Saturday, November 5, 2011

Việt Nam, Nhìn Về Tương Lai

Ngày 05.11.2011

Lê Anh xin kính chào quý thính giả. Linh mục Nguyễn Hữu Lễ là một gương mặt quen thuộc của đồng bào Việt Nam trong hơn 20 năm qua. Là một tu sĩ nặng tình với quê hương và dân tộc qua câu nói "trước khi làm linh mục tôi là một người Việt Nam". Với kinh nghiệm đau thương trong 13 năm tù dưới chế độ cộng sản, từ khi vượt biên ra hải ngoại và định cư tại New Zealand vào năm 1990, linh mục Nguyễn Hữu Lễ không ngừng tranh đấu cho nhân quyền, công lý và tự do cho Việt Nam.
Qua làn sóng của đài phát thanh Đáp Lời Sông Núi, linh mục Nguyễn Hữu Lễ muốn chia sẻ với quý thính giả cái nhìn về tương lai của dân tộc và kêu gọi sự tham gia tích cực tranh đấu cho một tương lai sáng lạn cho đất nước Việt Nam với lời kêu gọi "Hãy thắp lên một ngọn đèn còn hơn ngồi đó mả nguyền rủa bóng tối". Kính mời quý thính giả lắng nghe linh mục Nguyễn Hữu Lễ.
Kính thưa quý thính giả,
Qua chủ đề "Việt Nam, Nhìn Về Tương Lai" trong chương trình phát thanh của đài Đáp Lời Sông Núi, chúng tôi muốn chia sẻ với quý thính giả sự bâng khuâng thao thức trước hiện tình của quê hương và dân tộc Việt Nam. Và kính mời quý thính giả cùng nhau tìm ra một con đường sáng cho dân tộc phải đi, trong quyết tâm muốn xây đấp một tương lai tốt đẹp cho dân tộc dựa vào lời mời gọi 'Hãy thắp lên một ngọn đèn còn hơn ngồi đó mà nguyền rũa bóng tối'.
Kính thưa quý thính giả,
Chúng ta có thể so sáng sức sống của một dân tộc giống như thân thể một con người và các thể chế chính trị như chiếc áo mặc trên thân thể đó. Cũng như thân thể con người lớn lên theo thời gian và mỗi lứa tuổi cần có một chiếc áo mặc cho vừa tầm vừa khổ, thì dân tộc cũng vậy. Dân tộc pháp triển không ngừng, và mỗi giai đoạn lịch sử cần có một thể chế chính trị phù hợp với chiều kích phát triển của dân tộc. Phải khẳng định rằng triều đại nào rồi cũng phải sụp đổ, thể chế chính trị nào rồi cũng sẽ qua đi, chỉ có dân tộc là trường tồn. Đó là một quy luật của lịch sử. Chính vì thế mà các khẩu hiệu nhố nhăng như chủ nghĩa này hoặc chủ nghĩa nọ đời đời bền vững chẳng qua là sản phẩm hoang tưởng của những kẻ ngông cuồng, của bọn người loạn trí.
Quy luật về sự thay đổi của các thể chế chính trị đã được chứng minh qua dòng lịch sử của nhân loại. Chỉ trong vòng 20 năm qua đã có nhiều trường hợp thay ngôi đổi chủ khi mà dân tộc Nga và các dân tộc Đông Âu đã vùng lên cởi bỏ chiếc áo chật chội của chế độ độc tài đảng trị mang nhãn hiệu chủ nghĩa cộng sản để thay thế bằng thể chế dân chủ phù hợp với trào lưu tiến hóa của nhân loại. Trong vòng một năm qua với hiện tượng được gọi là 'Mùa Xuân Ả Rập' khi mà người dân các nước Tunisia, Ai Cập và Lybia đã vùng lên lật đổ chế độ độc tài gia đình trị và họ đã thành công, một vài dân tộc khác cũng đang nối bước như Syria và Yemen. "Mùa Xuân Ả Rập" giống như một cơn dịch đang hoành hành và lây lang và chắc chắn sẽ còn nhiều cảnh thay ngôi đổi chủ trong các nước đang sống trong chế độ độc tài.
