Monday, November 17, 2014

Độc lập và Giải phóng cho cả dân tộc này hay chỉ cho một nhóm người?

Thứ Hai 17.11.2014   
Sau khi chiếm được miền Nam trù phú ruộng lúa, người CS đã làm gì để biến đòi hỏi: người cày có ruộng thành người cày mất ruộng, đẩy nông dân từ Bắc chí Nam trở nên dân oan nghèo khó đói rách? Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: "Độc lập và Giải phóng cho cả dân tộc này hay chỉ cho một nhóm người? " của Phương Bích sẽ được trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Một lần tôi đến nhà cụ bà Lê Hiền Đức, tình cờ gặp một nhóm bà con dân oan Cần Thơ, tìm đến nhà bà để nhờ cậy việc khiếu kiện. Trong khi bà Đức bận việc, bà nhờ tôi nghe bà con kể, rồi sẽ tóm tắt lại cho bà nghe sau. Câu chuyện của họ là thế này:
Năm 1975, miền Bắc vào giải phóng miền Nam. Chưa đầy một năm sau, những người nông dân ở Cần Thơ (khu vực nông trường Sông Hậu bây giờ) thấy bộ đội (có người quen gọi là lính) vào "đuổi" dân ra khỏi khu vực đất canh tác của họ, nói là lấy đất để nuôi quân. Nếu ai không đi sẽ bắn bỏ! Tôi đoán đây là thời kỳ chiến tranh biên giới Tây Nam.
Đến năm 1979, tức là năm chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, "lính" bỏ đi và đất của họ, sau 3 năm để cỏ dại mọc phủ đầy, đã có chủ mới là Nông trường Sông Hậu! Theo các tài liệu trên mạng, thì đất nông trường Sông Hậu là do ông Năm Hoàng và các cộng sự tổ chức "khai hoang"!
Cuộc khiếu kiện của những người nông dân Cần Thơ bắt đầu từ những ngày đó. Họ gọi cha con ông Năm Hoàng và bà Ba Sương là kẻ cướp. Mặc dù đất đai canh tác của họ trước đây đã được chính quyền VNCH cấp giấy tờ, nhưng không một cấp nào của chính quyền mới này có thể trả lại đất cho họ. Thậm chí, khi nông trường "phát canh thu tô" đất nông trường, họ xin được thuê lại đất của chính họ để canh tác nhưng cũng bị từ chối.
Năm 1993, một trong những nông dân đi khiếu kiện đã có được một văn bản của trung ương, yêu cầu trả đất cho bà con? Lập tức cả ngàn người kéo đến nông trường Sông Hậu để đòi đất. Có người "tư vấn" cho bà con kéo ra tập trung ở quốc lộ, thì "Trung ương" mới biết chuyện mà giải quyết. Cả ngàn người lại kéo ra quốc lộ, gây tắc ngẽn giao thông và sau đó là công an đến, bắt hàng trăm người mang đi, người nói con số bị bắt ba bốn trăm, người nói năm trăm. Mặc dù sau đó phần lớn những người bị bắt được thả dần dần, những cũng có người trong số đó đã bị kết án tù.
Tôi hỏi, trong những năm đó (từ 1976 tới nay – 2014), bà con làm gì để sống? Họ nói, thì đi làm thuê làm mướn, cực lắm! Họ cho tôi xem những tờ giấy do chính quyền địa phương mới xác nhận rằng họ không hề có đất đai canh tác.
Thực ra, sau khi có văn bản từ trung ương chỉ đạo, nông trường đã có hành động đền bù cho bà con nông dân, với giá 19 -20 giạ lúa cho 1 công đất, nghĩa là khoảng 2 triệu đồng cho 1000m2 đất. Có người nhận tiền đền bù theo kiểu vớt vát được chút nào hay chút đó, còn đa phần bà con không nhận. Trong quá trình đi khiếu kiện, nhiều người đã bị đi tù. Có nhà vợ ra tù thì chồng vô tù.
Nghe họ kể, một người bảo: "thấy giống chuyện cổ tích không?"
* Thế là, giải phóng miền Nam đã khiến nhiều người từ không có đất, trở thành có đất và ngược lại người có đất trở thành không còn một tấc đất.
* Không chỉ ở Cần Thơ, mà cả Đồng Tháp hay Văn Giang, Dương Nội và nhiều nơi trên khắp dải đất hình chữ S này cũng vậy. Tại sao người nông dân ngày nay lại đi đòi đúng cái quyền trước năm 45 đã đòi là dân cày có ruộng?
Tôi dò hỏi một chuyên gia về chính sách tiếp quản đất đai ở miền Nam sau năm 1975. Ông ta không nói được điều gì, ngoài việc nói có thể khi có chính quyền mới, người dân phải tự đến kê khai ruộng đất, không kê khai, mất đất chính quyền không chịu trách nhiệm. Tôi rất kinh ngạc khi nghe ông ta nói vậy. Tôi hỏi ông ta,
- Thế chính quyền không cần biết, trước khi "Giải phóng", người nông dân làm gì để sống à? Không có đất sản xuất, người dân sống chết mặc bay à?
Vị chuyên gia không trả lời được câu hỏi này. Tôi thì không biết hỏi ai. Nhưng hiện thực về sự có mặt của hàng ngàn dân oan, đang diễn ra hàng ngày ở thủ đô, trước mắt tất cả bàn dân thiên hạ, chính là câu trả lời xác thực nhất. Nếu hình dung ra con đường đi khiếu kiện của họ từ cấp làng xã, tỉnh huyện rồi mới đến trung ương, thì chúng ta sẽ hiểu, đó là một quãng đường không hề ngắn và cũng không biết bao giờ tới đích. Tôi đành nói với họ, oan thì kêu cứ kêu, nhưng còn chế độ này thì sẽ không ai giải quyết được cho các bác đâu. Cố chờ vậy!
Thực tế dân oan đã có từ rất lâu (có lẽ đã có ngay từ sau năm 54). Nhưng chỉ mới vài năm gần đây, nhiều người mới biết đến dân oan, qua những lời kêu cứu ghi ngay trên quần áo của họ. Bên cạnh việc công nhận đi khiếu nại là quyền bày tỏ ý kiến của người dân, ông chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ trích việc người dân oan đi khiếu kiện, mà mặc áo cờ đỏ sao vàng là làm xấu hình ảnh thủ đô. Tôi lại thấy họ đáng trách ở chỗ khác là họ vẫn đặt nhầm niềm tin vào lá cờ đỏ sao vàng ấy, coi nó như một thứ bùa hộ mệnh để che chở và cứu vớt được họ.
Nếu chính quyền này kết tội lực lượng thù địch, xúi giục và cho tiền để tiếp tay cho dân oan, thì cách tốt nhất là hãy để cho lực lượng thù địch không có đất sống. Không có dân oan thì cái lực lượng thù địch ấy nó chả chết nhăn răng ra à? Nếu tóm được lực lượng thù địch, cứ đưa nó ra tòa, xử công khai để làm gương cho thiên hạ. Thế mới là quang minh chính đại, chứ ai lại cứ lèm bèm nói đổng một mình thế?
Nói đi nói lại, lại ngẫm về 2 câu "Độc lập" và "Giải phóng". Độc lập và Giải phóng cho cả dân tộc này hay chỉ cho một nhóm người?
Phương Bích

1 comment:

  1. Truyện ngắn hay, truyện ngắn tình yêu, góc tâm sự, sống đơn giản blog
    Key: truyen ngan - mobifone khuyen mai

    ReplyDelete