Ngày mai, 3 tháng 6, 2025, dân chúng Nam Hàn sẽ đi bầu Tổng Thống. Tầm ảnh hưởng của cuộc bầu cử này sẽ ra sao và đặc biệt, người Việt chúng ta sẽ học hỏi được gì qua sự kiện này?
Để trả lời các câu hỏi này, kính mời quý thính giả cùng theo dõi bài Bình Luận tựa đề “Bầu Cử Nam Hàn – Tấm Gương Cho Người Việt” của ĐOÀN KHÔI, thành viên Ban Biên Tập Đài ĐLSN, sẽ do Miên Dương trinh bày sau đây ...
Cuộc bầu cử Tổng thống Nam Hàn vào ngày 3 tháng 6 năm 2025 là một biến cố chính trị quan trọng không chỉ đối với riêng xứ sở này, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình địa-chánh trị toàn vùng Đông Bắc Á. Cuộc bầu cử được tổ chức giữa nhiệm kỳ do biến cố Tổng thống Yoon Suk-yeol bị truất quyền sau khi Toà Hiến pháp xét thấy ông vi hiến trong ý định thiết quân luật hồi cuối năm 2024. Theo quy định trong Hiến pháp Đại Hàn Dân Quốc, Tổng thống là người đứng đầu quốc gia, được toàn dân bầu trực tiếp bằng một vòng phiếu duy nhất, nhiệm kỳ kéo dài năm năm và không được tái cử. Trong trường hợp Tổng thống bị cách chức, từ nhiệm, hay tử nạn, cuộc bầu cử thay thế phải được tổ chức trong vòng 60 ngày kể từ ngày ghế Tổng thống bị bỏ trống.
Cuộc bầu cử năm nay có sáu ứng viên, nhưng chỉ ba người nổi bật: Lee Jae-myung (Đảng Dân chủ), Kim Moon-soo (Đảng Quyền lực Quốc dân), và Lee Jun-seok (Đảng Cải cách Mới). Ông Lee Jae-myung, cựu Thống đốc Gyeonggi, theo đuổi chính sách dân túy, tăng phúc lợi và điều chỉnh phân phối thu nhập. Ông Kim Moon-soo, thuộc phe bảo thủ, chủ trương phát triển kinh tế thị trường và giữ lập trường cứng rắn với Bắc Hàn. Ông Lee Jun-seok, lãnh đạo trẻ, kêu gọi cải cách toàn diện và thu hút giới trẻ. Thăm dò cho thấy ông Lee Jae-myung dẫn đầu với 48–50% ủng hộ, theo sau là Kim Moon-soo với 35–37%, và Lee Jun-seok khoảng 9–10%. Tuy nhiên, tỷ lệ cử tri do dự vẫn cao, khiến kết quả khó lường. Sự hiện diện của Lee Jun-seok có thể làm phân tán phiếu cánh hữu, tạo lợi thế cho Lee Jae-myung. Nếu xu hướng này tiếp tục, ông Lee có nhiều khả năng đắc cử và thành lập chính phủ trung tả chú trọng an sinh, cải cách hành chính.
