Sunday, December 11, 2022

Việt Nam Tuần Qua: Chủ Nhật 11.12.2022

Việt Nam Tuần Qua

Kính thưa quí thính giả, sau đây phóng viên Bảo Trân và Hướng Dương sẽ điểm lại những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuần qua

Bảo Trân: Cám ơn chị Mỹ Linh. Thưa anh Hướng Dương, Trong tuần qua lại có tin thông báo rằng công an Long An lại kêu gọi người dân đấu tố Thịnh Thất Bồng Lai, xin anh nói rõ hơn về việc này…

Hướng Dương: Thưa chị, Tin cho hay, công an tỉnh Long An kêu gọi người dân hãy liên lạc với cơ quan điều tra và tố cáo TTBL (tức Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ) nếu “cho rằng bản thân mình là người bị hại”. Mục đích để phục vụ cho việc điều tra cái gọi là tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của TTBL do chính …công an Long An tố cáo. Thời hạn cho việc khai báo là 30 ngày kể từ ngày 8/12 khi chính thức có thông báo.

Xét theo thủ tục tố tụng hình sự, đây là một tiến trình ngược, khi cơ quan điều tra ra lệnh khởi tố và bắt tạm giam trước, định tội danh trước rồi mới tìm “bị hại” và tìm chứng cớ, tạo hành vi sau. Những người am hiểu luật pháp cho TTBL không hề vi phạm tội danh trên mà là nạn nhân của trò vu khống từ chính công an. Do chưa tìm ra chứng cứ thật sự để kết tội nên công an Long An phải ra thông báo trên nhằm “hợp thức hóa” việc định tội cho các thành viên TTBL. Dư luận cho rằng, công an có thể tự tạo ra nhiều “bị hại” hoặc “nhân chứng” giả để kết tội những người này như đã từng làm trong nhiều vụ án.

Sáu người thuộc TTBL, gồm người sáng lập là ông Lê Tùng Vân, 90 tuổi, bị kết án tổng cộng 23 năm 6 tháng tù giam trong cả hai phiên tòa sơ thẩm lẫn phúc thẩm. Ban đầu, công an Long An ra chiến dịch truyền thông cáo buộc TTBL tội “loạn luân” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên sau đó họ bị truy tố và chịu án tù với tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ”. Các diễn biến gần đây cho thấy nhà cầm quyền đang quyết tâm hoàn thiện cả 3 tội danh trên cho TTBL.

Bảo Trân: Vâng, thưa anh, ngoài ra lại có thêm 7 giáo dân ở Nghệ An bị án tù vì phản đối công an chiếm đoạt đất đai của họ, phải không anh?

Hướng Dương: Đúng vậy thưa chị. Tin cho hay Vào ngày 30/11 vừa qua, bạo quyền tỉnh Nghệ An đã kết án tù 7 giáo dân ở xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, với cáo buộc đã xuống đường phản đối việc công an phá bỏ con đường dân sinh của giáo xứ Bình Thuận.

Trong phiên xử chớp nhoáng mà không có luật sư bào chữa hay thân nhân tham dự, 7 giáo dân nói trên đã bị kết tội “chống người thi hành công vụ”. Ông Bùi Văn Cảnh 44 tuổi bị án một năm tù. Ông Hà Văn Hạnh 42 tuổi và hai bà Trần Thị Hoa 52 tuổi, Trần Thị Thỏa 58 tuổi bị 8 tháng tù, riêng hai bà Trần Thị Niên 38 tuổi và Hà Thị Hiền 35 tuổi bị 6 tháng tù.

Theo cáo trạng, vào ngày 13/7 vừa qua, khi lực lượng công an tiến vào phá bỏ con đường dân sinh đi qua khu công nghiệp WHA thì những người nói trên đã chống đối và cản trở quyết liệt bằng đủ mọi hình thức như “chửi bới” và “ném đá và chai thủy tinh” vào lực lượng công an cơ động, dùng tay và liềm để xô ngã hàng rào thép gai. Hậu quả khiến 5 công an bị thương phải điều trị tại bệnh viện.

Ông Nguyễn Minh Đức, chồng bà Hà Thị Hiền, cho biết không có ai được thông báo về phiên tòa nói trên. Ông cho biết vợ ông và những người khác không có luật sư bào chữa. Trước đó phía công an huyện cảnh cáo là không nên thuê luật sư vì nếu thuê luật sư thì án sẽ nặng thêm.

Ông khẳng định các bản án trên là bất công vì người dân giáo xứ Bình Thuận chỉ muốn bảo vệ con đường dân sinh đã tồn tại hơn 100 năm, thay vì phải đi con đường vòng vèo và quá dài so với đường thẳng trước đây.

Bảo Trân: Liên quan đến gia đình của các tù nhân lương tâm, theo chúng tôi được biết thì bà Lê Thị Hà, vợ của ông Đặng Đăng Phước lại bị công an đe dọa, tin này là như thế nào thưa anh

Hướng Dương: Hơn hai tháng sau khi bắt giữ giảng viên cao đẳng âm nhạc Đặng Đăng Phước với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước”, vào  ngày 18/11, công an tỉnh Đắc Lắc đã làm việc với bà Lê Thị Hà, vợ ông Phước.

Bà Hà, giáo viên tiểu học ở thành phố Buôn Mê Thuột, cho biết là điều tra viên Nguyễn Hữu Tào đã truy hỏi lý lịch ba đời của bà. Sau đó, người này đưa ra trang Facebook Hà Lê và hỏi bà rằng đấy có phải là trang của bà không. Họ đe dọa là nếu còn đăng tải lên trang này thì sẽ báo lên sở giáo dục để sa thải bà ra khỏi ngành.

Cần biết là trong những tuần qua, công an đã mời một số chủ nhân trang mạng Facebook đến để tra hỏi về mối liên quan với ông Đặng Đăng Phước. Người gần đây nhất bị mời lên làm việc là dân oan Bùi Văn Châu Tuấn, người chia xẻ với ông Phước về nỗi oan khuất của gia đình mình.

Ông Phước 59 tuổi là giảng viên âm nhạc của trường cao đẳng sư phạm Đắc Lắc. Trước khi bị bắt vào đầu tháng 9 vừa qua, ông thường xuyên lên tiếng về nhiều vấn đề của đất nước, trong đó có vấn nạn giáo dục, vi phạm nhân quyền, tiêu cực của quan chức và bất công trong xã hội.

Trong bài cuối cùng có hơn 6 ngàn người theo dõi, vào ngày 7/9, ông viết về vụ bắt giữ nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm theo cáo buộc “tuyên truyền chống chế độ”, chỉ trích công an Đà Nẵng đã hành xử thô bạo đối với nhà hoạt động này.

No comments:

Post a Comment