Thứ Năm, ngày 02.01.2014
Đảng CSVN, trong truyền thống Đệ
Tam Quốc Tế, là một đảng cai trị bằng bạo lực và nòng súng. Trong thế kỷ
21, ngay sau khi Việt Nam được trở thành thành viên Hội Đồng Nhân Quyền
Liên Hiệp Quốc, đảng đã trở mặt ngang nhiên cho phép công an cướp đi
mạng sống người dân bằng những luật lệ bất minh, không khác thời đại
Lê-Nin, Stalin hoặc Mao Trạch Đông sinh tiền. Mời quý thính giả nghe
phần Bình Luận của Nguyễn Việt Chiến với tựa đề: "CÔNG KHAI GIẾT NGƯỜI
KHI NGỒI GHẾ NHÂN QUYỀN" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương
trình phát thanh tối hôm nay.
Trong dư luận hiện đang xôn xao một Nghị Định mà thủ tướng CSVN
Nguyễn Tấn Dũng vừa ký và có hiệu lực thi hành vào ngày 1 tháng 2 năm
2014, đó là Nghị định chính phủ mang số 208, với nội dung cho phép nhân
viên công vụ được nổ súng vào người dân khi bị bất tuân sự lệnh, tấn
công hay kháng cự, v.v...
Nhưng điều đáng nói ở đây là ông thủ tướng CSVN theo đề nghị của bộ
trưởng công an, đã trao quyền quá lớn cho lực lượng này được phép tước
đoạt quyền sống của một ai đó khi có hành vi chống đối người thi hành
công vụ, nhưng không nêu rõ trong hoàn cảnh nào, mức độ đe dọa nguy hại
tới đâu, người thi hành công vụ giải trình ra sao và chịu trách nhiệm gì
sau vụ việc.
Nội dung nghị định 208 điều 3 phần giải thích từ ngữ, ở khoản 2 được
ghi như sau: "Hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ
lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của
người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành
công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao, hoặc ép buộc người thi hành công
vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao".
Như vậy hành vi chống người thi hành công vụ được hiểu là ngay cả khi
một ai đó đe dọa dùng vũ lực, chứ chưa có hành động tấn công trực tiếp,
thì người thi hành công vụ đã có quyền nổ súng. Một điểm khác nữa là
người nào không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ
hoặc có hành vi khác nhằm cản trở ép buộc người thi hành công vụ không
thực hiện nhiệm vụ được giao thì được coi là chống người thi hành công
vụ, và như vậy việc nổ súng có thể xẩy ra mà không hề xét đến mức độ
nguy hại trực tiếp của hành vi. Hai điểm vừa nêu ở trên làm cho mọi
người nhớ lại thời gian sau ngày 30 tháng 4 đen tối năm 1975, khi những
trại tù cải tạo được dựng lên để giam nhốt sĩ quan, quân, cán chính Việt
Nam Cộng Hòa dưới sự quản lý điều hành của ủy ban quân quản, nơi mà ở
đó những cái chết của những người tù cải tạo đã được dàn dựng theo cách
này. Khi cai ngục muốn giết một ai đó cách công khai mà không qua xét xử
hay phải chịu trách nhiệm, thì thường cai ngục gọi người tù mà họ muốn
xử tử đi theo họ đến một nơi vắng vẻ, sau đó nói với nạn nhân là vào bụi
tre hái măng cho họ chẳng hạn, và trong lúc người tù đang lui cui để
hái măng cho cán bộ thì ngoài này bộ đội chỉ việc nhắm vào họ mà bắn.
Sau khi thủ tiêu người tù xong, những cán binh cộng sản này chỉ cần báo
cáo là người tù không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của cán bộ trại giam
và có ý định bỏ trốn thế là xong. Hay một hình thức tử hình khác không
qua xét xử trong thời gian này khi tù nhân vượt ngục nhưng chẳng may bị
bắt trở lại. Cán bộ trại giam sẽ yêu cầu người tù diễn lại cách thức
vượt ngục leo qua hàng rào dây kẽm gai nhà tù như thế nào? Khi người tù
thực hiện lại những động tác trên thì cai ngục nổ súng bắn chết họ ngay
trên hàng rào dây kẽm gai đó, rồi báo cáo cấp trên rằng những người này
tổ chức vượt ngục và bị bắn chết. Dẫn chứng những vụ việc trên trong quá
khứ, để thấy rằng CSVN muốn quay lại thời cai trị bạo lực cách mạng thể
hiện quyền uy tuyệt đối và uy hiếp quần chúng qua họng súng. Với nghị
định này thì hầu như chắc chắn những vụ đàn áp, chống biểu tình đông
người của nhà nước CSVN sẽ được hợp pháp hóa, và các hành vi giết người
của công an đều sẽ được quy kết là do chống người thi hành công vụ.
Trong bối cảnh thực trạng xã hội của Việt Nam hiện nay, đang chất
chứa những xung đột mâu thuẫn lợi ích trong các tầng lớp xã hội, giữa kẻ
giầu và người nghèo, giữa kẻ cai trị và người bị trị, luật pháp thì vô
minh, và niềm tin của người dân bị sụp đổ vì sự lừa dối của cộng sản.
Chính vì vậy mà sự phản kháng của người dân ngày càng lan rộng, khi âm ỉ
lúc bùng phát mạnh mẽ. Ý thức được nguy cơ chống đối của người dân sẽ
dâng cao trong một tương lai gần, CSVN hầu như dựa hẳn vào lực lượng
công an, mật vụ hòng cứu vãn chế độ rệu rã, bằng cách dùng tiền thuế của
dân chi cấp hào phóng cho lực lượng này, thăng cấp hàm tướng tá một
cách vội vã, và xử dụng lực lượng này cho những mục đích bảo vệ quyền
lợi của các nhóm lợi ích của đảng. Những dự án công trình thu lợi hàng
trăm, hàng tỷ dollar mà vấp phải sự chống đối của người dân, thì lập tức
đảng sẽ phái công an mật vụ đến để cướp cho bằng được. Công an, mật vụ
và các lực lượng vệ binh của ngành này đang ngày càng trở nên kiêu binh
hơn bao giờ hết. Việc người dân bị chết dưới bàn tay công an không còn
là chuyện lạ ở Việt Nam, và hiện tượng này ngày càng trở nên trầm trọng.
Vì thế việc nghị định 208 ra đời càng gây thêm hoang mang lo sợ trong
dân chúng.
Tục ngữ có câu: "Cái áo không làm nên thầy tu", ngày 12 tháng 11 vừa
qua, CSVN được bầu làm thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc
và sẽ phán xử các nước khác về Nhân Quyền trong tương lai, nhưng chính
họ lại đang chà đạp nhân quyền mà nghị định 208 hợp pháp hóa hành vi
giết người của công an là một ví dụ điển hình.
Nguyễn Việt Chiến.
27/12/2013.
No comments:
Post a Comment