Tuesday, April 19, 2022

BÀN RỘNG VỀ QUAN ĐIỂM “PHÒ NGA” TẠI VIỆT NAM

Bình Luận

Trong khi đa số dân Việt ủng hộ nhân dân và chính phủ Ukraine chống lại cuộc xâm lăng của nhà độc tài Putin, thì phần lớn lãnh đạo đảng CSVN lại có quan điểm phò Nga theo lệnh quan thầy Trung Quốc.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Trần Trung Đạo với tựa đề: BÀN RỘNG VỀ QUAN ĐIỂM ‘PHÒ NGA’ TẠI VIỆT NAM” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay. 

Lý trí, trong một cách dễ hiểu, là khả năng của ý thức để thu nhận, hiểu, phân tích và phán đoán một sự kiện của mỗi người. Những người có phán đoán giống nhau tạo làm nên một thành phần xã hội. Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Cộng Hòa Ukraine tạo ra ít nhất hai thành phần, ủng hộ Nga và ủng hộ Ukraine, trong xã hội Việt Nam. 

Tại cấp chính phủ, sự ủng hộ dành cho Ukraine chiếm phần đông trên thế giới. Tại diễn đàn LHQ, quyết nghị LHQ ủng hộ Ukraine “đòi Nga rút ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện tất cả các lực lượng quân sự của mình khỏi lãnh thổ Ukraine trong các biên giới được quốc tế công nhận” ngày 2 tháng 3, 2022 do 96 quốc gia bảo trợ, có 141 nước ủng hộ Ukraine, 5 nước ủng hộ Nga, và 35 nước vắng mặt. Nếu không tính Nga và vệ tinh Belarus, chỉ có 3 nước ủng hộ, đó là Bắc Hàn ở Á Châu, một Bắc Hàn ở Phi Châu là Eritrea và một bệnh nhân đang thở bằng bình dưỡng khí Nga tên là Bashar al-Assad ở Syria. 

CSVN vắng mặt và điều này không khó hiểu. CSVN vắng mặt theo TC. Về mặt cơ chế chính trị, hệ thống lý luận, nền tảng tư tưởng và một phần lớn nền kinh tế, CSVN đã bị “Phần Lan Hóa” bởi Trung Cộng qua “Mật ước Thành Đô” 4 tháng 9, 1990 và được chính thức hóa sau khi quan hệ giữa hai nước CS được tái lập ngày 7 tháng 11 năm 1991. Khi cơ chế chính trị Liên Xô lung lay tận gốc, giới lãnh đạo CSVN phải đích thân sang TC cầu cứu mặc dù trước đó không lâu TC đã chiếm Gạc Ma và tàn sát 64 binh sĩ CSVN. 

“Phần Lan hóa” là gì? “Phần Lan hóa” (Finlandization) “để trở nên Phần Lan”, là một khái niệm chính trị để chỉ ảnh hưởng của một cường quốc trên các chính sách đối nội, đối ngoại và quốc phòng của một quốc gia láng giềng nhỏ, bị cô lập, không phải là thành viên của một liên minh quân sự và không nhận được sự bảo vệ của các cường quốc. Khái niệm này bắt nguồn từ chính sách của chính phủ Phần Lan chấp nhận không đi ngược lại các chính sách của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh từ năm 1947 đến năm 1990 nhằm mục đích duy trì chủ quyền đất nước. 

Mặc dù không có thống kê khách quan, nhìn chung qua các mạng xã hội, đa số người Việt ủng hộ Ukraine. Ngoài tình nhân loại có máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn, sự ủng hộ Ukraine còn biểu hiện của niềm cảm thông của những con người cùng hoàn cảnh.

Thành phần “phò Nga” phát xuất từ 3 nguyên nhân chính (1) mê muội, (2) quá khứ Liên Xô, (3) tin tưởng Putin.

Gần 6 giờ sáng, giờ Moscow, 24 tháng 2, 2022 Putin tuyên bố “chiến dịch quân sự đặc biệt” tấn công Ukraine từ ba mũi, Belarus hướng bắc, Donetsk và Crimea hướng nam nhằm mục đích “phi quân sự hóa” (demilitarisation) và “Phi Nazi hóa” (denazification) Ukraine. Hai mục đích giả tưởng này là sản phẩm của bộ máy tuyên truyền Nga. 

Theo nguồn tin tình báo Mỹ cho tạp chí Newsweek biết, với hỏa lực của Nga, họ lo ngại thủ đô Kyiv có thể phải rơi vào tay Nga trong vòng 96 giờ. Tuy nhiên, 96 giờ trôi qua, một tuần trôi qua, một tháng trôi qua, không chỉ Kyiv mà các thành phố lớn khác đều dưới quyền kiểm soát của quân chính phủ Ukraine. Các diễn biến của cuộc chiến cho thấy, dù quân số và hỏa lực vượt trội Putin chẳng những đang thua mà còn thua to. 

Mặt trận trên không với năm Nga đánh một Ukraine, Nga vẫn chưa làm chủ được không phận Ukraine. Làm chủ bầu trời (Air supremacy) là một trong những chiến lược tối quan trọng đã được các lãnh đạo quân sự nhấn mạnh nhiều lần trong lịch sử chiến tranh từ Thế Chiến Thứ Nhất tới nay. Trong Chiến Tranh Sáu Ngày (Six-Day War) giữa Do Thái và liên minh Ả Rập, chỉ trong vài giờ sáng ngày 5 tháng 6, 1967, không quân Do Thái đã làm tê liệt 90% không quân Ai Cập. Nhờ làm chủ bầu trời Do Thái chỉ bị thương vong 800 sĩ quan và binh sĩ trong khi ba nước Syria, Ai Cập và Jordan con số thương vong lên đến 20,000. 

Bộ quốc phòng Nga dĩ nhiên cũng cố vô hiệu hóa không quân Ukraine. Tuy nhiên muốn là một chuyện làm được hay không là chuyện khác. Nga không làm được như Do Thái dù chỉ đánh một nước nhỏ, dù Belarus cho mượn đường, dù đã chuẩn bị từ nhiều tháng và dù đánh trước. Hôm 24 tháng 3, NATO ước lượng Nga tổn thất có thể tới khoảng 15,000 quân. Số quân Nga bị giết trong một tháng xâm lăng Ukraine bằng tổng số quân LX tổn thất mười năm tại Afghanistan. 

Cuộc chiến tranh xâm lược của Putin vào Ukraine sẽ chấm dứt. Sớm hay muộn. Và dù kết quả ra sao, Putin vẫn là người thua đậm nhất trong cuộc chiến tranh xâm lược do ông ta chủ mưu. 

Tại thời điểm 2022 này, Việt Nam vẫn còn giữ một vị trí chiến lược ở vùng Đông Nam Á và Biển Đông nhưng tại một thời điểm khác trong tương lai vị trí đó có thể không còn nữa. Một khi chiến lược Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific Strategy) mở rộng, Việt Nam có thể được xem đã nằm trong “không gian sinh tồn” của Trung Cộng giống như khi Winston Churchill và Franklin D. Roosevelt xem Ba Lan thuộc “không gian sinh tồn”của Liên Xô tại hội nghị Yalta tháng 2, 1945. Khi đó các vị trí chiến lược mà thế giới tự do cần bảo vệ là Philippines, Singapore, Mã Lai, Nam Dương hay xa hơn chứ không phải Việt Nam. 

Những người theo trường phái “phò Nga” xin đừng khóc cho Putin, cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan Nga mà hãy dành nước mắt để khóc cho Việt Nam./.

No comments:

Post a Comment