Friday, March 7, 2025

Tin Tức: Thứ Sáu 07.03.2025

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân & Bá Cơ trình bày sau đây.

1/ KHỐI ÂU CHÂU NÊU LÊN VI PHẠM NHÂN QUYỀN CỦA VN TRƯỚC LHQ

Đại diện các nước thành viên của khối Liên minh Âu châu vào hôm 3/3 đã nêu quan ngại sâu sắc trước tình trạng đàn áp nhân quyền ở Việt Nam tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc.

Đại sứ Lotte Knudsen, trưởng phái đoàn Âu châu tại Liên Hiệp Quốc, đã phát biểu tại phiên họp thứ 58 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva của Thuỵ Sĩ.  Bà cho biết là khối này quan ngại sâu sắc trước việc CSVN bắt giữ các nhà báo bảo vệ quyền con người và gây ảnh hưởng xấu đến quyền tự do bày tỏ ý kiến, lập hội và tôn giáo.

Bà Knudsen cũng nhắc lại lời kêu gọi Việt Nam tạm dừng thi hành án tử hình, tiến tới loại bỏ án tử hình, đồng thời kêu gọi Việt Nam thông qua công ước 87 về quyền tự do lập hội và bảo vệ quyền được tổ chức. Đây là công ước quan trọng góp phần tạo điều kiện cho người lao động có các nghiệp đoàn độc lập.

Hôm 4/2 vừa qua, 4 tổ chức nhân quyền quốc tế tại Âu châu và Hoa Kỳ đã nộp đơn khiếu nại lên bộ thương mại của Ủy ban Âu châu, tố cáo Việt Nam vi phạm các quyền của người lao động, bảo vệ môi trường, và quyền đất đai mà Hà Nội đã cam kết.

Đơn khiếu nại của các tổ chức này đã nêu ra khoảng 40 trường hợp các nhà vận động về quyền của người lao động, môi trường và quyền đất đai hiện đang bị giam cầm ở Việt Nam. Trong đó có các trường hợp của nhà báo Phạm Chí Dũng, nhà báo Phạm Đoan Trang, gia đình bà Cấn Thị Thêu và hai con trai.

Báo cáo mới đây của tổ chức Giám sát Nhân quyền cho thấy là hiện Việt Nam vẫn giam giữ ít nhất 170 nhà bất đồng chính kiến. Theo tổ chức này, dưới trướng bộ trưởng công an Tô Lâm, phe công an đã bỏ tù hàng chục nhà phê bình, tàn phá xã hội dân sự đang phát triển.Xu hướng này tiếp diễn vào năm 2025 nhắm vào các nhà báo, nhà hoạt động vì quyền lao động và những người bảo vệ nhân quyền, kể cả khi ông Tô Lâm lên nắm giữ vị trí quyền lực nhất của đảng CSVN vào tháng 8 năm ngoái.

https://www.rfa.org/vietnamese/trong-nuoc/2025/03/06/dai-su-eu-quan-ngai-tinh-hinh-nhan-quyen-viet-nam-tai-lien-hiep-quoc/

2/ VN GHI NHẬN MỨC THÂM THỦNG MẬU DỊCH VÀO THÁNG 2 VỪA QUA

Việt Nam ghi nhận mức thâm thủng thương mại hàng tháng hiếm hoi vào tháng 2 khi lượng hàng nhập cảng tăng vọt trong tháng, theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam vào hôm 6/3.

Tuy nhiên mức thặng dư với Hoa Kỳ vẫn tăng lên trong hai tháng đầu năm nay. VN lệ thuộc rất nhiều vào xuất cảng đang phải đối mặt với rủi ro từ các tranh chấp thương mại toàn cầu, bao gồm cả khả năng áp thuế từ Hoa Thịnh Đốn.

