Tuesday, October 3, 2023

Kinh tế thị trường ‘đứt đuôi?

Bình Luận

Đảng CSVN tưởng rằng sau khi gạt được nhân dân Việt Nam thấp cổ bé miệng, họ có thể lường gạt cả quốc tế với chiêu bài kinh tế thị trường nhưng đứt đuôi xã hội chủ nghĩa. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân với tựa đề: “Kinh tế thị trường ‘đứt đuôi? sẽ được Nguyên Khải trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.

Hiếu Chân

Trong cuộc gặp giữa ông Joe Biden, tổng thống Mỹ, với ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, tại Hà Nội hôm 10 Tháng Chín, người quan sát bất ngờ khi nghe ông Trọng yêu cầu Mỹ “công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường,” khác với ngôn từ xưa nay là Việt Nam theo đường lối “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.”

Ông Biden không trả lời, nhưng trong vài ngày qua, ông Phạm Minh Chính, thủ tướng, trong chuyến công du bận rộn ở Hoa Kỳ, đã liên tục nhắc lại “yêu cầu Mỹ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường,” cũng không nhắc tới cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa.” Thế là thế nào?

Kinh tế thị trường mọc đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” là cái gì, có gì khác với kinh tế thị trường tự do (không có đuôi) và tại sao các nhà lãnh đạo Cộng Sản ở Hà Nội cứ nằng nặc đòi Hoa Kỳ, Liên Âu (EU) và nhiều nước khác phải công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường (không có đuôi)?

Đảng Cộng Sản quan niệm, kinh tế kế hoạch hóa tập trung là “hạ tầng cơ sở” của chủ nghĩa xã hội vì nó triệt tiêu quyền sở hữu tư nhân, xóa bỏ điều kiện hình thành chế độ “người bóc lột người” như Karl Marx đã nói. Chủ nghĩa xã hội chưa thấy bóng đâu mà cả nước đã đói vàng mắt, kiệt quệ tận cùng vì mô hình kinh tế ngu xuẩn và phản động nói trên. Ai có mặt ở Việt Nam trong thập niên 1980-1990 hẳn chưa quên những ngày tháng đói rách thảm thương đó.

Sự sụp đổ của khối cộng sản Liên Xô và Đông Âu những năm 1989-1990 làm Việt Nam mất đi nguồn viện trợ hết sức cần thiết; đảng Cộng Sản phải xoay xở để tránh nỗi bất mãn của dân chúng, phải thực hiện “đổi mới,” “mở cửa” để vực dậy nền kinh tế.

Năm 1986, Việt Nam sửa luật, chính thức thừa nhận kinh tế tư nhân, thực hiện khoán ruộng đất cho nông dân và cho phép các xí nghiệp tư nhân nhỏ ở các thành phố được hoạt động, lúc đầu dưới hình thức “công-tư hợp doanh.” Một nền kinh tế thị trường – có phần giống kinh tế miền Nam trước năm 1975 – bắt đầu vận hành và nhờ đó Việt Nam nhanh chóng chuyển từ đói ăn thành nước xuất cảng gạo.

Tuy vậy, đảng Cộng Sản chưa bao giờ từ bỏ ảo tưởng áp đặt cái gọi là chủ nghĩa xã hội lên đất nước Việt Nam cho nên khi chuyển sang kinh tế thị trường, đảng đã thòng thêm cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa,” tạo thành một thứ quái thai hồn Trương Ba da hàng thịt.

Mớ chữ nghĩa rối rắm đó chỉ nhằm che giấu một chủ trương phản tiến hóa: tiếp tục duy trì quyền sở hữu và sự kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế. “Định hướng xã hội chủ nghĩa” cho phép đảng Cộng Sản tiếp tục tước bỏ quyền sở hữu ruộng đất của nông dân, trợ cấp bằng nhiều hình thức cho các tập đoàn kinh tế nhà nước và chèn ép kinh tế tư nhân.

Cũng giống như Điều 4 bản Hiến Pháp Việt Nam khẳng định quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng Cộng Sản đối với đất nước, “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” khẳng định quyền kiểm soát của đảng đối với nền kinh tế với doanh nghiệp nhà nước là “chủ đạo.” Khối doanh nghiệp nhà nước khổng lồ này là bầu sữa, là cỗ máy ATM cung cấp tiền của hối lộ cho quan chức các cấp của đảng đổi lấy các ưu đãi về chính sách.

Đừng ảo tưởng rằng, Việt Nam đã tham gia tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO), đã ký kết nhiều hiệp định thương mại với các nước thì mặc nhiên Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường. Mới đây, trong cuộc gặp “đại diện Việt kiều Mỹ” ở San Francisco, California, hôm 17 Tháng Chín, ông Phạm Minh Chính vẫn huênh hoang khoe mẽ: “Việt Nam là nước có nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.”

Cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” như vậy mang lại lợi lộc vô cùng lớn cho đảng cầm quyền và quan chức các cấp nhưng lại là một chướng ngại cho Việt Nam trên thị trường quốc tế. Do chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường, Việt Nam thường bị các nước mua hàng áp đặt các loại thuế chống bán phá giá. Hoa Kỳ, nước nhập cảng nhiều hàng hóa Việt Nam nhất, thỉnh thoảng lại quyết định điều tra chống trợ cấp, chống bán phá giá và đánh thuế cao lên một số mặt hàng nhập cảng từ Việt Nam. Mỗi khi có sản phẩm Việt Nam bị nghi ngờ được nhà nước trợ giá, hoặc là hàng Trung Quốc núp bóng để né thuế, Bộ Thương Mại Mỹ lại tổ chức điều tra, so sánh sản phẩm đó với mặt hàng cùng loại ở một nước có nền kinh tế thị trường tự do, từ đó xác định mức trợ cấp và áp thuế cao để bù lại.

Ngoài ra, cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam cũng làm cho các nước khác phải đề phòng và doanh nghiệp Việt Nam bị hạn chế quyền tiếp cận thị trường của họ. Nguyên nhân không có gì khó hiểu, Hoa Kỳ và các quốc gia tư bản khác không chấp nhận để các công ty – hầu hết là tư nhân – của mình phải cạnh tranh không sòng phẳng với các công ty được các nhà nước độc tài chống lưng và kiểm soát. Định hướng gì thì định, nhưng kinh doanh thì phải minh bạch, công bằng, cùng cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng (equal playing field) thì mới có thể hợp tác bền lâu được.

Dường như đã bắt đầu thấm thía mối hại mà cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” gây ra cho nền kinh tế, mấy năm gần đây các nhà lãnh đạo Việt Nam khi tiếp lãnh đạo các nước tư bản thường khẩn khoản yêu cầu họ công nhận “Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường,” bỏ qua cái thực tế “có đuôi” của nền kinh tế đang hiện hữu tại Việt Nam.

Thay vì thực tâm cải cách nền kinh tế theo thị trường tự do để hòa nhập với thế giới, vẫn khư khư bám lấy cái quái thai “định hướng xã hội chủ nghĩa” để trục lợi, chính phủ Việt Nam lại đòi các đối tác thương mại phải công nhận cái mà họ biết rõ là không có thực. Lối ứng xử quái đản đó làm cho Hà Nội khó mà có được lòng tin của các đối tác, nhất là Hoa Kỳ, thị trường nhập cảng lớn nhất của Việt Nam, cho dù quan hệ giữa hai bên vừa được nâng lên hàng “đối tác chiến lược toàn diện” đi nữa. 

 

No comments:

Post a Comment