Kính thưa quý thính giả, một nhạc sĩ tài hoa, sáng tác nhiều
nhạc phẩm trử tình và chinh chiến trước năm 1975, được nhiều người mến
mộ, về sau ông cũng nổi tiếng khi viết nhạc ngoại quốc lời Việt. Mặc dù
ông đã “ra đi”, nhưng những tác phẩm bất hủ do ông để lại, vẫn tồn tại
trong lòng giới mộ điệu mãi đến ngày hôm nay. Trong chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân” của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Việt Thái
Nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân tên thật là Trần Nhật Ngân, sinh năm 1942 tại Thanh Hóa, là con út trong gia đình có 6 người con. Thân phụ là công chức phải thuyên chuyển nhiều nơi, Nhật Ngân theo cha cư trú thời gian dài ở Huế và Đà Nẳng.
Vào cuối thập niên 1950, sau khi cha qua đời, Nhật Ngân cùng mẹ vào Sài Gòn sinh sống, học đàn Violon, Piano với giáo sư âm nhạc Đỗ Thế Phiệt và học nhạc với nhạc sĩ Nhật Bằng.
Sau khi học xong bậc trung học ở trường Trung học Võ Trường Toản, ông trở ra Đà Nẳng dạy nhạc và môn Việt văn tại trường Phan Thanh Giản. Nhờ vào khả năng thiên phú, Nhật Ngân đã hoàn thành ca khúc đầu tay khi vừa tròn 18 tuổi vào năm 1960. Đó là nhạc phẩm tình cảm nổi tiếng mang tên “Tôi Đưa Em Sang Sông”, đứng tên chung với Y Vũ. Bản nhạc này được phổ biến rộng rãi nhất trong 2 thập niên 60 và 70, được nhiều người ưa chuộng đến ngày nay.
Năm 1965, Nhật Ngân gia nhập vào Cục Tâm Lý Chiến, một năm sau được thuyên chuyển về Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, làm Trưởng ban Văn nghệ cho đến năm 1975.
Trong thời gian này ông viết nhiều ca khúc về lính, trong số có những bài quen thuộc như “Người Tình Và Quê Hương”, “Lính Xa Nhà”, “Mùa Xuân Của Mẹ”, “Xuân Này Con Không Về”, .v.v.
Ngoài những bản nhạc vừa nêu, các nhạc phẩm sau đây cũng được nhiều ca sĩ trình bày trên các đài phát thanh và đài truyền hình:
-Ngày Vui Qua Mau.
-Lời Ðắng Cho Một Cuộc Tình.
-Bài Hát Cho Người Kỷ Nữ.
-Ðêm Nay Ai Ðưa Em Về.
-Giã Từ Vũ Khí.
-Gặp Nhau Trên Phố.
-Hai Trái Tim Vàng.
-Qua Cơn Mê.
-Xin Chia Buồn.
-Mùa Xuân Của Mẹ.
-Người Tình Và Quê Hương.
-Anh Giải Phóng Tôi Hay Tôi Giải Phóng Anh?
-Ngày Ðá Ðơm Bông.
-Chiều Qua Phà Hậu Giang .v.v.
Về sau, nhạc sĩ Nhật Ngân đã viết thêm 2 ca khúc tiếp theo nhạc phẩm nổi tiếng Xuân Này Con Không Về, đó là:
Xuân Nào Con Sẽ Về.
Xuân Này Con Về Mẹ Ở Đâu?
Ngoài những ca khúc ký tên Nhật Ngân, ông còn một số sáng tác chung với nhạc sĩ Trần Trịnh, Và vì, cả 2 là bạn thân với Lâm Ðệ (con rể của chủ hãng dĩa Sóng Nhạc) nên đã lấy tên Trịnh Lâm Ngân. Trịnh Lâm Ngân còn là tên của một nhóm nhạc sĩ do ông sáng lập năm 1962, hoạt động đến năm 1975.
*****
Sau 1975, Trịnh Lâm Ngân bị kẹt lại Việt Nam, thỉnh thoảng ông cùng với một số anh em đồng cảnh đi trình diễn nhiều nơi. Thời gian này ông đã cho ra đời nhạc phẩm nổi tiếng, có tính cách châm biếm chế độ cộng sản, đó là ca khúc “Anh Giải Phóng Tôi Hay Tôi Giải Phóng Anh?” được nữ ca sĩ Ngọc Minh trình bày đầu tiên tại hải ngoại.
Ông rời Việt Nam vào năm 1982, bị kẹt ở trại tỵ nạn Sikiu, Thái Lan, mãi đến năm 1984, ông mới đến Hoa Kỳ. Ông được nữ ca sĩ Thanh Thúy bảo trợ về sống tại phía Bắc Hollywood, tiểu bang California. Thời gian sau, ông chuyển xuống Orange County ở cùng nhà với nghệ sĩ Nguyễn Long, trong khi chờ đoàn tụ với vợ con vào năm 1990.
Nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân từ trần ngày 21/1/2012 tại Nam Cali, hưởng thọ 70 tuổi.
Mặc dù ông đã yên nghỉ nơi cõi Vĩnh Hằng hơn 13 năm, nhưng tên tuổi ông vẫn sống mãi trong lòng giới mộ điệu. Kính chào vĩnh biệt Trịnh Lâm Ngân, một nhạc sĩ tài hoa của đất nước.
No comments:
Post a Comment