận vừa qua. Hơn nữa, khi đơn vị trúng thầu lại là liên danh chào giá cao nhất.

Và dường như chỉ cần như vậy, thì dư luận chọn đứng về phe bị loại khỏi đấu thầu, là tập đoàn Sơn Hải. Nhiều bài viết của những người có tầm ảnh hưởng cộng đồng, hiển lộ hay ngầm ý, bảo vệ và ủng hộ Sơn Hải.

Sự việc này, đặt ra nhiều câu hỏi về tính minh bạch và những yếu tố thực sự quyết định kết quả đấu thầu, có lẽ còn cần phải đợi vào cơ quan điều tra có kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, như chúng ta cũng biết, ở xứ sở này, có những thứ cần công khai, minh bạch nhưng rồi người dân chỉ biết mỏi mòn chờ, bởi có thể là bí mật quốc gia, bí mật của một nhóm người.

Dầu vậy, chúng ta cũng cần xác tín với nhau rằng, trong đấu thầu, không phải cứ giá thấp là sẽ được thầu. Biết bao gói thầu có bàn tay Trung Quốc, giá rất thấp, và hệ lụy của nó, có lẽ không cần phải nhắc lại cho tốn thêm giấy mực.

Càng không thể vịn vào việc tập đoàn Sơn Hải là cái tên gắn liền với phẩm chất và cam kết bảo hành dài hạn, thì mặc nhiên phải được trúng thầu. Thiết nghĩ điều người dân nên cần quan tâm, ngoài chất lượng thì điều quan thiết hàng đầu là tiền phí BOT là bao nhiêu/xe, cũng như thời gian thu phí là bao lâu, cho bất kì tuyến đường của bất kì nhà thầu nào xây dựng. Đây mới là điều đánh vào túi tiền của người dân mai này.

 

Nhìn lại, có bao giờ người Việt hôm nay tự hỏi rằng, vì điều gì mà ở thời đại rực rỡ này, chúng ta lại không còn có đường đi từ mũi Cà Mau đến ải Nam Quan. Muốn đi thì phải trả tiền, cho dù những con đường đã có từ thuở cha ông ta để lại?

Chúng ta có bao giờ tự hỏi, trong xăng dầu, hay khi đăng kiểm một chiếc xe hơi, chúng ta đã trả bao nhiêu là loại phí, bao gồm cả phí đường bộ (cầu đường), nhưng khi lăn bánh ra đầu ngỏ là gặp trạm BOT. Thậm chí, vào, ra phi trường hầu hết đều có trạm chặn lại lấy tiền như mãi lộ thời trung cổ?

Sẽ có bọn côn đồ chữ nghĩa, cắc cớ rằng, ở những nước như Mỹ, hay Úc châu, cũng có BOT kia mà. Tuy nhiên, chúng đã khốn nạn giấu nhẹm chuyện ở những quốc gia này, luôn có hai con đường đi, cho người dân lựa chọn. Một phải trả tiền, và một ngược lại, nhưng chất lượng đường có thể nói như nhau. Khác nhau chăng là tốc độ và thời gian di chuyển.

Còn như Lào, Thái Lan, hay Cam, đi dọc đất nước họ, thử đếm xem có bao nhiêu trạm BOT? Hầu như không có mấy.

Có vậy mới thấy được rằng, Sơn Hải, hay bất kì tập đoàn nào khác trúng thầu cao tốc, nhân danh sự phát triển, cũng như làm lợi cho dân, nhưng thật ra ẩn sâu vẫn là lợi ích nhóm.

Bạn không cần có vốn, không cần khoa học kĩ thuật, không cần chi cả, mà chỉ cần có mối quan hệ, nhận được một gói thầu tầm 10km đường cao tốc thôi, thì hãy yên tâm, hệ thống các ngân hàng sẽ nhảy vào bơm vốn cho bạn làm. Miễn bạn biết bôi trơn đủ lượng để chạy việc trơn tru là được. Phần lợi nhuận còn lại dành cho bạn, thừa mứa sống nhung lụa giàu sang tận 3 đời chưa hết. Ấy là lời chia sẻ với tôi, từ một người bạn trong ngành nhiều năm về trước.

Nên đừng vội “xót xa” mà bênh vực cho tập đoàn Sơn Hải bị loại khỏi gói thầu, vì nghĩ là họ yếu thế. Chẳng qua là, có một “Sơn Hải” khác, thế mạnh mẽ hơn mà thôi. Quan thiết là cho dù thằng nào trúng thầu, thì nhân dân đều khổ, đều phải è lưng ra trả phí BOT, bởi giờ đây, Việt Nam làm gì có đường để mà đi?

 

No comments:

Post a Comment