Wednesday, June 1, 2022

Có phải Biden lại ‘lỡ lời’ về Đài Loan?

Bình Luận

Phản ứng của Hoa Kỳ và khối Liên Âu tại Ukraine là một lời cảnh cáo với Tập Cận Bình rằng tham vọng điên rồ của chủ nghĩa bá quyền sẽ không được dung túng tại Đông Á, nhất là nếu CSTQ xâm lăng Đài Loan.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Hiếu Chân với tựa đề: Có phải Biden lại ‘lỡ lời’ về Đài Loan?” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay. 

Trong chuyến công du tại Nhật, Tổng Thống Joe Biden đã phát đi tín hiệu rằng ông sẽ can thiệp quân sự nếu Đài Loan bị Trung Quốc tấn công. Bình luận của ông nhanh chóng được cả thế giới chú ý, bình phẩm, được Đài Loan ca ngợi và Trung Quốc tức giận phản đối. Một số nhà phân tích chính trị Mỹ nói, ông tổng thống đã “lỡ lời” – và ông đã có vài lần lỡ lời khi phát biểu trước công chúng ngoài văn bản đã chuẩn bị sẵn. Có thật vậy không? 

Tại cuộc họp báo chung với ông Fumio Kishida, thủ tướng Nhật, hôm Thứ Hai, 23 Tháng Năm, một phóng viên đã hỏi ông Biden: “Ông không muốn tham gia vào cuộc xung đột quân sự ở Ukraine vì những lý do rõ ràng. Nhưng ông có sẵn sàng can thiệp quân sự để bảo vệ Đài Loan nếu điều đó xảy ra không?” Ông Biden trả lời thẳng: “Có.” Phóng viên hỏi tiếp: “Ông đồng ý?” Ông Biden nói thêm: “Đó là cam kết mà chúng tôi đã đưa ra.” 

Cuộc đối thoại ngắn ngủi kể trên được nhiều người hiểu là, ông Biden sẵn sàng gửi quân đội Hoa Kỳ tới Đài Loan chống lại cuộc xâm lược [nếu có] của Trung Quốc – và đây là điểm khác với những gì ông đang làm để giúp đỡ Ukraine chống lại cuộc xâm lược đang diễn ra của Nga. Với Ukraine, chính quyền Biden đã cung cấp hàng chục tỷ đô la viện trợ, vũ khí tối tân và thông tin tình báo giúp người Ukraine tự vệ nhưng từ chối gửi quân đội Mỹ tham gia chiến trường. 

Nếu cam kết gửi quân đội tham chiến thì ông Biden đã xa rời chính sách “sự mơ hồ chiến lược” theo truyền thống mà các tổng thống Mỹ ưa chuộng, và điều đó có thể làm căng thẳng gia tăng trong khu vực. Nhưng hàm ý của ông Biden dường như không đơn giản như vậy. 

Tòa Bạch Ốc nhanh chóng “nói lại cho rõ” rằng Hoa Kỳ không thay đổi chính sách đối với Đài Loan. Tuy không nói ông Biden “lỡ lời” nhưng trong một thông cáo báo chí vội vã gửi tới các phóng viên, Tòa Bạch Ốc khẳng định lại lập trường của các chính phủ Mỹ: “Như tổng thống đã nói, chính sách của chúng tôi không thay đổi. Ông ấy nhắc lại chính sách Một Trung Quốc và cam kết của chúng tôi đối với hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan. Ông ấy cũng nhắc lại cam kết của chúng tôi theo Đạo Luật Quan Hệ Đài Loan là cung cấp cho Đài Loan các phương tiện quân sự để tự vệ.” 

Câu trả lời mà ông Biden đưa ra hôm 23 Tháng Năm ở Tokyo là lần thứ ba ông xác nhận Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan, tức là ông công khai nói ra suy nghĩ của ông chứ không thể nói là ông tổng thống đã “lỡ lời” để rồi sau đó các nhân viên của ông phải vội vã đính chính. 

