Thứ Bảy, ngày 03.01.2015
Sách sử Việt ghi nhận, Tiến sĩ Ngô
Thời Nhiệm là một người trí thức lỗi lạc, có những cống hiến rất lớn cho
dân tộc về chính trị, quân sự, ngoại giao và văn học. Trong khoảng thời
gian "sống gửi" của mình, ông đã có 18 năm làm một vị quan thanh liêm,
chính trực, khẳng khái, đa tài thời kỳ Lê – Trịnh, sau đó là 15 năm đi
theo triều đình Tây Sơn, mà đặc biệt nhất là 5 năm làm quân sư bên cạnh
vị anh hùng Nguyễn Huệ đánh tan quân Thanh xâm lược. Trong tiết mục
"Danh nhân nước Việt" tối nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài
"Tiến sĩ Ngô Thời Nhiệm" của Việt Thái qua giọng đọc của Hoài Phương và
Nam Hương để chấm dứt chương trình tối hôm nay.
"Hằng tâm hà sa,
Vãng lai vũ trụ.
Bất đàn bất tử,
Tầm thường li tụ".
Đó là 16 chữ vàng khắc trên bia đá thờ Tiến sĩ Ngô Thời Nhiệm và phu
nhân. Theo nhà thơ Trần Lê Văn thì bốn câu thơ này khắc lên để hai ông
bà cùng gối đầu nơi cõi vĩnh hằng.
Ngô Thời Nhiệm sinh ngày 25/10/1746, tự là Hy Doãn, hiệu là Đạt Hiên,
xuất thân gia đình vọng tộc chốn Bắc Hà, là con của ông Ngô Thì Sĩ,
người làng Tả Thanh Oai, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Thuở nhỏ, ông thông minh, học giỏi, thi đỗ giải nguyên năm 1768, đỗ
tiến sĩ năm 1775. Sau khi đỗ đạt, ông được bổ làm quan ở bộ Hộ dưới
triều Lê - Trịnh, được chúa Trịnh Sâm quý mến. Năm 1778, làm Đốc đồng
hai trấn Kinh Bắc và Thái Nguyên. Trong khi đó, cha ông cũng là Đốc đồng
ở trấn Lạng Sơn.
Năm 1788, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai để "cầu hiền"
nơi giới quan lại của triều Lê. Trước đó thì các danh sĩ Bắc Hà đầu quân
cho nhà Tây Sơn chỉ có Trần Văn Kỷ, Ngô Văn Sở và Đặng Tiến Đông. Nhưng
tới thời điểm Bắc Bình Vương ra Bắc lần thứ hai thì cả vua Lê lẫn chúa
Trịnh đều bị lật đổ hay bỏ chạy. Ngô Thời Nhiệm và một số thân sĩ Bắc Hà
khác như Phan Huy Ích, Bùi Dương Lịch, các tiến sĩ như Ninh Tốn, Nguyễn
Thế Lịch, Nguyễn Bá Lan, Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy Tấn, Nguyễn Huy
Lượng... lần lượt ra làm quan cho nhà Tây Sơn.
Sử viết rằng, khi được Ngô Thời Nhiệm về đầu quân, Nguyễn Huệ vui
mừng nói rằng: "Thật là trời để dành ông cho ta vậy", và lập tức phong
cho ông chức Tả thị lang bộ Lại, sau đó lại thăng làm Thượng thư bộ Lại.
Cuối năm Mậu Thân (1788), sau khi vua Lê Chiêu Thống sang Tàu cầu
viện, nhà Thanh đưa 29 vạn quân sang chiếm Đại Việt, dưới chiêu bài phò
Lê diệt Tây Sơn. Ngô Thời Nhiệm khuyên Đại đô đốc Ngô Văn Sở lui binh về
giữ phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn (Ninh Bình). Khi vua Quang Trung -
Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc, Ngài đã khen ngợi mưu kế và chiến lược này
của Ngô Thời Nhiệm, giúp cho quân Tây Sơn đại thắng quân Thanh vào mùa
Xuân Kỷ Dậu 1789. Đồng thời ra lệnh cho Ngô Thời Nhiệm soạn thảo thư cầu
hòa ngay sau khi đánh bại giặc Thanh xâm lược.
