Thursday, March 2, 2023

Tin Tức, Thứ Năm 02.03.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân & Miên Dương trình bày sau đây.

1/ BỊ BẠO QUYỀN VN ĐÀN ÁP, MỘT TÍN ĐỒ TIN LÀNH PHẢI BỎ XỨ RA ĐI

Một phụ nữ tàn tật ở tỉnh Nghệ An đã bị bạo quyền VN đàn áp và bôi nhọ đến mức không thể sống nổi, phải tìm đường chạy trốn sang Thái để xin tỵ nạn.

Chị Lầu Y Tòng, một người sắc tộc H’Mong, 36 tuổi, quê ở huyện Kỳ Sơn, với sức khỏe yếu đuối, hai chân gần như bị liệt, không thể đi lại như người thường. Chồng chị đi lao động ở nước ngoài, mọi sinh hoạt trong nhà đều phải nhờ vào hai đứa con phụ giúp.

Vốn không nói lưu loát tiếng Kinh nhưng chị Tòng vẫn cố gắng cho biết là mình tin Chúa, nhưng chỉ cầu nguyện trong nhà mà thôi, không đi nhà thờ hay thờ cúng gì hết. Nhưng sau khi tin vào Chúa, chị được một mục sư gửi tặng một quyển kinh thánh và đây là nguyên nhân đàn áp của nhà cầm quyền huyện Kỳ Sơn.

Một vị mục sư mà chị Tòng không muốn nêu danh tính, sau khi biết được hoàn cảnh của chị Tòng đã đồng ý viết một bức thư gởi cho nhà cầm quyền huyện Kỳ Sơn. Bức thư xác nhận chị Tòng là tín đồ sinh hoạt với Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, tổng hội miền Bắc. Đây là tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước Việt Nam cho phép hoạt động. Tuy nhiên, điều này cũng không giúp chị Tòng ít bị đàn áp hơn.

Không chỉ đe doạ, bạo quyền địa phương còn cho phát loa trong làng mỗi ngày, cáo buộc chị Tòng theo đạo Tin Lành là vi phạm pháp luật. Bị gia đình bỏ rơi, bạo quyền đàn áp và xã hội xa lánh, chị Tòng nói chị không còn con đường nào khác đành phải bỏ xứ ra đi, chạy sang Thái Lan lánh nạn.

Hiện nay cuộc sống của chị Tòng cũng rất khó khăn, vẫn chưa dám ra ngoài vì sợ cảnh sát Thái phát giác. 

Chị Lầu Y Tòng không phải là trường hợp người sắc tộc theo đạo Tin Lành hiếm hoi phải trốn chạy sang Thái Lan chỉ vì theo đạo Tin Lành. Anh Johnny Huy, hiện đang tị nạn tại Thái Lan cũng là một trường hợp như vậy. Anh Huy kể, em họ của anh bị đánh chết trong đồn công an ở tỉnh Đắc Lắc vào năm 2017. Bạo quyền lúc đó không những không điều tra làm rõ mà còn đe doạ, sách nhiễu và ngăn cản gia đình tìm công lý cho em trai.

2/ NHIỀU TỔ CHỨC XÃ HỘI DÂN SỰ KÊU GỌI QUỐC HỘI ÂU CHÂU TĂNG THÊM ÁP LỰC NHÂN QUYỀN VỚI VN

Nhiều tổ chức xã hội dân sự lên tiếng kêu gọi quốc hội Âu châu gây sức ép mạnh hơn lên bạo quyền VN về vấn đề nhân quyền và quyền lợi của công nhân.

Lời kêu gọi được đưa ra trong cuộc hội thảo ở Brussels - Bỉ vào ngày 28/2, dưới sự chủ toạ của nghị sĩ Marianne Vind, phó chủ tịch ủy ban đặc trách quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á của nghị viện Âu châu.

Trong cuộc hội thảo được tổ chức hơn hai năm sau khi Liên minh Âu châu và Việt Nam phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA), các tổ chức như hội Bảo vệ Người Lao động Việt Nam, Phóng viên Không Biên giới, và Uỷ ban Thụy sĩ –Việt Nam (Cosunam) đã lên tiếng báo động về tình trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ ở Việt Nam.

Các diễn giả đã tập trung phân tích về vi phạm của nhà nước độc đảng ở Việt Nam trong các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, và quyền của người lao động. Trong hội thảo, một diễn giả tham gia trực tuyến từ trong nước cho biết là ông cùng nhiều nhà hoạt động nhân quyền khác ở VN từng có hy vọng cùng với các lợi ích về kinh tế là các giá trị nhân quyền của Âu châu. Tuy nhiên ông thừa nhận rằng hy vọng này không xảy ra và tình hình nhân quyền xấu đi trong hai năm qua, với việc đàn áp gia tăng về quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.

