Wednesday, November 2, 2011

PHÁP LUẬT VÀ LÀM LUẬT

Ngày 02.11.2011

HS: Tệ nạn tham nhũng đang bào mòn cả xã hội VN trong khi cả đảng cộng sản VN cứ ra rả hô hào chống quốc nạn này từ năm này sang tháng khác, với những báo cáo hay phúc trình mà không ai có thể tin nổi. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận dưới đây của Lê Phục Văn, nói về tình trạng vô thiên vô pháp trong xã hội VN hôm nay, qua sự trình bày của anh Song Thập.
Vào tuần qua, chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gửi một báo cáo đến quốc hội, nội dung cho biết về tình hình chống tham nhũng trong năm qua. Theo đó thì con số vụ tham nhũng đã giảm so với những năm trước, kể cả về số lượng quan chức và mức độ vi phạm nghiêm trọng. Thậm chí là tỉnh Hà Nam không hề có một vụ truy tố tham nhũng nào suốt một năm qua.

Điều buồn cười là báo cáo lại kết luận rằng, tệ nạn tham nhũng vẫn chưa được đẩy lùi, và hầu hết các vụ tham nhũng đều do báo chí và người dân phanh phui, chứ không phải là do các cơ quan hay đảng bộ phát giác ra. Có nghĩa là đảng và nhà nước đã lập ra hàng trăm ban bệ để chống tham nhũng, gây hao tốn cho ngân quỹ mà chẳng mang lại hiệu quả nào cả.
Điều buồn cười hơn nữa là con số vụ tham nhũng bị truy tố suốt năm ngoái chỉ vào khoảng 500, từ vụ lớn đến vụ nhỏ. Và chỉ có 3 vụ là có người đi tù, 14 người bị cách chức và những người còn lại thì chỉ bị cảnh cáo và khiển trách.
Nếu như vậy thì Tổ chức Minh bạch Thế giới cần phải xem lại thứ bậc của VN trong bảng tham nhũng. Lý do là chỉ có vài người làm bậy như vậy mà nói rằng tệ nạn tham nhũng ở VN trở thành một quốc nạn thì quả là bất công. Ngay cả nước Mỹ giàu mạnh mỗi năm cũng có hàng trăm quan chức đi tù vì tham nhũng hay lạm quyền, nhưng vẫn cứ được điểm thấp trong bảng xếp hạng, thì rõ ràng là VN đã bị chèn ép một cách quá đáng. Hay là tổ chức này cũng làm ăn ẩu tả như những cơ quan phòng chống tham nhũng của đảng?
Chắc chắn là không phải như thế. Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, uy tín là vấn đề sống còn của mọi công ty hay tổ chức kinh doanh. Càng có uy tín chừng nào thì càng thu về nhiều lợi nhuận, nhất là các dịch vụ cố vấn tài chánh hay đầu tư. Bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Thế giới là một trong những thước đo nhằm tính toán độ rủi ro và các khoản phải chi thêm khi đầu tư ở các quốc gia. Càng có chỉ số tham nhũng thấp thì có nghĩa là các công ty đầu tư vào nước đó có thể yên tâm làm ăn, mà không cần dành ra các ngân khoản để hối lộ hay đút lót cho giới cầm quyền.
Thế nhưng đối với nhiều công ty khác thì việc đưa tiền dưới gầm bàn lại giúp cho họ dễ thắng thầu hơn. Điển hình là vụ công ty Securency của Úc hối lộ cho ông thống đốc ngân hàng Lê Đức Thúy đê thắng hợp đồng in tiền nhựa cho VN vào mấy năm trước. Dĩ nhiên đây là một kiểu cạnh tranh kinh doanh vô cùng bất chánh. Chính vì thế mà nhiều nước văn minh đã đưa ra những điều luật có nội dung trừng phạt rất nặng lối làm ăn mờ ám đó.
Nhưng các nước đó muốn cấm thì cứ cấm. Ở VN thì bất cứ người dân nào cũng biết là quốc hội có đưa ra một trăm đạo luật tương tự thì thủ tục đầu tiên vẫn là "tiền đâu?". Tệ hơn thế nữa là càng có luật thì mức chung chi lại càng cao hơn. Chẳng hạn như giới tài xế biết rõ là, chẳng thà nhét vào tay công an một trăm ngàn đồng, còn hơn là bị chúng giữ xe và hăm he sẽ phạt đúng theo luật là cả triệu đồng vì chở gỗ lậu. Tiếng lóng mà giới cảnh sát giao thông ám chỉ cho các vụ trả giá về tiền mãi lộ là "làm luật".
Chính vì thế, quốc hội VN cứ tha hồ tranh cãi và thông qua các đạo luật, riêng giới công an, tòa án và các bộ sở sẽ có những cách thức "làm luật" của riêng họ. Đại đa số người dân cũng chẳng biết là những luật lệ đó là đúng hay sai, nhưng cứ bấm bụng chi tiền cho được việc và yên thân. Thế nhưng nếu có biết luật thì cũng chẳng kiện cáo được gì cả, điển hình là vụ đệ đơn kiện đài Phát thanh và Truyên hình VN của một số trí thức ở Hà Nội vì bị bôi nhọ danh dự, nhưng bị tòa án của quận Đống Đa bác đơn với lập luận y hệt như các lời cãi chầy cãi cối của giới quan chức đài này.
Có nghĩa là "phủ bênh phủ, huyện bênh huyện". Với cung cách hành xử như thế thì người ta chẳng thấy lạ lùng gì khi các đảng viên phạm pháp chỉ bị cảnh cáo hay khiển trách. Cái chế độ đó là như thế. Đảng đứng trên luật pháp và hiến pháp, nên đảng viên có quyền yên tâm sách nhiễu người dân, và có thể hạ cánh an toàn nhờ tấm thẻ đảng.
Một guồng máy cai trị mà từ trên xuống dưới đều hành xử theo luật rừng thì tệ nạn tham nhũng chưa bị đẩy lùi là chuyện đương nhiên. Nhưng cái bi thảm nhất là nó cũng đẩy cả xã hội vào tình huống "mạnh được yếu thua", chỉ biết giải quyết những tranh chấp bằng luật giang hồ, bằng dao búa, súng ống hay bom mìn.
Chỉ còn một bước nữa là lịch sử VN mai sau có thể ghi chép rằng: "Vào đầu thế kỷ 21 sau Công nguyên, dưới triều đại cộng sản, giặc giã nổi lên khắp nơi vì tham nhũng và bất công tràn lan". Tương tự như dưới thời Lê mạt!
Lê Phục Văn

No comments:

Post a Comment