Năm 1790, vua Quang Trung giao cho Ngô Thời Nhiệm giữ chức Binh bộ
thượng thư. Tuy làm ở bộ binh, nhưng chính ông là người chủ trì về các
chính sách và giao dịch ngoại giao với Trung Hoa. Ông là một trong những
người đứng đầu sứ bộ ngoại giao sang Trung Hoa thời đó.
Sau khi vua Quang Trung mất, vì không còn được triều đình Tây Sơn tín nhiệm, ông quay về nghiên cứu Phật học.
Sau khi Gia Long tiêu diệt nhà Tây Sơn, Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích,
Nguyễn Thế Lịch và một số quan viên triều Tây Sơn bị đánh bằng roi tại
Văn Miếu năm 1803.
Trước khi cho quân đánh ông, Đặng Trần Thường, một người bạn học
trước đây nhưng không cùng chí hướng, đã kiêu hãnh ra câu đối cho ông:
Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai.
Ngô Thời Nhiệm khẳng khái đáp trả:
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế.
Đặng Trần Thường bắt ông phải sửa lại như câu nói "thế thời phải thế"
thành câu "thế đành theo thế". Ngô Thời Nhiệm không trả lời. Đặng Trần
Thường tức giận sai người dùng roi tẩm thuốc độc đánh ông. Sau trận đòn,
ông bị thuốc độc ngấm vào tạng phủ, biết mình không qua khỏi, trước khi
qua đời ông có làm bài thơ gửi tặng Đặng Trần Thường như sau:
Ai tai Đặng Trần Thường,
Chân như yến xử đường.
Vị Ương cung cố sự,
Diệc nhĩ thị thu trường.
Nghĩa là: Thương thay Đặng Trần Thường. Nay quyền thế, nhưng khác chi
chim yến làm tổ trong nhà sắp cháy, rồi sẽ khốn đến nơi. Giống như Hàn
Tín giúp Hán Cao tổ, về sau bị Cao tổ giết ở cung Vị Ương. Kết cuộc,
ngươi rồi cũng như thế đó.
Quả nhiên về sau, bài thơ ứng nghiệm, Đặng Trần Thường bị vua Gia Long xử tử.
Ngô Thời Nhiệm mất năm 1803, hưởng dương 58 tuổi. Ông để lại một di
sản văn chương đồ sộ với hơn 600 bài thơ và 15 tác phẩm lớn. Tên tuổi
của ông đã đi vào lịch sử nước Việt, với nhiều con đường và trường học ở
các tỉnh thành mang tên Ngô Thời Nhiệm.
Trong lời mở đầu bài viết, tác giả có dùng từ "sống gửi". Đây là ý
niệm bàng bạc trong các thơ văn của đại quan Ngô Thời Nhiệm, người đã
nắm vững tinh thần Phật giáo là cuộc đời con người chỉ là một chuyến
hành hương dài để về nơi vĩnh hằng sau khi chết. Đối với một người nắm
vững ý nghĩa nhân sinh như cụ Ngô Thời Nhiệm thì trăm năm nơi cõi trần
thế cũng là một lần "ở trọ cõi tạm".
Nhưng nhắc đến Ngô Thời Nhiệm thì hậu thế hay nhắc đến câu đối "gặp
thời thế, thế thời phải thế" đầy khẳng khái của ông trước một Đặng Trần
Thường đắc chí vì mộng công hầu khanh tướng. Dù triều đình Tây Sơn đã
thất bại trong cuộc chiến giành quyền thống trị đất nước, nhưng ít nhất
thì vị quân sư Ngô Thời Nhiệm đã đóng góp công sức rất lớn trong việc
đại phá quân Thanh xâm lược và dập tan dã tâm mang quân sang trả thù của
vua Càn Long. Hơn thế nữa là ông may mắn gặp được một vị minh quân biết
chiêu hiền đãi sĩ, biết tận dụng tài năng của ông.
Chỉ với hai điểm son đó thì quãng đời "sống gửi" của Ngô Thời Nhiệm
đã không còn là cõi tạm mà chính là niềm ao ước của các thế hệ kẻ sĩ hôm
nay và mai sau, đặc biệt là trong tình thế điêu linh hiện nay của dân
tộc Việt.
Việt Thái
No comments:
Post a Comment