Tuesday, April 30, 2013

Ca tụng Tập Cận Bình và im lặng trước việc Bắc kinh bắn ngư dân: Đấy là đỉnh cao đạo đức của Nguyễn Phú Trọng?

Thứ Bảy, ngày 27.04.2013     
Trong tình huống quốc gia hưng vong, Tổng Bí Thư CSVN Nguyễn Phú Trọng một lần nữa đã phô trương sự kém cỏi và hèn nhát của mình trước những thử thách lớn lao của đất nước đến từ Bá Quyền Phương Bắc và nhu cầu dân chủ hóa để canh tân đất nước Việt Nam. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Tiến Sĩ Âu Dương Thệ với tựa đề: "Ca tụng Tập Cận Bình và im lặng trước việc Bắc kinh bắn ngư dân: Đấy là đỉnh cao đạo đức của Nguyễn Phú Trọng?" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Đài Bắc kinh ngày 27/3 cho biết, sáng 20/3 hải quân Trung cộng đã truy đuổi 4 tầu đánh cá của ngư dân VN và bắn một tầu của ngư dân VN đang đánh cá trên biển Đông gần quần đảo Hoàng sa do Trung cộng chiếm đóng của VN từ 1974. Trong nhiều ngày, những người cầm đầu CSVN từ Tổng bí thư kiêm Bí thư quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng, đến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã im lặng, một sự im lặng lạ lùng! Mãi tới ngày 24/3 tờ Tiền phong mới đưa tin, nhưng chỉ vài giờ sau, đã phải gỡ xuống. Mãi tới ngày 25/3 bộ Ngoại giao VN mới lên tiếng phản đối và xác nhận tầu đánh cá của ngư dân VN đã bị "tàu Trung Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin"!
Nhưng giữa khi ấy, một ngày sau khi hải quân Trung cộng bắn vào ngư dân VN thì Nguyễn Phú Trọng lại vẫn điện đàm thân mật trực tiếp chúc mừng tân Chủ tịch nước và Tổng bí thư Tập Cận Bình nhân dịp ông này được bầu làm Chủ tịch nước Tàu. Sau những lời ca ngợi ĐCS Trung quốc và chúc Tập Cận Bình "đưa Trung quốc tới thắng lợi", ông Trọng đã đã thề với Tập Cận Bình là "Đảng và Chính phủ Việt Nam coi trọng cao tình hữu nghị truyền thống Việt - Trung". Tuyệt đối không có một lời nào Nguyễn Phú Trọng phê bình hành động sai trái và tàn bạo của Bắc kinh. Trong cuộc điện đàm, Tập Cận Bình đã đáp lại rất kịch cỡm là "quan hệ Trung - Việt phát triển lành mạnh và ổn định", chủ trương "giữ gìn hòa bình của khu vực" và "thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt phát triển ổn định và lành mạnh".
Đối với các quan sát viên chính trị thì những sự kiện quan trọng trên đây cần phải nhận định và giải thích như thế nào về tình hình nội bộ trung ương ĐCSVN, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng và mối tương quan ngoại giao Việt-Trung hiện nay?
Có một số trường hợp phải được đặt ra để tìm hiểu:
1. Nguyễn Phú Trọng đã không được thông tin kịp thời và đầy đủ việc sáng ngày 20/3 các tầu hải quân Trung cộng đã truy đuổi và bắn cháy tầu của ngư dân VN. Trong trường hợp này thì Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và các cơ quan an ninh đối ngoại đã không thông tin cho ông Trọng, mặc dầu ông là Bí thư Quân ủy Trung ương, tức là Tổng tư lệnh quân đội VN. Như vậy phải hiểu là uy tín của ông Trọng đã mất trong nhóm lãnh đạo.