Cuộc xung đột Ukraine đang được cả Châu Á theo dõi để biết đường đi nước bước của Trung Quốc. Nếu ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, thành công trong việc chiếm Ukraine – vùng đất từng là lãnh thổ của đế chế Nga – người ta sợ rằng điều đó sẽ tạo ra một tiền lệ xấu: các nước lớn và mạnh sẽ dùng vũ lực để xâm lăng các nước độc lập, có chủ quyền với lý do khôi phục đế chế xưa cũ của họ. Trong trường hợp đó, Trung Quốc chắc chắn sẽ muốn dùng vũ lực thâu tóm đảo Đài Loan, một số đảo của Nhật và Đông Nam Á. Còn nếu ông Putin thất bại thì phản ứng đoàn kết của Tây phương trong việc hỗ trợ Ukraine kháng chiến sẽ giội gáo nước lạnh vào ý đồ bành trướng của những nhà độc tài hoang tưởng như ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc. 

Không chỉ ông Biden mà các nhà lãnh đạo khác ở Châu Á cũng có quan điểm tương tự, dù họ không nói ra thành lời rõ ràng như ông Biden. 

Đứng cạnh ông Biden tại buổi họp báo hôm 23 Tháng Năm, Thủ Tướng Fumio Kishida cho biết: “Bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực như hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine lần này sẽ không bao giờ được dung thứ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.” Ông Kishida cho biết đó không phải là ý kiến riêng của ông mà là quan điểm chung của bốn nhà lãnh đạo nhóm Bộ Tứ (QUAD) tại hội nghị thượng đỉnh ở Tokyo. 

Tuy ông Kishida không nói thẳng thừng như ông Biden, chính quyền của ông đã lặng lẽ tăng ngân sách quốc phòng, đồng thời thảo luận về kế hoạch mua vũ khí có khả năng tấn công các bệ phóng hỏa tiễn trong lãnh thổ của đối phương và tiến hành nhiều cuộc tập trận hơn với lực lượng Mỹ. Đài Loan chỉ cách hòn đảo Yonaguni cực Tây của Nhật 65 dặm nên một cuộc chiến Đài Loan sẽ nhanh chóng lôi kéo nước Nhật vào vùng ảnh hưởng. 

Theo chiều hướng như vậy, việc Tổng Thống Biden công khai tuyên bố Hoa Kỳ sẽ can thiệp bằng quân sự để bảo vệ Đài Loan là một biện pháp “răn đe,” ngăn chặn những đầu óc nóng máu phiêu lưu ở Bắc Kinh chứ không phải là một phát biểu lỡ lời của tổng thống Mỹ. 

Trong các nước nhỏ giáp biên giới với Nga, ông Putin đã chọn Ukraine để ra tay bởi vì Ukraine không phải là thành viên NATO; tấn công xâm lược Ukraine, Nga không phải lo đối đầu với lực lượng quân sự của khối NATO như trường hợp tấn công các nước vùng Baltic như Estonia, Latvia hoặc Lithuania. Tư cách thành viên NATO và nguyên tắc tấn công một nước là tấn công toàn khối của NATO là điều bảo đảm an ninh tối hậu cho các nước nhỏ, láng giềng của Nga; và đó cũng là lý do thúc đẩy Phần Lan và Thụy Điển từ bỏ lập trường trung lập từ mấy chục năm nay để nhanh chóng gia nhập NATO. 

Ở Châu Á, nếu Trung Quốc nhận ra Mỹ, Nhật và các nước khác sẽ tham chiến để bảo vệ hòn đảo dân chủ Đài Loan và trật tự thế giới hiện tồn thì chắc chắn ông Tập Cận Bình sẽ phải suy tính lại, thay vì cố xâm lược Đài Loan, Nhật hoặc Đông Nam Á bằng vũ lực Bắc Kinh phải tìm một chính sách hòa hoãn hơn để thống nhất trong hòa bình. 

Phát biểu có vẻ bất ngờ của Tổng Thống Biden tại Tokyo chắc chắn không phải do “lỡ lời” mà là dấu hiệu để Bắc Kinh biết rằng họ sẽ phải đối mặt với những đối thủ mạnh hơn rất nhiều như Mỹ và Nhật, phải trả giá rất đắt nếu manh động dùng vũ lực để thay đổi hiện trạng ở Châu Á./.

No comments:

Post a Comment