Trong mấy ngày qua thế giới đã được chứng kiến hình ảnh ghê tởm của 2 thây ma đầy máu me của cha con nhà độc tài Gadaffi sau khi cai trị suốt 42 năm đã bị người dân Lybia vùng lên giết chết và đặt dưới đất cho dân chúng vào xem và nguyền rủa. Đây chính là tiếng chuông cảnh báo một cách hùng hồn cho những tên độc tài, bạo chúa còn sót lại trên thế giới. Các dân tộc Tunisia, Ai Cập và Lybia đã phải sống nhiều năm trong vùng bóng tối bao trùm nhưng họ không chỉ ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối, ngược lại họ đã can đảm thắp lên một ngọn đèn. Và cuối cùng nhiều ngọn đèn đã kết tụ thành vùng ánh sáng cho tương lai đất nước của họ. Điều đáng ghi nhận là sự vùng lên của các dân tộc quyết tâm cởi bỏ ách nô lệ đã được sự hỗ trợ của cộng đồng các nước yêu chuộng tự do trên thế giới.
Kính thưa quý thính giả,
Xem người lại nghĩ đến ta. Dân tộc Việt Nam, một dân tộc bất hạnh đang bị bóng tối của chế độ độc tài đảng trị bao trùm. Các đảng viên, các viên chức chính quyền và lực lượng công an cấu kết nhau thành một lũ hung thần với quyền sanh sát trong tay khiến người dân khiếp sợ nên đành phải cúi đầu cam tâm chịu đựng và chờ cơ hội. Trong khi đó thì đồng bào tại hải ngoại cũng không được yên thân, nhiều lần tôi được nghe các Việt kiều về thăm quê hương đã kể lại cảnh xếp hàng chờ đợi trình giấy tờ ở phi trường Tân Sơn Nhất. Lúc đó họ phải rụt rè khép nép trước bọn công an quan thuế với bộ mặt hầm hầm đang ngồi đàng sau những chiếc bàn có bệ trắng thật cao, cao tới cổ. Có Trời và đảng mới biết những gì xảy ra phía sau những bệ trắng quái dị đó. Các Việt kiều muốn được yên thân khi qua cái ải quan thuế thì phải kẹp đô la vào giấy thông hành, càng nhiều đô la thì qua ải càng dễ dàng hơn. Rất nhiều người sau khi về thăm Việt Nam đã nguyền rủa loại bóng tối này ở phi trường Tân Sơn Nhất. Nhưng nguyền rủa thì nguyền rủa mà kẹp đô la vào giấy thông hành thì vẫn phải kẹp vì hiện tượng này đã trở thành một thông lệ. Sở dĩ thông lệ này còn tồn tại dài dài vì trong số những người đã từng lớn tiếng nguyền rủa bóng tối đó không biết được có mấy người có được ý nghĩ này: phải làm thế nào để diệt cho bằng được cái cảnh nhố nhăng đáng nguyền rủa đó.
Kính thưa quý thính giả, với hiện trạng như thế chúng ta ước mong có nhiều người thật sự trăn trở, suy nghĩ tích cực về tương lai của dân tộc. Dân tộc này không cần những con người chỉ biết ngồi đó mà than van khóc lóc và nguyền rủa những tệ nạn bất công, tham nhũng, thối nát, bốc lột, áp bức đầy nhan nhãn trong cái xã hội độc tài đảng trị tại Việt Nam, mà có nguyền rủa cả đời cũng không hết. Nhưng đã đến lúc mỗi người phải tự hỏi cá nhân mình và cả dân tộc này phải làm một hành động gì cụ thể để cái bóng tối đáng nguyền rủa đó không còn tồn tại trên quê hương.
Đã đến lúc mỗi người hãy thắp lên một ngọn đèn còn hơn ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối.
Xin chào tạm biệt quý thính giả và xin hẹn gặp lại trong buổi phát thanh kỳ tới.

No comments:

Post a Comment