Chỉ có bọn quan lại ngu dốt mà láo xược đẻ ra những luật lệ bất hợp lý, rối ren để dễ bề tham nhũng là thủ phạm chính cho tình trạng bế tắc đi đến giai đoạn nguy hiểm khi đóng cửa các nhà thương công hiện nay tại VN.
Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gởi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “Vì dân, do dân là vậy sao?” của Đỗ Duy Ngọc sẽ được Ngọc Sương trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Đỗ Duy Ngọc.Theo các báo, Bệnh viện Chợ Rẫy có thể tạm ngưng hoạt động và có nguy cơ đóng cửa. Bệnh viện hiện gặp nhiều khó khăn trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, máy móc hư hỏng không thể sửa chữa buộc phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác.
Bệnh viện Chợ Rẫy được xây dựng và hoạt động từ năm 1900 và từ 1971 đến tháng 6/1974, Bệnh viện Chợ Rẫy được tái xây dựng do chính phủ Nhật Bản tài trợ trên diện tích 53 ngàn m2, với tòa nhà 11 tầng, trở thành một trong những bệnh viện lớn nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ.
Theo báo cáo của BV, số người bệnh nội trú trung bình một ngày là 2.544 người, người bệnh ngoại trú khám bệnh trung bình 3.500 người một ngày. Giờ đây, BV có nguy cơ đóng cửa, số bịnh nhân khổng lồ đó sẽ đi về đâu. Được biết, lý do từ chuyện đấu thầu và những quy định, cơ chế bất hợp lý nên BV không đủ hóa chất để xác định chẩn đoán và không đủ vật tư y tế tiêu hao để điều trị cho người bệnh nếu tiếp tục chờ báo giá.
Nếu BV ngưng hoạt động hay đóng cửa, các BV công khác trên cả nước cũng có nguy cơ đóng cửa đồng loạt vì cũng chịu những quy chế như thế. Nền y tế Việt Nam rồi sẽ đi về đâu? Hàng trăm ngàn bịnh nhân hàng ngày đành chờ chết hay sao? Những người lãnh đạo Bộ Y tế cũng như chính phủ phải chịu trách nhiệm chuyện này. Phải nhanh chóng, cấp bách có biện pháp sớm nhất để cứu dân. Viện Pasteur và các phòng xét nghiệm của nhà nước lâu nay cũng đã đóng cửa, người dân đành chấp nhận vào BV tư để xét nghiệm, chấp nhận giá cao. Giờ lại đến các bệnh viện.
Nếu các quan chức y tế không đủ khả năng để lãnh đạo và điều hành, đề nghị các vị từ chức ngay đi để người dân được sống. Ngay từ những năm tháng chiến tranh và khó khăn về kinh tế cũng không bao giờ có hiện tượng này. Thuốc men, máy móc, sinh phẩm y tế không thiếu. Các công ty dược phẩm, hoá chất y tế đổ xô vào thị trường Việt Nam, không thể gọi là không có hàng cung cấp được. Chẳng qua lâm vào bế tắc này là do những người đang điều hành, do những chính sách bất hợp lý. Bác sĩ không có thuốc men, BV không có hoá chất, sinh phẩm cũng như người lính ra trận mà không có vũ khí. Họ sẽ chiến đấu bằng cái gì?
Không thể để các BV đóng cửa, cũng như không thể để người dân phải chết vì bịnh mà không được chữa. Các người còn có lương tâm không? Các người còn có trách nhiệm không? Hay đồng tiền đã che mất rồi. Lương tâm đã bị chó tha mất rồi? Chỉ tội cho người dân nghèo, è cổ đóng thuế mà không được hưởng một chút gì của an sinh xã hội, lâm bịnh cũng không có BV để chữa trị. Vì dân, do dân là vậy sao?
No comments:
Post a Comment