Sunday, December 2, 2012

TUYÊN NGÔN NHÂN QUYỀN ASEAN Một Bước Thụt Lùi Tệ Hại về Nhân Quyền

Chủ nhật ngày 02.12.2012     
Tuy thiên niên kỷ mới khởi đầu cho sự diệt vong bất khả vãn hồi của các chế độ độc tài và những đế quốc tội ác trên thế giới, nhưng các đế quốc tội ác không vì thế xuôi tay bỏ cuộc dễ dàng. CSVN và một vài chế độ tội ác khác đã liên kết đưa ra cái gọi là Tuyên Ngôn Nhân Quyền ASEAN nhằm giới hạn tầm ảnh hưởng của ban Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của GS Nguyễn Thanh Trang với tựa đề: "TUYÊN NGÔN NHÂN QUYỀN ASEAN: Một Bước Thụt Lùi Tệ Hại về Nhân Quyền" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Tuyên Ngôn Nhân Quyền ASEAN đã được Hội Nghị thượng đỉnh các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) công bố ngày 18-11-2012 tại Nam Vang, thủ đô Cam Bốt. ASEAN là một liên minh gồm có Thái Lan, Mã Lai, Singapore, Phi Luật Tân, Nam Dương, Brunei, Miến Điện, Lào, Cam Bốt và Việt Nam.

