Monday, February 28, 2022

Đảng mờ dần sau 92 năm

Bình Luận

Kính thưa quý thính giả, đảng CSVN tuy cai trị bằng bàn tay sắt, nhưng đi ngược trào lưu lịch sử và đang thoái trào. Ngày tàn của chế độ không còn xa.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Phạm Trần với tựa đề: Đảng mờ dần sau 92 năm” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay. 

Đảng CSVN khoe đã có mặt trên đất nước 92 năm (03/02/1930 – 03/02/2022), nhưng dân tộc đã mất bao nhiêu triệu con người và đất nước đã tan hoang ra sao sau 30 năm nội chiến do đảng chủ động là vấn đề không thể hòa vào với kiêu ngạo Cộng sản. 

Sự khác biệt là bằng chứng máu xương của trên 4 triệu người Việt đã chết trong chiến tranh, hàng trăm nghìn “thuyền nhân” đã bỏ mình trên Biển Đông khi chạy trốn Cộng sản tìm tự do sau năm 1975, và con số vô kể đã mất tích từ 1945 đến 30/04/1975. 

Tất cả những mất mát này sẽ không xẩy ra nếu không có đảng CSVN phát động hai cuộc chiến dành quyền lãnh đạo của ông Hồ Chí Minh, người sáng lập đảng CSVN, trên danh nghĩa chống Pháp giành độc lập (1945-1954) và chống Mỹ cứu nước (1954-1975). 

Ngày nay, sau 47 năm thống nhất đất nước và cai trị toàn diện (1975-2022), Việt Nam thời Cộng sản tuy không còn tiếng súng, nhưng hòa bình thật sự trên đất nước vẫn còn xa vời. Chia rẽ và phân hóa giữa kẻ thắng và người thua chưa hàn gắn được, vì đảng CSVN chỉ muốn “hòa hợp” mà không muốn “hòa giải”. Họ lý luận rằng, kẻ thắng cuộc không có lý do gì để “hòa giải” với bên thua cuộc mà kẻ bại trận phải “hòa hợp” vào với chế độ do Cộng sản lãnh đạo. 

Trong khi cách biệt giầu nghèo trong xã hội vẫn giãn ra giữa tầng lớp cầm quyền và dân thường thì hiểm họa Trung Cộng xâm lăng Việt Nam trên đất liền và ở Biển Đông chưa thuyên giảm. 

Vậy mà, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), cơ quan thông tấn của Chính phủ đã viết trong bài bình luận đầu năm Nhâm Dần rằng: "Hôm nay 3-2, đất nước rộn ràng đón chào xuân mới Nhâm Dần 2022 và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hân hoan kỷ niệm sự kiện trọng đại làm thay đổi vận mệnh của dân tộc Việt Nam: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời." 

Từ năm 1986, đảng đã quyết định phải đổi mới, từ bỏ đường lối kinh tế tập trung và bao cấp theo Nga để theo đuổi kinh tế thị trường của Tư bản Chú nghĩa. Với những thay đổi từ bỏ đường lối “ngăn sông cấm chợ” để dân được tự do kinh doanh và mở cửa hội nhập với thế giới đã cứu vãn kinh tế Việt Nam. Nhờ vậy đảng mới tồn tại và lợi tức đầu người Việt Nam đã từ khoảng 1,200 USD năm 2000 tăng lên gần 3,000 USD năm 2021. 

Nhưng tiến bộ khích lệ này vẫn không đem lại hạnh phúc cho người dân vì đảng vẫn độc tài lãnh đạo, độc quyền chính trị và nắm trong tay quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí của dân. Đảng cũng cấm dân không được tự do lập hội, lập đảng chính trị, hội họp và biểu tình chống bất công, đòi công bằng. Thậm chí quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của dân cũng bị kiểm soát theo chủ trương xin-cho. 

Tình trạng rệu rã trong các tổ chức đảng cũng đã đến mức báo động khiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải đưa ra quyết định xây dựng, chỉnh đốn đảng, đặt lên hàng đầu nhiệm vụ bảo vệ và kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm chật vật với nhiệm vụ quan trọng hàng đầu này, số đảng viên thờ ơ công tác đảng và tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống lãnh đạo vẫn còn nghiêm trọng, tinh vi.Tại vì tham nhũng ở Việt Nam ngày nay đã được coi là lẽ sống thường ngày của cán bộ, đảng viên, nhất là những kẻ có chức có quyền. Những kẻ tham nhũng đã được tổ chức thành từng nhóm, từng đoàn và được “bảo kê” từ trên xuống dưới liên kết chặt chẽ với nhau rất khó truy bắt, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã than phiền.

 Ngoài ra tình trạng cán bộ, đảng viên “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa”, thậm chí xa rời và phản bác chống kiên định và trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh cũng đang làm suy yếu đảng cầm quyền. 

Như vậy thông điệp “Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng, là khát vọng của dân tộc và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam vì độc lập của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân” không phải là chiếc bánh vẽ để lừa bịp dân hay sao? 

Do đó, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tuyên giáo đảng, hai cơ chế có nhiệm vụ tuyên truyền bảo vệ tư tưởng chính trị đảng đã cảnh giác các cấp phải lấy bài học sụp đổ của khối Liên Xô năm 1991 làm gương để bảo vệ quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của đảng. 

Chỉ có đảng CSVN, bắt đầu từ ông Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, mới cực đoan, bảo thủ và lạc hậu mới không thấy sự thành công của các nước láng giềng là khuôn vàng thước ngọc cho công tác xây dựng đất nước. 

Do đó, nếu thật lòng yêu nước, đảng CSVN hãy can đảm tổ chức trưng cầu ý dân xem trong số ngót 100 triệu dân có bao nhiêu phần trăm còn tín nhiệm đảng. 

Bằng chứng đảng CSVN bị lu mờ và càng ngày càng mất uy tín trong dân còn được thanh niên, thành phần kế thừa, những hạt giống đỏ của đảng, chứng minh bằng thái độ “nhạt đảng, khô đoàn” của mình. 

Hậu quả này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thừa nhận tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 11 nhiệm kỳ 2017-2022, ngày 11/12/2017. 

Ông Trọng nói: “Hiện vẫn còn một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thậm chí, một số ít thanh niên bị lôi kéo, có những việc làm đi ngược lại truyền thống của Đoàn, trái với mục tiêu của Đảng, của dân tộc.” 

Lý do họ đi ngược lại đảng vì đảng chỉ muốn biến thanh niên thành những bề tôi trung thành để bảo vệ vị trí cầm quyền của đảng. Bằng chứng, trong giáo dục, nếu không bắt buộc phải học để đủ điểm tốt nghiệp thì không sinh viên nào muốn học môn chính trị gồm lịch sử, đường lối của đảng và Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. 

Như vậy, liệu có ai còn khờ khạo tin rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, lãnh đạo nhân dân Việt Nam đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử, to lớn hơn nữa, để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, hay đảng này đang tàn lụi dần vì đã qúa già và chậm tiến?./.

No comments:

Post a Comment