2. Nguyễn Phú Trọng đã được thông tin đầy đủ biến cố sáng ngày 20/3 nhưng ông vẫn giữ kín, đồng thời còn ra lệnh không cho phép các báo và đài tường thuật kịp thời và đầy đủ cho nhân dân VN và dư luận quốc tế về hành động cực kỳ ngang ngược và tàn ác với ngư dân VN của nhà cầm quyền Bắc kinh. Ông Trọng làm như vậy chỉ vì muốn giữ cuộc điện đàm ngày hôm sau (21/3) với Tập Cận Bình... Trong trường hợp này, ông Trọng đã chứng tỏ thái độ cúi đầu quỵ lụy với Bắc kinh. Không những thế, Nguyễn Phú Trọng đã lạm dụng quyền lực để cấm đoán các cơ quan của Đảng và Nhà nước thông tin nhanh chóng và trung thực, như vậy là cố tình đánh lừa nhân dân VN và dư luận thế giới trước hành động cực kỳ sai trái, bạo ngược của Bắc kinh. Như vậy Nguyễn Phú Trọng đã không thực hiện đúng trách nhiệm của Tổng bí thư và Bí thư Quân ủy Trung ương!
Tuy mới chỉ hơn hai năm làm Tổng bí thư, ông Trọng đã để lại nhiều dấu ấn rất đặc biệt:
Đối với Bắc kinh: Sau chuyến thăm Trung quốc với tư cách Tổng bí thư (10/2011) Nguyễn Phú Trọng đã nhượng bộ Bắc kinh thỏa thuận giải quyết tranh chấp giữa hai nước trên nguyên tắc song phương giữa hai bên. Chính nhượng bộ sai lầm này của Nguyễn Phú Trọng đã mở đường cho chế độ Bắc kinh ngang ngược theo sách lược được đằng chân lân đằng đầu. Họ đã thiết lập quận huyện hành chánh trên hai quần đảo Hoàng sa, Trường sa của VN, tăng cường hải quân, mở các cuộc tập trận, đồng thời còn tàn bạo săn đuổi và bắn vào các tầu đánh cá của ngư dân VN.
Nguyễn Phú Trọng đã thất bại trong việc chống tham nhũng, một tệ trạng rất nhức nhối trong toàn diện xã hội VN, khi bất lực không đẩy được Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi chức Thủ tướng tại Hội nghị Trung ương 6... Trong khi ấy, Dũng vẫn chỉ lo thu vén cho gia đình và vây cánh theo tiêu chuẩn "lợi ích nhóm", đặt trên quyền lợi chung từ trong trung ương tới các địa phương. Hiện nay phe cánh của Nguyễn Tấn Dũng đã lấn lướt và qua mặt cả trong Bộ chính trị lẫn Trung ương đảng.
Hiện nay Nguyễn Phú Trọng còn đang hồ hởi tung ra chiêu bài sửa đổi Hiến pháp xuyên qua Dự thảo Hiến pháp 1992 và giả bộ kêu gọi nhân dân đóng góp ý kiến với tiêu đề "không cấm kỵ" cả những ý kiến trái chiều. Nhiều trí thức, nhân sĩ, nhà báo, thanh niên, các tôn giáo và cả những đảng viên tiến bộ đã nhiệt tâm đóng góp ý kiến với mục tiêu xây dựng một đất nước dân chủ, văn minh và phú cường. Họ đã tố cáo ý đồ giả dối tìm cách đánh lừa nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp. Vì nội dung Dự thảo Hiến pháp sửa đổi hầu như giống hệt Hiến pháp phản dân chủ 1992. Như Điều 4 trong Dự thảo Hiến pháp hầu như vẫn giữ nguyên tiếp tục để ĐCS độc quyền trong mọi lãnh vực của xã hội, quân đội vẫn phải trung thành với Đảng thay vì trung thành với tổ quốc, nhân dân và đất đai vẫn là quyền sở hữu của Nhà nước
Nhiều trí thức, nhân sĩ, nhà báo, thanh niên và cả những đảng viên tiến bộ biết quý lòng tự trọng đang thấy rất rõ thái độ rất ngạo mạn quyền lực của Trọng đối với nhân dân, nhưng lại rất quỵ lụy hèn nhát với kẻ thù của dân tộc. Chính những việc làm của Trọng đang tự phơi bày sự sa đọa của quyền lực, sự suy thoái đạo đức của người có quyền lực! Chính ông đã bộc lộ tư cách cực kỳ phản động khi kết án những đóng góp chân thành của các giới là "suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống", trong khi đó ông lại coi sự cúi đầu quỵ lụy Bắc kinh là chính đáng, là "đỉnh cao đạo đức"!
Ông Trọng nên biết rằng, khi các tầng lớp nhân dân ý thức được quyền chính đáng của mình và biết rõ được tâm địa tồi tệ của người cầm quyền thì khi đó tương lai của bạo quyền chắc chắn không còn xa./.
Tiến Sĩ Âu Dương Thệ

No comments:

Post a Comment