Sau đây, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức với Vân Khanh & Vũ Đình.
1. DÙNG TIỀN CỦA DÂN ĐỂ ĐƯA RƯỚC CÁN BỘ TỪ BÌNH DƯƠNG, BÀ RỊA-VŨNG TÀU ĐẾN SÀI GÒN LÀM VIỆC
Từ ngày 1-7-2025, tuyến xe đưa đón công chức từ Bình
Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu đến làm việc tại trụ sở ủy ban Nhân dân thành phố (quận
1) – Sài Gòn chính thức hoạt động. Mỗi ngày có 6 chuyến đi – 6 chuyến về, do
hãng Phương Trang vận hành, với kinh phí khoảng 7,8 tỷ đồng trong 6 tháng đầu.
Đây là giải pháp tạm thời nhằm duy trì bộ máy sau khi sáp
nhập hành chính. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc sử dụng ngân sách để tài
trợ xe đưa rước cán bộ làm việc xa là lãng phí, đặc biệt trong bối cảnh ngân
sách công đang ngày càng eo hẹp.
Với quãng đường từ 40 đến 80 km, thời gian di chuyển gần
2 giờ mỗi lượt, công chức không thể bảo đảm hiệu quả công việc.
Chính sách này phản ánh tư duy quan liêu, kém cỏi trong
việc quản lý hành chính. Việc sáp nhập không những gây xáo trộn bộ máy hành
chính mà còn làm lãng phí ngân sách, gây bất tiện cho dân và được dự báo sẽ
phát sinh hàng loạt hệ lụy trong quản lý, giải quyết thủ tục mà nạn nhân chịu hậu
quả nặng nề nhất vẫn là người dân.
2. TẤN CÔNG LỚN CỦA NGA VÀO UKRAINE KHIẾN NATO PHẢN ỨNG,
PHI CÔNG "ANH HÙNG" THIỆT MẠNG
Nga đã thực hiện một đợt tấn công dữ dội bằng 537 hỏa tiễn và máy bay không người lái vào Ukraine, trong
đó có Tu-95 và MiG. Ukraine tuyên bố đánh chặn thành công 475 mục tiêu. Trong
lúc chống trả, một máy bay F-16 do phương Tây cung cấp bị bắn hạ, khiến Thượng
tá Maksym Ustimenko (sinh năm 1993) hy sinh sau khi tiêu diệt 7 mục tiêu trên
không. Anh được ca ngợi là "Anh hùng", đã cố điều khiển máy bay tránh
khu dân cư nhưng không kịp nhảy dù.
Tại thành phố Odesa, một drone Nga rơi vào nhà dân khiến
hai người thiệt mạng, ít nhất 17 người bị thương, trong đó có 3 trẻ em. Thành
phố Kremenchuk hứng chịu cuộc tấn công khốc liệt nhất từ đầu chiến tranh, với
các loại vũ khí như tên lửa hành trình Kh-101, Kinzhal siêu thanh và drone
Shahed khiến nhà máy lọc dầu cũ cháy lớn. Zaporizhzhia, Mykolaiv, Donetsk và
Lviv cũng bị tấn công, nhưng không có thương vong dân thường ở Lviv.
Trong bối cảnh này, Ba Lan và các nước NATO đã điều máy
bay chiến đấu và đặt hệ thống phòng thủ trong trạng thái sẵn sàng cao nhất để bảo
vệ không phận trước nguy cơ lan rộng xung đột. Động thái này được đưa ra sau
khi Ukraine tấn công sân bay Marinovka (Nga), phá hủy 2 và làm hỏng 2 máy bay
chiến đấu siêu thanh. Đây là một trong những đợt tấn công dữ dội nhất kể từ khi
chiến tranh bắt đầu năm 2022.
3. CUỘC ĐUA SINH TỬ GIÀNH LƯƠNG THỰC: NGƯỜI PALESTINE Ở
GAZA MẠO HIỂM MẠNG SỐNG MỖI NGÀY
Tại Gaza, người Palestine phải vượt qua một hành trình
nguy hiểm hàng ngày để tìm kiếm lương thực. Họ đối mặt với đạn pháo từ binh
lính Israel, vùng quân sự nguy hiểm, và cả cướp có vũ khí. Sự hỗn loạn, đói
nghèo và vô luật pháp đang gia tăng. Dù Israel bắt đầu cho phép thực phẩm vào
Gaza sau 10 tuần phong tỏa, lượng viện trợ vẫn rất ít và chủ yếu do GHF – nhà
thầu tư nhân do Israel hậu thuẫn – phân phối tại các điểm nằm trong vùng quân sự.
Người dân phải đi bộ hàng dặm, bò dưới làn đạn, chờ trung
tâm mở cửa và chạy thục mạng để giành thực phẩm. Một số bị bắn chết hoặc bị
thương; người lấy được đồ ăn thì phải đối phó với kẻ cướp. Một cậu bé 12 tuổi bị
đánh và cướp mất lương thực. Một ông già ôm túi đồ bị chém vào tay.
“Không ai thương xót ai. Mọi người đều phải tự lo cho
mình,” một người dân nói vậy. Trong khi đó, Israel phủ nhận nổ súng giết người,
nói chỉ bắn cảnh cáo. Liên Hợp Quốc và nhân chứng khẳng định hàng trăm người đã
thiệt mạng hoặc bị thương trong các vụ tấn công gần các trung tâm phát lương thực.
“Đây không phải viện trợ. Đây là sự sỉ nhục và cái chết,” một người cha Palestine nói trong tuyệt vọng.
No comments:
Post a Comment