Mở đầu chương trình mời quý vị theo dõi phần Tin Tức với Phụng Hoàng & Trường An.
1/ HÀNG TRĂM TÀU CÁ BỊ KẸT Ở TRƯỜNG SA, CẠN KIỆT NƯỚC VÀ THỰC PHẨM
Hơn 500 ngư dân của 151 tàu cá Việt đang bị kẹt tại đảo Đá Lát thuộc quần đảo Trường Sa suốt một tháng qua và đang cầu cứu vì không còn nước uống và thực phẩm.
Báo chí lề đảng vào hôm 28/2 cho biết tin trên, với ông Đoàn Anh Dũng, chủ tịch tỉnh Bình Thuận đã ký văn bản hỏa tốc gởi đến Ủy ban Ứng phó Thiên tai và Cứu nạn Vùng 4, nội dung yêu cầu hải quân tìm cách hỗ trợ thực phẩm và nước ngọt cho các ngư dân này.
Theo báo chí thì 524 người trên 151 tàu thuộc huyện đảo Phú Quý xuất bến đi khai thác hải sản từ ngày 2/2 đến ngày 12/2. Lương thực và nước uống được chuẩn bị cho 17 đến 20 ngày.
Tuy nhiên trong thời gian gần đây, do thời tiết ở khu vực Trường Sa có gió mạnh, sóng cao, nên các tàu này đã trú bão tại Đảo Đá Lát, không thể khai thác hải sản và cũng không thể về lại Phú Quý. Nhiều con tàu hiện đã cạn kiệt nguồn lương thực, thực phẩm, nước ngọt dự trữ.
Khu vực đảo Phú Quý cách quần đảo Trường Sa khoảng 540 cây số. Dự báo thời tiết cho thấy vùng biển này sẽ tiếp tục có gió mạnh từ 62 đến 88 cây số giờ và sóng cao đến 5 thước.
Bộ tư lệnh vùng 4 hải quân là đơn vị phụ trách bảo vệ quần đảo Trường Sa, đảo Phú Qúy và vùng ven biển miền trung và nam của Việt Nam. Bộ tư lệnh cho biết mỗi thuyền của ngư dân sẽ nhận được 15 ký gạo và 60 lít nước ngọt.
2/ HOA KỲ VÀ THÁI LAN MỞ CUỘC TẬP TRẬN QUY MÔ COBRA GOLD
Vào hôm qua, thứ Ba 28/2, Hoa Kỳ và Thái Lan đã bắt đầu cuộc tập trận thường niên có tên Cobra Gold (Hổ Mang Vàng) với quy mô lớn so với hai năm bị hạn chế bởi dịch Vũ Hán.
Cuộc tập trận Cobra Gold năm nay sẽ diễn ra đến ngày 10/3, với khoảng 10 ngàn binh sĩ đến từ 30 nước, nhưng VN chỉ tham dự với vai trò quan sát viên.
Phát biểu nhân lễ khai mạc cuộc tập trận, Đô đốc John Aquilino, chỉ huy bộ tư lệnh Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, tuyên bố là cuộc tập trận này nhằm thể hiện quyết tâm ứng phó để bảo đảm sự tự do và cởi mở trong khu vực. Theo Đô đốc Aquilino, chính nhờ thao diễn chung trong cuộc tập trận này mà Hoa Kỳ và Thái Lan đã phản ứng rất tốt trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và một số thảm họa khác.
Được công nhận là cuộc thao diễn quân sự quốc tế lớn nhất ở Đông Nam Á, cuộc tập trận Hổ Mang Vàng năm nay huy động hơn 6 ngàn binh sĩ Mỹ, trong đó có gần 4 ngàn binh sĩ bộ binh và 3000 binh sĩ Thái Lan. Đối với Mỹ, đây là một lực lượng hùng hậu nhất được huy động trong một thập niên qua.
Bên cạnh hai thành phần chủ lực kể trên, hàng trăm binh sĩ đến từ các nước Indonesia, Mã Lai, Singapore, Nhật Bản và Nam Hàn cũng tham gia các cuộc tâp trận chính. Ngoài ra còn có các nước như Bangladesh, Canada, Fiji, Pháp, Mông Cổ và Tân Tây Lan sẽ tham gia cuộc thảo luận về kế hoạch tác chiến quốc gia. Riêng Trung Cộng, Ấn Độ và Úc sẽ tham gia cứu trợ nhân đạo.