Tuyên Ngôn ASEAN khẳng định tôn trọng mọi nhân quyền căn bản như đã được đề cao trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (Universal Declaration of Huamn Rights) của Liên Hiệp Quốc (LHQ), nhưng tiếc thay, trên thực tế đó chỉ là những lời hoa mỹ của những người chủ mưu đưa ra văn kiện đó để làm lá bùa cho các nhà cầm quyền độc tài và cộng sản trong khối ASEAN có quyền tiếp tục đàn áp dân chúng và chà đạp nhân quyền.
Thật vậy, ngay sau khi Tuyên Ngôn ASEAN được công bố, bà Navi Pillay, Chủ Tịch Ủy Hội Nhân Quyền LHQ đã lên tiếng kêu gọi ASEAN hãy đình hoãn việc thi hành Tuyên Ngôn nầy để tu chính lại, vì theo bà, nó có quá nhiều lỗ hổng (loop holes) và không theo đúng tinh thần bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của LHQ. Hàng trăm tổ chức nhân quyền khắp nơi, trong đó có các tổ chức nhân quyền tại các quốc gia hội viên ASEAN và nhiều tổ chức nổi tiếng thế giới như Amnesty International, Human Rights Watch, International Commission of Jurists, International Federation of Human Rights, Committee to Protect Journalists, v.v. đều đồng loạt chỉ trích bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền ASEAN.
Họ cho rằng Tuyên Ngôn Nhân Quyền ASEAN chỉ làm suy yếu chứ không giúp gia tăng hiệu năng bảo vệ nhân quyền theo chuẩn mực của LHQ. Trong bản lên tiếng chung của 55 tổ chức nhân quyền quốc tế công bố ngày 19-11-2012, có đoạn viết: "Đó là một văn kiện tuyên xưng quyền hạn của chính phủ được ngụy trang dưới hình thức một tuyên ngôn nhân quyền" (The document is a declaration of government powers disguised as a declaration of human rights).
Sau đây chúng ta thử tìm hiểu tại sao lại có những nghịch lý ấy?
Từ ngày bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của LHQ ra đời năm 1948, những quyền làm người phổ quát đã được các quốc gia thành viên LHQ công nhận và đề cao. Theo đó, mọi người khắp nơi, không phân biệt nam nữ, màu da, tôn giáo, chủng tộc và thể chế chính trị, ai cũng có những nhân quyền căn bản giống nhau, như tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do đi lại, tự do nghiệp đoàn, tự do sinh hoạt đảng phái, tự do bầu cử, v.v...
Trong "Lời Mở Đầu", Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã đưa ra những khuyến cáo quan trọng sau đây : (1) Sự tôn trọng nhân phẩm và quyền bình đẵng của mọi người trong đại gia đình nhân loại là nền tảng của Tự Do, Công Lý và Hòa Bình thế giới; (2) Sự chà đạp nhân quyền đã đưa đến chiến tranh tàn khốc và dã man. Ước vọng cao cả nhất của mọi người là được sống trong an lạc và tự do; (3) Mọi quốc gia phải thiết lập các chế độ pháp trị để bảo vệ nhân quyền, giúp dân chúng không bao giờ bị dồn vào thế cùng để đến nỗi phải đứng lên chống lại đàn áp, bạo quyền; và (4) Mọi quốc gia đều có chung một quan niệm về Tự Do, Nhân Quyền có tính cách phổ quát là điều tối quan trọng.
Tuyên Ngôn Nhân Quyền ASEAN ra đời là vì có một số quốc gia thành viên ASEAN như Miến Điện, Lào, Thái Lan, Singapore, Cam Bốt và Việt Nam vẫn thường bị thế giới lên án chà đạp nhân quyền. Hơn 20 năm trước, ASEAN đã từng đưa ra Tuyên Ngôn Bangkok với chủ trương nhân quyền đặc thù Á Châu dựa vào quan niệm dị biệt văn hóa và hoàn cảnh địa dư để yêu sách thế giới không có quyền can thiệp vào vấn đề nhân quyền của các nước trong khối ASEAN. Nhưng Tuyên Ngôn đó đã bị Hội Nghị Nhân Quyền Thế Giới do LHQ tổ chức tại Vienna năm 1993 bác bỏ. Năm nay, nhân dịp Hội Nghị thượng đỉnh ASEAN được tổ chức tại thủ đô Nam Vang mà Cam Bốt là đương kim Chủ Tịch ASEAN, và vì Cam Bốt và Việt Nam đều có những hồ sơ vi phạm nhân quyền tồi tệ, từng bị thế giới thường xuyên lên án, nên người ta nghi ngờ rằng hai nước nầy đã đồng lõa đề xướng và thuyết phục các thành viên khác thông qua Tuyên Ngôn ASEAN.
Tuyên Ngôn Nhân Quyền ASEAN hoàn toàn không có những điều khoản bảo vệ sự an toàn cá nhân như đã được đề cao trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (TNQT). Thật vậy, theo LHQ, ai cũng có quyền được sống tự do và an toàn thân thể (Điều 3-TNQT), không ai có thể bị tra tấn hay bị những hình phạt hoặc đối xử tàn ác, vô nhân đạo, làm hạ thấp nhân phẩm (Điều 5-TNQT), không ai có thể bị bắt giữ, giam cầm hay lưu đày một cách độc đoán (Điều 9-TNQT), và ai cũng có quyền, trên căn bản hoàn toàn bình đẵng, được một tòa án độc lập và vô tư xét xử một cách công khai và công bằng về những tội trạng mà mình bị cáo buộc (Điều 10-TNQT).
Không những thế, Tuyên Ngôn Nhân Quyền ASEAN còn giới hạn một số nhân quyền quan trọng viện dẫn lý do hoàn cảnh địa phương và quốc gia có những đặc thù chính trị, kinh tế, luật pháp, xã hội, văn hóa, lịch sử và tôn giáo (Điều 7-Tuyên Ngôn ASEAN). Thêm vào đó, việc thực thi nhân quyền còn bị lệ thuộc vào những hạn chế do luật pháp quốc gia ấn định vì nhu cầu an ninh quốc gia, trật tự xã hội, y tế cộng đồng và an sinh của dân chúng (Điều 8-Tuyên Ngôn ASEAN).
Tóm lại, Tuyên Ngôn ASEAN đã đưa ra một thông điệp sai lầm nghiêm trọng về lý tưởng Nhân Quyền. Văn kiện nầy đã được đưa ra như một bùa phép để biện minh cho các nhà cầm quyền độc tài tha hồ tiếp tục đàn áp, khủng bố và bỏ tù những người bất đồng chính kiến hoặc đòi hỏi tự do, dân chủ và công bằng xã hội, các dân oan khiếu kiện, các nhà báo tự do, các bloggers độc lập, v.v... Vì vậy, chúng ta có thể quả quyết rằng Nhân Quyền là khắc tinh của tất cả các chế độ độc tài, cộng sản và sự ra đòi của Tuyên Ngôn Nhân Quyền ASEAN là một bước thụt lùi về Nhân Quyền rất nguy hại cho các dân tộc trong Hiệp Hội các nước Đông Nam Á.
Nguyễn Thanh Trang

No comments:

Post a Comment