Theo số liệu mới được công bố vào hôm 6/3, trong tháng 2 vừa qua Việt Nam ghi nhận thâm thủng thương mại hơn 1 tỷ rưởi Mỹ kim, so với mức thặng dư 3 tỷ vào tháng Giêng. Đây là mức thâm thủng hàng tháng hiếm hoi, chỉ mới xảy ra lần thứ ba kể từ đầu năm 2023.

Là một trung tâm sản xuất quan trọng, cộng thêm việc lâu nay bị cáo buộc là trung tâm trung chuyển hàng hóa Trung Cộng sang Mỹ để né tránh thuế quan, Việt Nam hiện đang rất lo lắng về khả năng bị chính phủ Hoa Kỳ áp thuế trả đũa.

https://www.voatiengviet.com/a/8001114.html

3/ VN LÊN KẾ HOẠCH BỎ CẤP HUYỆN VÀ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP

Bộ chính trị CSVN đang có kế hoạch sáp nhập các tỉnh thành và xóa bỏ chính quyền cấp huyện trong bối cảnh chiến dịch tinh gọn bộ máy nhà nước được mở rộng. Theo kế hoạch tinh gọn,  bộ máy nhà nước của Việt Nam dự trù sẽ được cắt giảm xuống 22 bộ và cơ quan từ con số 33 hiện nay.

Việc sáp nhập các tỉnh của Việt Nam đã được lên kế hoạch vào năm nay nhằm mục đích “tinh giản bộ máy và nâng cao chất lượng, hiệu quả cũng như phân bổ hiệu quả các nguồn lực”. Để thực hiện việc tinh gọn và kết thúc hoạt động của cấp huyện cũng như mở rộng quy mô cấp xã, các văn bản quy phạm pháp luật cần phải được chỉnh sửa, trong đó có hiến pháp.

Ông Phạm Minh Chính yêu cầu hoàn thành đề án sáp nhập tỉnh để trình lên bộ chính trị trước ngày 9/3 và báo cáo lên các cơ quan cao nhất một đề án hoàn thiện trước ngày 7/4.Phát biểu tại cuộc họp hôm 5/3, ông Chính tuyên bố làđảng đã chỉ thị, nhà nước đã thống nhất, quốc hội đồng tình và nhân dân ủng hộ, không được bàn lùi.

Việt Nam hiện có 63 tỉnh và thành phố, trong đó có hơn 700 đơn vị hành chính cấp huyện cùng hơn 10 ngàn đơn vị hành chính cấp xã.

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-len-ke-hoach-sap-nhap-tinh-bo-cap-huyen-sua-doi-hien-phap/8001083.html

4/ NHẬT BẢN SẼ ĐẦU TƯ 20 TỶ MỸ KIM VÀO NĂNG LƯỢNG SẠCH CỦA VN

Nhật Bản vừa đồng ý đầu tư 20 tỷ Mỹ kim vào các dự án năng lượng carbon thấp tại Việt Nam, theo tiết lộ của giới báo chí Nhật vào hôm 5/3. Quyết định này diễn ra trong bối cảnh khu vực đang nỗ lực đạt được mục tiêu trung hòa carbon trong những thập niên tới.

Kế hoạch này được công bố tại cuộc họp giữa Thứ trưởng công thương Nguyễn Hoàng Long và đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki trong phiên họp tại Hà Nội vào ngày 5/3.Theo đó, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và các công ty tư nhân sẽ dẫn đầu các khoản đầu tư vào 14 dự án, bao gồm các nhà máy điện gió.

Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, là đối tác cung cấp vốn vay và hợp tác lao động lớn nhất. Nhật cũng nhà đầu tư lớn thứ ba, đối tác thương mại và du lịch lớn thứ tư của Việt Nam.

Nhật Bản đang có hơn 5 ngàn dự án đầu tư tại Việt Nam. Về vốn cho vay, cho tới nay Nhật Bản đã dành cho Việt Nam hơn 20 tỷ Mỹ kim vốn vay và gần 750 triệu Mỹ kim viện trợ không hoàn lại.

https://www.voatiengviet.com/a/8001202.html

No comments:

Post a Comment