Tính chất hùng hậu của cuộc tập trận Hổ Mang Vàng năm nay trái ngược hoàn toàn với quy mô thu nhỏ trong hai năm 2021 và 2022. Năm ngoái chẳng hạn, Cobra Gold chỉ huy động khoảng 3 ngàn rưởi binh sĩ đến từ 7 quốc gia, với nhiều hoạt động bị hạn chế, bị hủy bỏ hoặc chỉ được thực hiện qua mạng.
3/ MỸ - NHẬT – ÚC SẼ THAM GIA CUỘC TUẦN TRA VỚI PHI Ở BIỂN ĐÔNG
Philippines đang đàm phán để có thể đưa Úc và Nhật vào kế hoạch tuần tra chung trên Biển Đông cùng với Hoa Kỳ, theo tiết lộ của một quan chức ngoại giao vào hôm thứ Hai 27/2.
Đại sứ Phi tại Hoa Kỳ, ông Jose Romualdez, cho biết là các cuộc họp đã được ấn định và có thể mời nước Úc và Nhật tham gia cuộc thảo luận này. Ông cho biết là các nước này muốn tham gia tuần tra chung để bảo đảm có quy tắc ứng xử và tự do hàng hải.
Nếu kế hoạch này trở thành hiện thực, đây sẽ là lần đầu tiên nước Phi tham gia các cuộc tuần tra hàng hải đa phương trên Biển Đông, một hành động có thể sẽ khiến Trung Cộng tức giận.
Bộ ngoại giao Úc và các tòa đại sứ Hoa Kỳ, Trung Cộng tại Manila không trả lời yêu cầu bình luận về tin trên. Tuy nhiên theo tòa đại sứ Nhật Bản thì nước Nhật sẽ khám phá khả năng hợp tác với các nước để tăng cường nhận thức về hàng hải và thực thi pháp luật, nhưng chưa có đàm phán nào về các cuộc tuần tra chung.
Các cuộc đàm phán về tuần tra với Hoa Kỳ đều nhấn mạnh mức độ mà Tổng thống Phi Ferdinand Marcos Jr. muốn tổ chức lại mối quan hệ với đồng minh của mình, loại bỏ cách tiếp cận thù địch của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte trong khi vẫn theo đuổi sự can dự kinh tế chặt chẽ với cường quốc khu vực là Trung Cộng.
Úc và Hoa Kỳ đã thảo luận riêng về các cuộc tuần tra chung với Phi, trong lúc có những lo ngại về sự hung hăng của Trung Cộng ở Biển Đông, một hải lộ quan trọng với hơn 3 ngàn tỷ Mỹ kim mỗi năm.
4/ HOA KỲ TUYÊN BỐ TRUNG CỘNG NÊN THÀNH THẬT VỀ NGUỒN GỐC CỦA DỊCH VŨ HÁN
Trong tuyên bố của mình, đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Cộng kêu gọi nước này nên “thành thật hơn” về nguồn gốc gây ra đại dịch Vũ Hán trên toàn cầu.
Ông này đưa ra bình luận trên một ngày sau khi giới truyền thông Mỹ loan tin là bộ năng lượng liên bang Mỹ đã xác định đại dịch Vũ Hán có nhiều khả năng bắt nguồn từ một rò rỉ phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán. Bộ năng lượng nói thêm là đã kết luận “với độ xác tín thấp” là đại dịch này bị tình cờ rò rỉ ra ngoài.
Bộ ngoại giao Trung Cộng đáp trả là nguồn gốc của dịch Vũ Hán là “chuyện khoa học và không nên bị chính trị hóa”.
Các cơ quan khác của Mỹ đã đưa ra các kết luận khác nhau, với độ xác tín khác nhau về kết quả điều tra của họ. Điển hình là cơ quan FBI năm 2021 kết luận là đại dịch Vũ Hán bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Các nghiên cứu khác gợi ý rằng siêu vi này đã có bước nhảy từ động vật sang người tại chợ hải sản và động vật hoang dã ở Vũ Hán.
Một nghiên cứu do một quan chức gián điệp cấp cao của Mỹ tung ra vào năm 2021 nói rằng 4 cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã đánh giá với “độ xác tín thấp” là dịch Vũ Hán đã bắt nguồn từ một loài động vật.
Tuy nhiên phát ngôn nhân bộ ngoại giao Trung Cộng, Mao Ninh, một lần nữa bác bỏ giả thuyết siêu vi này bắt nguồn từ phòng thí nghiệm. Bà Mao Ninh kêu gọi các nhà điều tra Mỹ ngưng bôi nhọ Trung Cộng và ngừng việc chính trị hóa việc tìm kiếm nguồn gốc của dịch Vũ Hán.
No comments:
Post a Comment