Đại diện của tổ chức Phóng viên Không biên giới, bà Julie Majerczak, cho biết tự do báo chí ở Việt Nam suy giảm hai năm sau khi hiệp định được phê chuẩn, VN xếp thứ 174 trong tổng số 180 quốc gia tham gia khảo sát về tự do báo chí năm 2022, và trở thành nhà tù lớn thứ tư thế giới đối với các nhà báo sau Bắc Hàn, Miến Điện và Trung Cộng.

Bà cũng nêu trường hợp bắt giữ và kết án nhà báo Phạm Đoan Trang, với bản án chín năm tù giam về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.”

3/ ÔNG VÕ VĂN THƯỞNG ĐƯỢC NẮM GHẾ CHỦ TỊCH NƯỚC

Ông Võ Văn Thưởng 52 tuổi, người nắm ghế thường trực ban bí thư CSVN, đã được quốc hội bù nhìn bấm nút thông qua để trao ghế chủ tịch nước, thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc vừa bị đảng CSVN ép buộc phải từ nhiệm vào tháng Giêng năm nay.

Theo thủ tục, sau khi được ban Chấp hành Trung ương bầu chọn, ông Thưởng vẫn phải được quốc hội phê chuẩn chính thức trong một phiên họp bất thường dự định diễn ra vào hôm nay, thứ Năm 2/3. Hiện tại quyền Chủ tịch nước do bà Võ Thị Ánh Xuân, phó chủ tịch nước đảm nhận.

Cần biết là ngay trước khi có tin về quyết định nhân sự mới của đảng CSVN, các tin đồn trong nhiều ngày qua đã xác nhận là ông Thưởng sẽ là chủ tịch nước sau khi Bộ trưởng công an Tô Lâm xin rút lui.

Ông Võ Văn Thưởng bắt đầu sự nghiệp từ đoàn Thanh niên Cộng sản, sau đó được đề bạt là bí thư đoàn. 

4/ HƠN NỬA TRIỆU CÔNG NHÂN VN BỊ CẮT GIẢM GIỜ LÀM

Gần 550 ngàn công nhân bị cắt giảm giờ làm trong vòng 5 tháng qua, do đơn hàng bị cắt hoặc giảm đi, theo một báo cáo mới được công bố của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Báo cáo cho biết đây là số công nhân của 1300 công ty tại 50 tỉnh thành trên cả nước đã bị giảm giờ làm. Trong số này, hơn 491 ngàn người đã bị giảm giờ làm, bị sa thải tạm thời hoặc bị hoãn hợp đồng lao động.

Đa số những công nhân bị ảnh hưởng, chiếm khoảng 75% , là từ các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong lãnh vực dệt may, da giày và chế biến gỗ ở các tỉnh phía nam, bao gồm Sài Gòn, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương và An Giang.

Báo cáo cho biết thêm là 36 công ty ở 16 tỉnh thành đang thiếu nợ đến 74 tỷ đồng tiền lương của gần 6 ngàn công nhân và đến nay mới chỉ có 486 công nhân được chi trả. 

Tình hình việc làm trên toàn cầu vào năm 2023 sẽ bị cắt giảm bởi tình trạng tăng trưởng kinh tế yếu đi, lãi suất tăng và lạm phát. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố vào tháng 10 năm ngoái của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, VN được dự báo có tỷ lệ thất nghiệp 2.3% trong năm 2023.

5/ HAI XE LỬA ĐÂM NHAU Ở HY LẠP, ÍT NHẤT 36 NGƯỜI CHẾT

Một thảm kịch hỏa xa vừa xảy ra ở Hy Lạp khi một đoàn tàu chở khách húc thẳng vào một đoàn tàu chở hàng vào tối thứ Ba 28/2, khiến ít nhất 36 người chết và 85 người khác bị thương.

Một giới chức Hy Lạp cho biết 66 người trong số những người bị thương đã phải nhập viện, 6 người trong số đó đang được chăm sóc đặc biệt. Vụ va chạm xảy ra khi đoàn tàu chở khách chạy ra khỏi đường hầm. Các toa tàu bị trật bánh, hư hỏng nặng với cửa sổ bị vỡ và khói dày đặc, có thể được nhìn thấy tại hiện trường, nơi lực lượng cấp cứu đang tìm kiếm các nạn nhân.

Khoảng 250 hành khách trong tổng số 350 hành khách đã được di tản đến thành phố Thessaloniki trên các chuyến xe buýt. Hai đoàn tàu đều chạy trên cùng một đường ray khi đâm vào nhau.

Giới công tố viện và cảnh sát đang tiến hành điều tra nguyên nhân gây ra vụ tai nạn. Công ty Hellenic Train trong một tuyên bố bày tỏ sự đau buồn sâu sắc về vụ tai nạn thương tâm.

Truyền thông địa phương cho biết đoàn tàu khách rời thủ đô Athens vào khoảng 7 giờ rưởi, giờ địa phương. Đoàn tàu chở hàng khởi hành từ thành phố Thessaloniki đến thành phố Larissa.

No comments:

Post a Comment