Về hậu quả, nếu ông Lee lên cầm quyền, chính sách đối nội sẽ thiên về tái phân phối thu nhập, nâng đỡ các tầng lớp thu nhập thấp và đẩy mạnh đối thoại với Bắc Hàn. Ngược lại, nếu ông Kim Moon-soo thắng thế, Nam Hàn sẽ tiếp tục chính sách kinh tế tăng trưởng hướng ngoại, củng cố liên minh với Hoa Kỳ và Nhật Bản, đồng thời giữ lập trường cứng rắn đối với mối đe doạ từ phương Bắc. Một chính phủ do ông Lee Jun-seok đứng đầu tuy khó xảy ra, nhưng nếu thành hình, sẽ là biểu tượng cho một bước ngoặt có tính cách lịch sử, phản ảnh khát vọng cải cách của thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả không nằm ở bản thân cuộc bầu cử, mà ở chỗ nó biểu lộ tinh thần dân chủ pháp trị đã bén rễ sâu trong đời sống chính trị Nam Hàn. Chỉ trong vòng 50 năm – kể từ khi còn là một quốc gia nghèo nàn sau cuộc chiến 1950–1953, Nam Hàn đã lột xác ngoạn mục nhờ nền dân chủ vững mạnh. Vào giữa thập niên 1970, lợi tức tính theo đầu người (GDP per capita) của Đại Hàn chỉ ở khoảng 300 Mỹ kim mỗi năm. Ngày nay, con số ấy đã vượt hơn 40,000 Mỹ kim. Đó không chỉ là thành quả kinh tế, mà là biểu tượng hùng hồn cho hiệu quả của một thể chế dân chủ, nơi mà chính quyền chịu trách nhiệm trước dân, và dân có quyền phế lập người lãnh đạo bằng lá phiếu.
Trái lại, cũng trong cùng khoảng thời gian 50 năm, Việt Nam – dưới sự lãnh đạo độc đảng toàn trị của Đảng Cộng sản – chỉ nâng được lợi tức bình quân đầu người từ khoảng 250 Mỹ kim (năm 1975) lên khoảng 8,000 Mỹ kim vào năm 2025 (tính theo sức mua tương đương – PPP). Nếu tính theo giá danh nghĩa, con số ấy chỉ là khoảng 4,300 Mỹ kim. Mặc dầu có tăng trưởng, song sự chênh lệch vẫn hết sức rõ rệt: Nam Hàn giàu gấp 5 lần so với Việt Nam nếu tính theo PPP, và gấp gần 10 lần nếu tính theo GDP. Điều ấy chứng minh rằng, không phải chỉ có công cuộc “đổi mới kinh tế” mới đủ, mà cần có cả “đổi mới chính trị”. Một quốc gia mà người dân không được quyền lựa chọn lãnh đạo, không được tự do ngôn luận, không được biểu tình hay thành lập hội đoàn độc lập, thì sẽ không thể nào vươn lên hàng ngũ các nước tiên tiến, cho dù có tăng trưởng GDP vài phần trăm mỗi năm.
Thể chế dân chủ – dù có những bất toàn – vẫn là phương thức hữu hiệu nhất để bảo vệ quyền làm người, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế một cách bền vững. Nhìn lại lịch sử Nam Hàn, có thể thấy rằng nền dân chủ nơi đây không tự nhiên mà có, mà là thành quả của nhiều phong trào tranh đấu, biểu tình, và cả hy sinh. Nhưng nhờ có nó, quốc gia này mới có thể vượt qua bao nhiêu sóng gió chính trị và trở thành một trong những nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Á ngày nay.
Trong khi đó, tại Việt Nam, người dân vẫn không có quyền bầu chọn Tổng bí thư, Chủ tịch nước, hay Thủ tướng. Quyền lực tối thượng nằm trong tay Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng – những cơ quan mà dân không có tiếng nói. Lá phiếu của người dân chỉ mang tính hình thức, không thể thay đổi được đường lối cai trị. Và chính vì vậy, cho đến hôm nay, sau nửa thế kỷ kể từ ngày thống nhất đất nước, Việt Nam vẫn chưa thể theo kịp những quốc gia từng nghèo hơn mình, như Nam Hàn.
Tóm lại, cuộc bầu cử Tổng thống Nam Hàn năm nay không chỉ là một biến cố chính trị đơn thuần. Nó là biểu tượng của một nền dân chủ đích thực, nơi mà người dân có quyền quyết định vận mệnh quốc gia. Và nó cũng là tấm gương sáng để người Việt Nam chiêm nghiệm: tự do chính trị không chỉ là lý tưởng, mà còn là điều kiện tiên quyết để đất nước thật sự phát triển và người dân thật sự được làm chủ vận mạng của mình./
No comments:
Post a Comment